Tháng 8/2000, cuốn sách quý đầu tiên biến mất không dấu vết khỏi thư viện của tu viện Mont Sainte-Odile, nằm cách mặt đất hơn 700 m trên đỉnh núi thuộc vùng Alsace phía Đông nước Pháp.
Dù chỉ là một trong số hàng ngàn cuốn sách, nữ nhân viên dọn dẹp đã gắn bó lâu năm với nơi đây vẫn lập tức nhận ra. Cùng với người đứng đầu tu viện, bà lái xe xuống núi gặp cảnh sát để trình báo về quyển incunabula – tên gọi những cuốn sách hiếm được in trước năm 1501, giai đoạn đầu của phát minh máy in.
Tuy vậy, vụ trộm tạm thời bị cảnh sát gác lại vì thiệt hại dù sao cũng chỉ là một cuốn sách. Ngoài ra, phòng thư viện cũng không được khóa hay lắp đặt camera an ninh nên khó có manh mối điều tra.
Thư viện tại tu viện Mont Sainte-Odile. Ảnh: Benoît Morenne.
Hai tháng sau, kẻ trộm tiếp tục ra tay, lấy sạch toàn bộ số sách còn lại trong bộ 10 cuốn incunabula và để lại giá sách trống trơn như vết thương hở. Nhận được tin, cảnh sát lập tức xuất hiện tại tu viện để xét hỏi và rà soát các manh mối. Tuy vậy, cuộc điều tra mau chóng đi vào bế tắc do tu viện Mont Sainte-Odile là thắng cảnh du lịch nổi tiếng với hơn một triệu du khách mỗi năm nên hiện trường thường xuyên có người lạ ra vào. Hệ thống camera an ninh tại cổng tu viện cũng không hoạt động.
Dù muộn màng, người đứng đầu tu viện đã cho thực hiện một số biện pháp như thay khóa và gia cố cửa thư viện, hạn chế người ra vào. Các biện pháp này dường như đã có kết quả vì hàng tháng trôi qua mà không có thêm vụ trộm nào. Tới mùa thu năm 2001, tu viện có người đứng đầu mới nhưng người này không biết về vụ trộm nên sự việc bị rơi vào quên lãng.
Tháng 4/2002, nữ nhân viên dọn dẹp tiếp tục phát hiện sách bị mất tích. Thiệt hại lần này là hàng trăm cuốn sách, trong đó bao gồm bản thảo cổ của tác giả nổi tiếng như Aristotle, Homer...
Thư viện nằm trên phòng gác mái của một tòa nhà trong tu viện. Cửa ra vào và cửa sổ bị khóa, không có dấu hiệu bị cậy phá nhưng bằng cách nào đó, kẻ trộm đã có thể lẻn vào trong căn phòng gác mái. Cảnh sát nghi ngờ vụ trộm do người trong tu viện thực hiện nhưng không có chứng cứ.
Khi cuộc điều tra diễn ra, những cuốn sách quý vẫn đều đặn "bốc hơi". Vì thế, cảnh sát kết luận kẻ trộm ắt phải dùng đường khác để vào được bên trong thư viện. Sau khi lùng sục mọi ngóc ngách trong thư viện, một cảnh sát viên đẩy nhẹ vào giá sách và phát hiện căn phòng bí mật dẫn ra nhà khách tu viện. Cho rằng tên trộm còn quay lại, cảnh sát lắp đặt camera giấu kín bên trong phòng bí mật để đón lõng.
Được thành lập từ năm 690, tu viện Mont Sainte-Odile nằm trên đỉnh núi cao hơn 700 m. Ảnh: Cabinet Magazine.
Đúng dự đoán, tên trộm cuối cùng đã xuất hiện trong ống kính camera vào 19h ngày 19/5/2002. Trong hai tiếng, gã bỏ sách trên giá vào ba chiếc vali rồi vận chuyển ra ngoài theo đường cũ mà không biết đang bị cảnh sát theo dõi nhất cử nhất động.
Khi chạm đất, tên trộm bị cảnh sát đã chờ sẵn ập đến khống chế. Hắn ta không nói một lời khi tra tay vào còng số 8.
Tên trộm là Stanislas Gosse, giáo viên một trường kỹ thuật ở thành phố Strasbourg, Alsace. Tại nhà Stanislas, cảnh sát thu hồi nguyên vẹn hơn 1.000 cuốn sách bị mất cắp được bọc cẩn thận trong túi nylon và xếp ngay ngắn. Phần lớn trong số đó, Stanislas đã dán nhãn có ghi tên riêng bằng kiểu chữ Gothic, đè lên nhãn gốc của thư viện. Số sách mất cắp không được định giá chính thức, nhưng chỉ riêng sách incunabula đã có giá trị ước tính khoảng 2.000 Euro mỗi cuốn.
Tại cơ quan điều tra, Stanislas cho biết học tiếng La-tinh nên rất đam mê sách cổ, khi đọc về tu viện Mont Sainte-Odile tại thư viện công cộng đã phát hiện tấm bản đồ vẽ tay. Trên bản đồ có chỉ dẫn về căn phòng gác mái bí mật, nơi trưởng bối trong tu viện từng dùng để ngầm quan sát hậu bối nhưng sau đó được chuyển thành thư viện. Vì căn phòng bị ngưng sử dụng từ nhiều đời trước, ít người biết tới.
Để tới được phòng bí mật ở gác mái, Stanislas đã trà trộn vào đoàn du khách để vào nhà khách, rồi từ đó đu dây và đi cầu thang hẹp vào phòng gác mái. Từ đây, Stanislas mò ra được cơ chế lẫy để mở cánh cửa bí mật đằng sau một trong những chiếc giá sách trong thư viện.
Stanislas Gosse. Ảnh: Especial.
Về động cơ gây án, Stanislas kể đã tự đặt ra sứ mệnh giải cứu sách quý bị bỏ mặc tại thư viện sau khi nhìn thấy chúng bị phủ đầy bụi và phân chim. Stanislas còn nói công việc hiện tại có thu nhập khoảng 4.000 Euro mỗi tháng, lại tiêu rất ít nên trộm sách chỉ để đọc, không phải để bán lấy tiền.
Một năm sau, ngày 18/6/2003, Stanislas bị tòa án thuộc vùng Alsace phạt 18 tháng tù và 17.000 Euro nhưng được cho hưởng án treo và vẫn được giữ công việc dạy học. Tại tòa, Stanislas xin lỗi người đứng đầu tu viện và được tha thứ.
Hiện, Stanislas ở tuổi 49 tuổi, sống độc thân cùng với mẹ. Ông ta vẫn được người đứng đầu tu viện chào đón tới thư viện để thăm sách nhưng với điều kiện phải đi qua cửa trước.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.