Vụ thả tự do xe gây tai nạn: Có sai lệch trong hồ sơ vụ án?

Đỗ Lê Tảo Thứ năm, ngày 07/07/2016 14:38 PM (GMT+7)
Ngày 23.6, báo NTNN/điện tử Dân Việt đăng bài “Xe gây tai nạn được thả tự do”. Bài báo phản ánh việc cơ quan điều tra Công an huyện Hoài Đức (Hà Nội) thả tự do cho chiếc xe taxi gây tai nạn liên hoàn.
Bình luận 0

VKS quy trách nhiệm cơ quan điều tra

Như báo NTNN/điện tử Dân Việt ngày 23.6 đã thông tin, khoảng 0 giờ 45 phút ngày 13.12.2014 anh Nguyễn Thành Luân (sinh năm 1985, thường trú huyện Lương Sơn, tỉnh Hoà Bình) điều khiển xe ô tô taxi BKS 29A-314.31(hãng taxi Thăng Long) đi đường trụ chính đại lộ Thăng Long hướng Hoà Lạc – Hà Nội, đến km 9+100 đã đâm vào đuôi xe ô tô BKS 29A – 979.45 do chị Đỗ Thị Kim Liên điều khiển, đang đỗ…

Vụ tai nạn nghiêm trọng này đã được cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Hoài Đức ra quyết định số 50 (ngày 22.4.2015) khởi tố vụ án hình sự  “vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”. Vụ án đang trong quá trình giải quyết, chiếc xe gây tai nạn là vật chứng, tang vật của vụ án nhưng lại được Công an huyện Hoài Đức “thả tự do” ngày 20.5.2015.

img

Xe taxi gây tai nạn.

Ngày 29.6, PV báo điện tử Dân Việt đã làm việc với ông Nguyễn Duy Hùng (Phó viện trưởng VKS ND huyện Hoài Đức, Hà Nội), ông Hùng cho biết: VKS huyện Hoài Đức đã có kiến nghị với Công an huyện Hoài Đức về việc trả lại vật chứng của vụ án theo quy định tại điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự, nhưng cơ quan điều tra vẫn trả lại vật chứng của vụ án (thả tự do chiếc xe taxi gây tai nạn và chiếc xe ô tô của bị hại là chị Liên) là quyền của cơ quan điều tra, VKS chỉ có quyền kiến nghị.

Ông Hùng cũng cho biết thêm, vụ án này đã được tạm đình chỉ để chờ kết luận định giá lại phương tiện liên quan đến vụ án, khi có kết luận của cơ quan giám định thì vụ án sẽ được phục hồi điều tra.

Khi PV đặt câu hỏi: Phương tiện là tang vật, vật chứng của vụ án đã được thả tự do, đã được sửa chữa, không còn tính nguyên vẹn hoặc có thể sẽ bị bán cho người khác… thì lấy gì ra để giám định lại, đảm bảo việc giải quyết vụ án khách quan, chính xác? Ông Hùng trả lời: Việc này thuộc trách nhiệm của cơ quan điều tra.

Hồ sơ vụ án bị sai lệch?

Như báo điện tử Dân Việt đã phản ánh trước đó, kể từ ngày xảy ra vụ tai nạn giao thông đến nay đã 18 tháng, vụ án vẫn chưa được giải quyết xong. Điều làm chị Liên (bị hại) bức xúc là xe taxi gây tai nạn (hãng taxi Thăng Long) được thả tự do lưu thông kinh doanh, còn xe ô tô của chị Liên bị hư hỏng nặng vẫn nằm ở xưởng mà chưa có ai chịu trách nhiệm bồi thường, sửa chữa vì các thủ tục tố tụng của cơ quan điều tra công an huyện Hoài Đức kéo dài hết thời hạn điều tra một cách khó hiểu.

img

Xe bị đâm của chị Liên.

Trao đổi với PV, chị Liên cho biết: “Chiều ngày 17.6, tôi đến làm việc với Công an Hoài Đức  về việc tại sao đã  trả xe cho tôi từ tháng 1.2015 mà không trả cho tôi biên bản? Và chiều tối cùng ngày 17.6 (tức khoảng 18 tháng sau ngày lập biên bản trả xe) cảnh sát giao thông tên là Nguyễn Vinh mới đem biên bản giao trả phương tiện đến tận nhà riêng để trả cho tôi. 18 tháng qua tôi không được trả lại biên bản gốc và các giấy tờ liên quan đến vụ án này?”  

Lật lại hồ sơ vụ án để tìm hiểu, PV đã phát hiện dấu hiệu sai lệch trong hồ sơ vụ án. Cụ thể, tại biên bản bàn giao phương tiện, tang vật liên quan đến vụ tai nạn giao thông (biên bản này được lập để trao trả xe ô tô cho chị Liên) được lập xong hồi 9 giờ 20 phút ngày 30.1.2015 do thượng tá, phó trưởng công an huyện Nguyễn Viết Thắng ký; còn biên bản tạm giữ phương tiện, tang vật lại ghi “lập xong hồi 10 giờ 30 phút ngày 30.1.2015”. Như vậy, câu hỏi đặt ra là tại sao biên bản trả lại phương tiện, tang vật lại được “sinh ra” trước biên bản tạm giữ phương tiện, tang vật  70 phút, trong cùng một ngày 30.1.2015?

Một logic rất dễ hiểu là phải có việc tạm giữ phương tiện thì mới có việc trả lại phương tiện, nhưng hồ sơ của Công an Hoài Đức lại thể hiện điều ngược lại theo kiểu “sinh con rồi mới sinh cha…”? Hơn nữa, trong nội dung biên bản tạm giữ phương tiện thực hiện tại Công an huyện Hoài Đức ghi rõ “tạm giữ phương tiện đối với bà Đỗ Thị Kim Liên” là người điều khiển, nhưng phần ký tên thì chị Liên lại chở thành “người chứng kiến”, còn mục dành cho người điều khiển phương tiện phải ký tên thì không có ai ký, bỏ trống?

Trao đổi với PV về việc này, tiến sĩ, luật sư Vũ Thái Hà (đoàn LS Hà Nội) nhận xét: “Biên bản do các cơ quan tiến hành tố tụng lập được coi là chứng cứ quan trọng để giải quyết vụ án theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Dấu hiệu thiếu logic hoặc sai lệch giữa các biên bản (chứng cứ) trong hồ sơ vụ án cho thấy có những biểu hiện vi phạm tố tụng hình sự, sẽ ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem