Giây phút đen tối trong sự nghiệp
Vụ tai nạn thường được gọi là vụ Chappaquiddick, tên một hòn đảo ở bang Massachusetts và là nơi diễn ra vụ bê bối năm 1969. Khi ấy, ông Ted lái xe về sau một bữa tiệc, rẽ nhầm và lao ô tô ra khỏi cây cầu gỗ nhỏ Dyke, rơi xuống biển. Ông bơi vào bờ, bỏ mặc người ngồi cùng xe là Mary Jo Kopechne chết đuối. Mãi gần 10 tiếng sau, ông mới báo cảnh sát về vụ tai nạn.
Chiếc xe của ông Ted được kéo từ biển lên.
Ông Ted là con trai út trong 9 người con của ông Joseph và bà Rose Kennedy. Khi mới 30 tuổi, ông đã giành được ghế thượng nghị sĩ từng do anh trai nắm giữ trước khi bị ám sát. Tại thời điểm vụ tai nạn, ông Ted là người con trai cuối cùng còn sống của gia đình Kennedy - gia tộc làm mưa làm gió chính trường Mỹ những năm 1960. John và Robert Kennedy bị ám sát, còn anh trai cả là Joseph chết năm 1944 trong khi làm nhiệm vụ của một phi công trong Chiến tranh Thế giới thứ hai. Ông Ted đang trong tâm thế chuẩn bị chạy đua vào Nhà Trắng nhưng hy vọng đã vỡ tan sau vụ tai nạn và cách hành xử đáng xấu hổ của mình.
Trong thực tế, sau vụ tai nạn, ông Ted đã về khách sạn, tắm táp và đi ngủ. Trong khi đó, có thông tin cho rằng cô gái xấu số Kopechne đã không chết đuối ngay, vẫn sống nhờ không khí còn sót lại trong ô tô. Cô chỉ ngạt thở khi ôxy đã cạn vài tiếng sau đó.
Ông Ted lái xe về sau một bữa tiệc, rẽ nhầm và lao ô tô ra khỏi cây cầu gỗ nhỏ Dyke, rơi xuống biển. Ông bơi vào bờ, bỏ mặc người ngồi cùng xe là Mary Jo Kopechne chết đuối.
Ông Ted thoát vụ việc khi chỉ bị xử án tù treo và bị tước bằng lái xe một năm. Tội danh là rời hiện trường tai nạn. Tuy vậy, nhiều người không bao giờ tha thứ cho ông Ted vì những gì đã xảy ra. Ông Edward Klein, tác giả cuốn sách “Ted Kennedy: The Dream That Never Died” (Ted Kennedy: Giấc mơ không bao giờ tắt), nói: “Mặc dù suốt lịch sử chúng ta có những lãnh đạo mà cuộc sống riêng có tì vết nhưng lại lỗi lạc trước công chúng. Nhưng đối với ông Ted, làm sao ông ta có thể là một trong những thành viên đáng tin cậy nhất của Thượng viện và họ tin lời ông ta như vàng khi ông ta chỉ là một người hành xử ngu ngốc, mất kiểm soát phần lớn cuộc đời?”.
Sau đêm tai nạn, từ Chappaquiddick đã trở thành từ đồng nghĩa với việc lừa dối, lạm dụng quyền lực. Tuy nhiên, giây phút đen tối nhất sự nghiệp của ông Ted lại gắn định mệnh của ông với tư cách là một thượng nghị sĩ sẵn sàng gánh vác trọng trách, để cuối cùng biến ông thành một trong những chính trị gia được trọng vọng nhất trong Quốc hội Mỹ.
Cứu vãn tình thế
Vài ngày sau vụ tai nạn vào hè năm 1969 đó, một số nhân vật thuộc chính quyền cũ của Tổng thống John F. Kennedy đã chấp bút một bài phát biểu xin lỗi cứu vãn tình hình cho thượng nghị sĩ trẻ Ted Kennedy. Bài phát biểu này sau đó đã được ông Ted đọc trên truyền hình ngày 26.7 với hi vọng mong người dân Mỹ thông cảm.
Ông Ted đã không báo về vụ tai nạn trong suốt gần 10 tiếng.
Trong bài phát biểu cứu vãn chiếc ghế thượng nghị sĩ dài có 13 phút, ông Ted mô tả lại bữa tiệc và phủ nhận rằng mình lái xe trong tình trạng say rượu hay có hành xử vô đạo đức. Ông chỉ thừa nhận mình sai sót khi không báo ngay về vụ tai nạn và nói rằng sai sót đó là không thể bào chữa được. Ông cũng mô tả những suy nghĩ “không lý trí” bủa vây mình đêm đó, kiểu như “không hiểu có lời nguyền khủng khiếp nào đã thực sự treo lơ lửng trên đầu mọi người thuộc nhà Kennedy”.
Khi cuộc bầu cử Thượng viện năm 1970 đến gần, ông Ted đã hỏi cử tri xem ông phải làm gì tiếp theo. Cử tri Massachusetts đã ồ ạt gửi điện, thư, gọi điện thoại để ủng hộ ông Ted tranh cử vào Thượng viện năm sau. Và rõ ràng, bài phát biểu đã cứu thần xác ông. Ông dễ dàng thắng vang dội với 62% phiếu bầu.
Tuy nhiên, vụ bê bối Chappaquiddick đeo bám ông, khiến ông không thể trở thành ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ, để vuột đề cử vào tay ông Jimmy Carter năm 1980. Ít ai ngờ là trước vụ Chappaquiddick, ông Ted đang trên con đường rộng thênh thang tới Nhà Trắng. Lời tán dương có cánh mà ông dành cho người anh trai Robert bị ám sát năm trước đó đã tác động mạnh tới nước Mỹ và theo khảo sát, 79% người Mỹ cho rằng ông Ted sẽ là ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ năm 1972.
Tuy vậy, vài ngày sau bài phát biểu trên truyền hình, khảo sát dư luận cho thấy 51% người Mỹ không tin lời giải thích của ông Ted về việc tại sao ông lại dự tiệc với các cô gái độc thân, tại sao một người quen thuộc với hòn đảo lại có thể rẽ nhầm và tại sao một người phải đeo đai đỡ lưng do bị tai nạn máy bay lại có thể bơi qua vùng biển sóng to để về khách sạn.
Bạn bè ông Ted khai trong một cuộc điều tra rằng, sau vụ tai nạn, ông Ted khóc lóc và bối rối, tìm cách đổ lỗi vụ việc cho người khác. Ông luôn miệng hỏi: “Tôi sẽ phải làm gì đây, tôi có thể làm gì đây?”. Trong vòng 5 ngày sau tai nạn, các luật sư của ông Ted đã sắp xếp để ông nhận tội bỏ hiện trường tai nạn và nhận án hai tháng tù nhưng án này đã được đình chỉ. Ông Ted không bị cáo buộc tội giết người. Vợ ông Ted là bà Joan, đã bị sảy thai sau khi hai vợ chồng dự đám tang của Kopechne và bà cho rằng nguyên nhân là do vụ Chappaquiddick.
Mặc dù gia đình cô Kopechne cho biết họ chỉ nhận được một khoản tiền nhỏ từ nhà Kennedy để dùng mua một ngôi nhà, tuy nhiên đối thủ chính trị của ông Ted cáo buộc gia đình Kennedy đã trả hậu hĩnh cho nhà cô Kopechne để họ im lặng.
Năm 1980, mặc dù không giành được đề cử ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ, ông Ted đã có bài phát biểu quan trọng tại đại hội đảng, phát đi lời kêu gọi đoàn kết, ghi dấu ấn trong sự nghiệp của ông.
Việc ông Ted ủng hộ sớm ứng cử viên Barack Obama là một ảnh hưởng chính trị giúp ông Obama trở thành tổng thống năm 2008. Tuy nhiên, vụ Chappaquiddick đã khiến ông Ted dù leo lên các nấc thang nhanh chóng nhưng không bao giờ có cơ hội nắm giữ một vị trí lãnh đạo chính thức. Ông đã để mất vị trí lãnh đạo đảng Dân chủ ở Thượng viện vào tay ông Robert Byrd.
Cho đến nay, vụ Chappaquiddick vẫn còn nhiều điều chưa được giải thích thỏa đáng. Nhiều thuyết âm mưu đã xuất hiện, kiểu như ông Ted bị đối thủ chính trị gài bẫy hay vụ ô tô lao xuống biển là để che giấu một tội ác kinh khủng hơn vì thi thể Kopechne không bao giờ được khám nghiệm...
Thùy Dương (Báo Tin Tức)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.