Máy bay không người lái Azerbaijan tiêu diệt cả tiểu đội Armenia.
Azerbaijan cũng tuyên bố phá hủy một tổ hợp phòng không S-300, sử dụng máy bay không người lái cảm tử Harop do Israel sản xuất. Armenia đã bác bỏ tuyên bố này, theo Asia Times.
Harop là máy bay không người lái cảm tử do tập đoàn công nghiệp hàng không Israel chế tạo. Harop có khả năng chống bức xạ, chuyên truy tìm nguồn phát vô tuyến và được thiết kế để tìm diệt các hệ thống phòng không đối phương.
Harop có phần khung thân thiết kế theo dạng tàng hình, khiến hệ thống phòng không đối phương khó phát hiện và ngăn chặn hơn. Harop có đặc tính tỏa nhiệt thấp, nghĩa là các thiết bị tầm nhiệt và radar hồng ngoại sẽ khó phát hiện ra mẫu máy bay không người lái này hơn.
Mẫu UAV của Israel có chiều dài 2,5 mét, sải cánh rộng 3 mét, được thiết kế để mang theo thuốc nổ nặng 23kg. Nó có thể hoạt động liên tục trên không trong vòng 6 giờ, phạm vi hoạt động khoảng 1.000km.
Máy bay không người lái cảm tử Israel bán cho Azerbaijan.
Mang tên là UAV cảm tử, Harop sẽ lao thẳng vào hệ thống phòng không đối phương một khi phát hiện nguồn phát sóng vô tuyến.
Israel còn cung cấp cho Azerbaijan hàng loạt các loại máy bay không người lái mang vũ khí khác nhau, bao gồm Skystriker, Orbiter 1K, Orbiter 3, ThunderB, Hermes 450, Hermes 900 và Heron TP.
Máy bay không người lái Skystriker do tập đoàn Elbit Systems của Israel sản xuất có kích cỡ nhỏ hơn nhiều so với Harop. Skystriker có thể mang theo đầu đạn nổ nặng 5kg, bay tuần tra trong 2 giờ đồng hồ, phạm vi hoạt động 20km. Skystriker cũng xuất hiện trong cuộc xung đột tại Nagorno-Karabakh. Quân đội Armenia thông báo đã bắn rơi nhiều UAV loại này.
Ngoài các UAV của Israel, máy bay không người lái tham chiến ở Nagorno-Karabakh còn có UCAV Bayraktar TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ. Các chuyên gia cho rằng, không loại trừ khả năng Thổ Nhĩ Kỳ trực tiếp điều khiển UAV Bayraktar TB2, gây thiệt hại đáng kể cho Armenia.
Máy bay không người lái Bayraktar TB2 và những vũ khí có thể mang theo.
Bayraktar TB2 đã chứng minh hiệu quả khi phá hủy nhiều khí tài quân sự do Nga cung cấp ở Syria và Libya. Mẫu UCAV (UAV chiến đấu) này đã vô hiệu hóa 3 hệ thống phòng không Pantsir ở Libya. Bayraktar TB2 cũng phá hủy hai hệ thống Pantsir ở tỉnh Idlib, Syria.
Ưu điểm của các UCAV là khả năng xâm nhập vào sâu trong trận địa, tung đòn tấn công từ trên cao một cách chính xác. Chi phí để chế tạo UCAV cũng rẻ hơn nhiều so với các chiến đấu cơ thông thường, lại được điều khiển từ xa nên có thể được triển khai hàng loạt.
Những video do Bộ Quốc phòng Azerbaijan công bố cho thấy máy bay không người lái đã há hủy nhiều mục tiêu phòng không có giá trị cao và nhiều phương tiện bọc thép của Armenia, bao gồm xe tăng T-72.
Nhờ máy bay không người lái do Israel và Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất, quân đội Azerbaijan đã phá hủy ít nhất 3 hệ thồng phòng không 9K35 Strela-10, 6 hệ thống 9k33 Osa của Armenia. Đây đều là những hệ thống phòng không lỗi thời và không có khả năng phát hiện UAV.
Xe tăng T-72 của Armenia lọt vào tầm ngắm máy bay không người lái Azerbaijan.
Ở phía bên kia chiến tuyến, Armenia sở hữu các chiến đấu cơ Su-30SM và cường kích Su-25. Các máy bay này tham chiến một cách hết sức hạn chế vì nguy cơ bị đối phương bắn rơi. Ít nhất một chiếc Su-25 đã bị chiến đấu cơ F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ trong cuộc xung đột mới nhất, theo Armenia.
Trả lời trên tờ Rossiyskaya Gazeta, tướng Oleg Salyukov, tư lệnh lục quân Nga nói Moscow đang gấp rút chế tạo các đạn tên lửa mới, trang bị cho tổ hợp tên lửa phòng không Tor-M2 để chuyên đối phó với UAV và UCAV.
“Tổ hợp phòng không Tor-M2 là vũ khí hiệu quả nhất chống lại máy bay không người lái chiến thuật. Tuy nhiên, chi phí sản xuất một quả tên lửa còn đắt hơn chế tạo UAV. Chúng tôi đang phát triển đạn tên lửa mới rẻ hơn nhiều”, ông Salyukov nói.
Có thể nói, những gì đang diễn ra tại điểm nóng Nagorno-Karabakh cho thấy máy bay không người lái mang vũ khí đang trở thành vũ khí mới định hình chiến trường hiện đại.
Khí tài quân sự có kích thước nhỏ gọn, giá thành rẻ, sản xuất với số lượng đại trà chiếm ưu thế hoàn toàn so với các chiến đấu cơ đắt giá. UCAV không chỉ gây thiệt hại đáng kể cho hệ thống phòng không đối phương, mà còn giúp giảm tổn thất về người trong trường hợp những máy bay không người lái này bị bắn rơi.
Có thể nói, toan tính của mỗi bên trong việc sử dụng UAV tấn công có thể khiến các cuộc chiến tranh trong tương lai trở nên phức tạp hơn nhiều, theo Asia Times.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.