TIN NÓNG 24H QUA: Vác dao chém người kinh hoàng giữa đường phố; đang ngồi uống thì sát hại bạn nhậu
TIN NÓNG 24 GIỜ QUA: Vác dao chém người kinh hoàng giữa đường phố; đang ngồi uống thì sát hại bạn nhậu
A.Đ (T/H)
Thứ bảy, ngày 21/09/2024 06:00 AM (GMT+7)
Vác dao chém người kinh hoàng giữa đường phố; mâu thuẫn khi đang ngồi uống, lấy dao chém bạn nhậu tử vong; đánh người ngay tại trụ sở UBND thị trấn khi đấu giá đất... là những tin nóng 24 giờ qua.
Như Dân Việt đã thông tin: Chiều 20/9, Công an TP.Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) đang tập trung điều tra xử lý vụ chém người xảy ra giữa trung tâm Quy Nhơn, khiến nhiều người chứng kiến hốt hoảng.
Theo thông tin ban đầu, do mâu thuẫn trong việc tranh chấp nhà cửa, L.V.D (SN 1967) và L.Đ.H (SN 1977) là anh em, đang cùng trú ở TP.Quy Nhơn đã xảy ra cãi vã và đánh nhau. Ngày 19/9, D đã đánh H nên mâu thuẫn càng căng thẳng.
Chiều nay, khi thấy D đi ra khỏi nhà, H cầm dao đi theo, khi đến đoạn ngã tư đường Lê Hồng Phong - Tăng Bạt Hổ (TP.Quy Nhơn), H cầm dao chém D nhiều nhát gây thương tích nặng.
Tại hiện trường nạn nhân ngã gục trên đường, phải di chuyển để né những vết chém.
Vụ việc đang được công an tiếp tục điều tra, làm rõ.
Mâu thuẫn khi đang ngồi uống, lấy dao chém bạn nhậu tử vong
Tối 20/9, lãnh đạo UBND phường Quảng Long (thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình) cho biết: "Trên địa bàn vừa xảy ra vụ án mạng khiến một người tử vong, nguyên nhân sự việc xuất phát từ mâu thuẫn trong cuộc nhậu".
Theo đó, vào khoảng 14h30 ngày 20/9, ông Phạm Ngọc R. (SN 1963) đến nhà ông Phạm Văn Đạo (SN 1959, ở TDP Chính Trực, phường Quảng Long) để nhậu.
Trong lúc ngồi nhậu xảy ra mâu thuẫn nên ông Đạo đã chém ông R. tử vong. Sau đó, ông Đạo đến Công an TX.Ba Đồn đầu thú.
Tiếp nhận tin báo, các đội nghiệp vụ Công an TX.Ba Đồn và Công an tỉnh Quảng Bình đã đến khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, điều tra nguyên nhân vụ việc.
Đánh người ngay tại trụ sở UBND thị trấn khi đấu giá đất
Ngày 20/9, trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Văn Hưng – Chủ tịch UBND huyện Phù Cát (tỉnh Bình Định) xác nhận, có tình trạng xích mích xảy ra giữa những người tham gia đấu giá đất, được tổ chức tại trụ sở UBND thị trấn Cát Tiến.
Đánh người ngay tại trụ sở UBND thị trấn Cát Tiến, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định khi đấu giá đất. Video quay lại màn hình.
Theo clip được lan truyền trên mạng Facebook, 1 người phụ nữ la lối: "Mày né ra không", rồi dùng tay đánh mạnh vào đầu 1 phụ nữ khác, khiến nạn nhân kêu la ngồi sụp xuống. Tại khuôn viên trụ sở UBND thị trấn Cát Tiến, khung cảnh hỗn loạn, mất trật tự.
Nhiều bình luận trên mạng xã hội cho rằng, đây là hành vi bạo lực cần phải lên án và xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật.
Theo Chủ tịch UBND huyện Phù Cát, cuộc đấu giá này do huyện mượn trụ sở UBND thị trấn Cát Tiến để đấu giá 58 lô đất tại Khu dân cư phía đông suối ông Sung (thị trấn Cát Tiến), do UBND huyện Phù Cát làm chủ đầu tư.
Đơn vị được thuê tổ chức đấu giá là Công ty đấu giá hợp danh Đông Dương.
"Có rất đông người tham gia đấu giá nên cuộc đấu giá diễn ra đến 21h30 tối mới xong. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức đấu giá, những người tham gia đấu giá đã xảy ra xích mích. Tại cuộc đấu giá có công an và họ đã can thiệp xử lý", ông Hưng cho hay.
Theo nguồn tin, sự việc đánh người xảy ra tại cuộc đấu giá đất vào ngày 16/9 tại trụ sở UBND thị trấn Cát Tiến, sau đó nạn nhân đã nhập viện cấp cứu và người thân đã đến Công an thị trấn Cát Tiến (huyện Phù Cát) để làm việc cung cấp thông tin, phục vụ việc xác minh sự việc trên.
Cách đây không lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn đã có công văn yêu cầu các đơn vị, địa phương nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện việc đấu giá quyền sử dụng đất đảm bảo theo đúng quy định pháp luật.
Ông Phạm Anh Tuấn chỉ đạo, cần nắm bắt kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong đấu giá quyền sử dụng đất. Nhất là các hành vi cấu kết thao túng thị trường, thông đồng dìm giá, nâng giá để tạo ra thị trường không lành mạnh, không đúng thực tế, trục lợi.
Theo Chủ tịch tỉnh Bình Định, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức phải thực hiện nghiêm túc việc ban hành quy chế, thông báo, tổ chức công tác đấu giá quyền sử dụng đất theo đúng quy định pháp luật có liên quan.
Giám sát chặt chẽ quá trình tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong đấu giá quyền sử dụng đất, ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá quyền sử dụng đất để trục lợi, gây nhiễu loạn thị trường.
"Đặc biệt, kiểm soát người tham gia đấu giá, không để xảy ra tình trạng chèo kéo người tham gia, mốc nối, thông đồng dìm giá hoặc nâng giá, làm sai lệch kết quả đấu giá, gây mất trật tự và không tuân thủ các quy định tại các cuộc đấu giá", Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo.
Xét xử vụ Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2: Cựu Tổng Giám đốc SCB và hành vi chiếm đoạt 28.000 tỷ đồng của 35.818 bị hại
Chiều 20/9, TAND TP.HCM tiếp tục tổ chức phiên xét xử vụ Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2 ở phần xét hỏi.
Võ Tấn Hoàng Văn, cựu Tổng Giám đốc SCB là một trong những bị cáo bị HĐXX xét hỏi nhằm làm rõ các sai phạm khi giúp sức bị cáo Trương Mỹ Lan - Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát - phát hành các gói trái phiếu khống, lừa bán cho 35.824 trái chủ, chiếm đoạt hơn 30.000 tỷ đồng.
Tại tòa, cựu Tổng Giám đốc SCB thừa nhận sai phạm như các bị cáo khác - sai từ chủ trương phát hành trái phiếu cho đến khi triển khai.
Năm 2018, Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB, bà Lan sở hữu trên 91,5 % cổ phần) bị các cơ quan quản lý thanh tra, kiểm tra. Việc xin cấp tín dụng gặp nhiều khó khăn kèm theo tình hình nợ xấu kéo dài. Để thoát khỏi tình trạng này, bị cáo Lan ra chủ trương và họp với 5 nhân sự chủ chốt của Vạn Thịnh Phát, SCB, Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI), chọn các công ty thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát để phát hành, tư vấn, chào bán trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ bất hợp pháp, huy động tiền từ người dân để trả nợ ngân hàng, đầu tư dự án và các mục đích cá nhân khác.
Khai tại tòa, bị cáo Văn thừa nhận đã đại diện SCB, cùng Nguyễn Tiến Thành đại diện TVSI phối hợp xây dựng chương trình đào tạo nhân viên tư vấn, giới thiệu các nhà đầu tư thứ cấp (người dân) ký kết hợp đồng mua trái phiếu với TVSI và SCB. Sau đó, bị cáo Văn đã tổ chức đào tạo cho các nhân viên trong toàn hệ thống (2.479 nhân viên tại 239 chi nhánh, phòng giao dịch).
Cơ quan điều tra xác định, cựu Tổng Giám đốc SCB chỉ đạo Khối Ngân hàng bán lẻ triển khai tổ chức bán hàng, đào tạo sản phẩm mới cho giám đốc và các nhân viên tại các chi nhánh và phòng giao dịch của SCB; xây dựng và triển khai các chính sách hoa hồng, chương trình thi đua giới thiệu khách hàng cho các đơn vị kinh doanh...
Với các hành vi đã thực hiện, ông Văn bị cáo buộc là đồng phạm giúp sức tích cực cho bà Lan hoàn thành việc bán trái phiếu của các Công ty An Đông, Quang Thuận và Setra; đồng phạm với bà Lan chiếm đoạt số tiền hơn 28.000 tỷ đồng của 35.818 bị hại.
Cha con “đại gia” điện gió miền Tây Tô Hoài Dân - Tô Công Lý bị tuyên án tù
Chiều 20/9, TAND tỉnh Cà Mau tuyên án sơ thẩm đối với vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý rác thải TP.Cà Mau (do Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại - Du lịch Công Lý, gọi tắt là Công ty Công Lý).
Theo đó, HĐXX đã tuyên phạt Tô Công Lý (40 tuổi, con trai ông Dân - Phó Tổng giám đốc Công ty Công Lý) mức án 10 năm tù giam; Tô Hoài Dân (63 tuổi, Tổng giám đốc Công ty Công Lý) và Nguyễn Bá Đam (40 tuổi, nhân viên Công ty Công Lý) cùng mức án 4 năm tù về tội danh nêu trên.
Theo cáo trạng: Từ năm 2009 - 2012, Tô Công Lý đã trực tiếp và chỉ đạo Nguyễn Bá Đam lập hồ sơ khống xây dựng 2 hạng mục công trình, gồm: "Hệ thống xử lý nước thải" và "Khu tiếp nhận và phân tách rác", với giá trị hơn 14,6 tỷ đồng, với mục đích là lợi dụng chính sách hỗ trợ 50% vốn đầu tư đối với dự án trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Hồ sơ khống sau đó được trình cho Tô Hoài Dân ký quyết định phê duyệt quyết toán hoàn thành dự án. Sau đó, ông Dân ký tờ trình đề nghị UBND tỉnh Cà Mau xem xét hỗ trợ 50% vốn đầu tư, và được phê duyệt, hỗ trợ 50% vốn đầu tư với số tiền hơn 7,302 tỷ đồng.
Ngoài ra, cáo trạng xác định, ông Dân biết rõ dự án không có hạng mục "khu tiếp nhận và phân tách rác" và "hệ thống xử lý nước thải" nhưng vẫn ký phê duyệt quyết toán hoàn thành dự án, và ký tờ trình đề nghị xem xét hỗ trợ vốn đầu tư 50% (tương đương số tiền hơn 7,302 tỷ đồng) cũng đã phạm vào tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" quy định tại điểm a khoản 4 Điều 174 Bộ luật Hình sự, với vai trò đồng phạm với con trai.
Riêng Nguyễn Bá Đam biết rõ tại thời điểm lập hồ sơ cung cấp cho công ty kiểm toán và Sở Tài chính đề nghị hỗ trợ vốn đầu tư không có 2 hạng mục trên, nhưng Đam vẫn thực hiện chỉ đạo của Tô Công Lý… Hành vi này đã phạm vào tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" quy định tại điểm a khoản 4 Điều 174 Bộ luật Hình sự với vai trò đồng phạm với Lý.
Tháng 8/2019, Cơ quan ANĐT Bộ Công an có quyết định khởi tố vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý rác thải TP.Cà Mau; đồng thời khởi tố bị can đối với Tô Công Lý về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự.
Đến ngày 19/3/2020, Cơ quan ANĐT Bộ Công an có quyết định khởi tố bị can đối với Tô Hoài Dân, Nguyễn Bá Đam về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Ngoài đầu tư Nhà máy xử lý rác thải TP.Cà Mau, Công ty Công Lý còn đầu tư nhiều dự án lớn khác như: Dự án điện gió Bạc Liêu (Bạc Liêu), dự án khu du lịch Khai Long (Cà Mau).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.