“Nắm lấy bất cứ cái phao nào...”
Ngày 25/3/1975, ông vua Faisal của Saudi Arabia bị cháu mình ám sát chết.
Nhiều tờ báo ở Sài Gòn lúc ấy đã đưa chi tiết chuyện này ở mục thời sự quốc tế, như một “breaking news” (tin nóng) ở xứ người. Chỉ vậy thôi.
Từ phải sang: Tổng thống Gerald Ford, phó tổng thống Nelson Rockefeller và ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger. Một không khí căng thẳng bao trùm Nhà Trắng vào những ngày cuối tháng 4/1975 trước những tin tức liên quan đến Việt Nam. Ảnh tư liệu.
Trong khi đó, lật lại những chồng báo cũ tháng ba, tháng tư năm ấy, người ta thấy mục quảng cáo rao vặt “bán nhà ở Sài Gòn” tăng vọt, đồng thời xuất hiện một mục mới chiếm nhiều diện tích trên các nhật báo: “Tìm người thân mất tích” trong các đợt di tản từ miền Trung vào Sài Gòn.
Nhưng cái chết của vua Faisal lại làm choáng váng tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu và các cộng sự ở dinh Độc Lập!
Vì sao vậy? Vì nó liên quan đến những cam kết bí mật về tài chính của ông vua xứ dầu lửa này với chính quyền Sài Gòn. Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng, tổng trưởng kế hoạch Việt Nam Cộng hòa lúc ấy, đã nói về sự cam kết đó rằng: “Khi sắp chết đuối, ta nắm lấy bất cứ cái phao nào nổi!”.
Có nghĩa là chính quyền Sài Gòn lúc đó đang “sắp chết đuối” về mặt tài chính. Các tài liệu lưu trữ cho biết rằng cái túi viện trợ khổng lồ của Mỹ ngày càng xẹp đi nhanh chóng và sắp sửa trống rỗng. Để làm đầy lại cái túi đó, ông Thiệu trông chờ vào những cái phao.
Và một cái phao có thể nổi như dầu là vua Faisal. Cuốn Hồ sơ mật dinh Độc Lập của Nguyễn Tiến Hưng và Jerrold L.Schecter viết: Đầu năm 1975 vua Faisal đã bí mật đồng ý trên nguyên tắc cho chính quyền Sài Gòn vay dài hạn mấy trăm triệu USD với lãi suất thấp.
Số tiền này được dùng để vực dậy nền kinh tế và mua thêm nhiên liệu, đạn dược cho quân đội Sài Gòn. Một cách thức khác cũng được thỏa thuận với Faisal: Saudi Arabia sẽ đứng ra bảo đảm cho Việt Nam Cộng hòa vay viện trợ quân sự của Mỹ để mua thêm súng đạn từ Mỹ (cho tương thích với vũ khí Mỹ đã đổ vào miền Nam trước đó).
Đùng một cái, vua Faisal bị ám sát chết. Kế hoạch đó đã bị phá sản ngay khi bắt đầu thực thi.
Nhưng thật ra cái phao lớn nhất mà ông Thiệu cố vói tới lúc đó chính là Quốc hội Mỹ. Trong những ngày hấp hối của chế độ Việt Nam Cộng hòa tháng 4/1975, ông Thiệu đã tiếp đón tham mưu trưởng lục quân Mỹ Frederick C. Weyand tại Sài Gòn. Vị tướng Mỹ cùng êkip sang Việt Nam để tìm biện pháp khẩn cấp cứu lấy chính quyền Việt Nam Cộng hòa.
Theo nhân viên chiến lược CIA Frank Snepp trong cuốn Decent interval (Cuộc tháo chạy tán loạn), trong cuộc gặp với tướng Weyand, ông Thiệu đã đề nghị Mỹ tăng viện trợ quân sự khẩn cấp để chặn bước tiến của quân giải phóng. Ngoài ra, ông Thiệu còn có thêm một yêu cầu đáng sợ: cho máy bay B-52 của quân đội Mỹ ném bom rải thảm để bảo vệ Sài Gòn.
Sau đó, tướng Weyand bay về California tường trình với tổng thống Gerald Ford và ngoại trưởng Henry Kissinger: phải viện trợ quân sự khẩn cấp cho chính quyền Sài Gòn 722 triệu USD.
... Ngày 10/4 giờ Washington, tổng thống Ford đọc bài diễn văn quan trọng trước quốc hội về tình hình Việt Nam và Campuchia. Ông ta yêu cầu quốc hội chấp thuận ngân khoản 722 triệu USD để viện trợ khẩn cấp cho Việt Nam Cộng hòa và còn ấn định hạn chót để quốc hội đưa ra quyết định là 19/4/1975. “Đúng như dự đoán của đại sứ Việt Nam Cộng hòa Trần Kim Phượng trong bức điện đánh về cho ông Thiệu: thỉnh cầu một ngân khoản lớn như thế chắc chắn sẽ “gây ra kinh hoàng và la ó tại Quốc hội Mỹ” - tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng nhớ lại như thế trong Hồ sơ mật dinh Độc Lập.
Còn thượng nghị sĩ Mỹ Jackson đã tuyên bố thẳng thừng về yêu cầu của tổng thống Ford trên tờ New York Times ngày 12/4: “Yêu cầu đó chết rồi! Không một ai trong phe mà tôi biết lại ủng hộ nó”.
Box: ... Ở đây xin mở ngoặc nói thêm một chút về những giếng dầu đầu tiên. Việc thăm dò và khai thác dầu khí ở miền Nam bắt đầu từ năm 1973. Rất nhiều hãng dầu quốc tế nhảy vào. Chỉ qua hai vòng đấu thầu năm đó, chính phủ Việt Nam Cộng hòa đã thu được 17 triệu USD và đến năm 1974, số tiền thu được lên đến 30 triệu USD. Việc phát hiện mỏ dầu ở vùng biển Việt Nam đã làm nức lòng bao người Việt Nam (nhưng ngay sau đó, vào tháng 1/1974, Trung Quốc đã đưa hải quân tấn công quân đội Sài Gòn và chiếm quần đảo Hoàng Sa cho tới nay). Ngày 17/8/1974, Hãng Pecten khoan trúng dầu ở lô 08-LTD, đặt tên là Hồng-X, rồi giếng thứ hai là Dừa 1-X. Tới tháng 10/1974, Hãng Mobil khoan mỏ Bạch Hổ 1. Hãng Marathon và Union Texas quyết định khoan dầu vào cuối năm 1974, còn Hãng Esso và Sunningdale dự định bắt tay vào tháng 4/1975...
Thế chấp cả mỏ dầu và vàng dự trữ
Thế là xong, cái phao của chú Sam đã tự xì trước khi ông Thiệu với tới nó.
Nhưng còn nước còn tát. Ngay sau khi được tin vua Faisal bị ám sát chết, tổng thống Thiệu đã chỉ thị cho ngoại trưởng Vương Văn Bắc bay sang Saudi Arabia. Trong cuốn sách Khi đồng minh tháo chạy xuất bản ở Mỹ năm 2005, TS Nguyễn Tiến Hưng cho biết mục đích chuyến đi của ngoại trưởng Bắc là xin quốc vương Haled (vừa kế vị vua Faisal) tiếp tục đồng ý cho Việt Nam Cộng hòa vay tiền như phụ vương của ông ta đã hứa trước khi bị hạ sát.
Trong bức điện gửi về cho ông Thiệu ngày 14/4, ông Bắc thông báo là đã “nhận được những bảo đảm vững chắc từ phía quốc vương mới và thủ tướng Saudi Arabia”. “Tôi hi vọng là quyết định về khoản tiền và phương thức của viện trợ sẽ được Chính phủ Saudi Arabia cứu xét sớm” - ngoại trưởng Bắc lạc quan như vậy.
Cũng theo TS Nguyễn Tiến Hưng, ông Thiệu biết rõ rằng việc thương thuyết vay tiền của Saudi Arabia phải mất ít nhất ba bốn tháng, trong khi “số mạng” của Việt Nam Cộng hòa lúc đó đang được tính từng ngày một. Do đó, tổng thống Thiệu bèn tính tới một nước cờ khác: bắt tay vào kế hoạch vay nợ của Mỹ, với số vay khổng lồ - 3 tỉ USD. Cần nói rõ đây là vay, chứ không phải xin viện trợ Mỹ như trước đó.
TS Nguyễn Tiến Hưng nhớ lại:
“... Ngày 14/4/1975, ông Thiệu bảo tôi thảo gấp một lá thư cho tổng thống Ford đề nghị vay 3 tỉ USD trong ba năm, chia ra mỗi năm 1 tỉ USD. Theo kế hoạch, nếu tại Washington tôi dò xét thấy có triển vọng về khoản vay đó thì đánh điện về ngay để ông Thiệu ký thư và trao cho đại sứ Mỹ Martin”.
Ngày hôm sau, 15/4/1975, tổng trưởng kế hoạch Nguyễn Tiến Hưng bay sang Mỹ để cùng ngoại trưởng Vương Văn Bắc xúc tiến “lobby” (vận động hành lang) vụ vay 3 tỉ USD nói trên. Ông Hưng đã mang theo lá thư của ông Thiệu gửi tổng thống Ford, trong đó có đoạn: “Tôi trân trọng thỉnh cầu ngài kêu gọi quốc hội cho Việt Nam Cộng hòa vay dài hạn 3 tỉ USD, chia làm ba năm, lãi suất do quốc hội ấn định, và xin triển hạn 10 năm trước khi trả vốn và lời. Tài nguyên dầu hỏa và canh nông của Việt Nam Cộng hòa sẽ dùng làm tiền thế chân cho món nợ này”.
Tài nguyên canh nông nói trên chính là tiềm năng xuất khẩu gạo của miền Nam. Còn tài nguyên dầu hỏa? Đó là mỏ dầu có trữ lượng lớn vừa phát hiện ở thềm lục địa Việt Nam.
Tuy nhiên, ngoài tiềm năng dầu lửa và xuất khẩu gạo, trong cuốn Khi đồng minh tháo chạy, TS Nguyễn Tiến Hưng đã khẳng định thêm hai khoản thế chân khác được đưa ra khi mặc cả với người Mỹ.
Đó là số tiền mấy trăm triệu USD mà quốc vương Haled hứa cho vay. Còn khoản thế chân cuối cùng chính là 16 tấn vàng dự trữ đang nằm trong hầm của Ngân hàng Quốc gia ở bến Chương Dương.
Nhưng dù kế hoạch vay nợ đó có thành công hay không, số vàng dự trữ ấy cũng đã được ấn định cho một mục đích bí mật: chuyển ra nước ngoài, dùng số vàng ấy mua vũ khí đạn dược để phòng thủ Sài Gòn.
Đây chính là đầu dây mối nhợ của tin “ông Thiệu mang 16 tấn vàng ra nước ngoài” vào tháng 4/1975.
Bùi Thanh (Tuổi Trẻ)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.