Bị cáo Đinh La Thăng và các đồng phạm tại tòa (ảnh PV).
Sau khi hội ý, Thẩm phán Nguyễn Thị Xuân Thu thay mặt HĐXX cho biết, trong hồ sơ vụ án đã có ý kiến của các cơ quan cũng như những người tham gia tố tụng khác như các vị luật sư đề nghị triệu tập. “Đây là phiên tòa kéo dài nhiều ngày (dự kiến 10 ngày) trong trường hợp thấy cần thiết HĐXX sẽ triệu tập những người này theo đề nghị của các vị luật sư. Cụ thể, hôm nay Tòa đã triệu tập đại diện của Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tuy nhiên đại diện của hai cơ quan này đã vắng mặt và Tòa sẽ tiếp tục triệu tập”, thẩm phán Nguyễn Thị Xuân Thu nói và cho biết HĐXX tuyên bố phần thủ tục phiên tòa chuyển sang phần xét hỏi. Đại diện Viện Kiểm sát đã công bố bản cáo trạng dài 22 trang A4.
Trước đó trong phần thủ tục phiên tòa, các luật sư đã đề nghị triệu tập những người làm chứng, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến phiên tòa để đảm bảo sự khách quan, toàn diện trong quá trình xét xử. Cụ thể luật sư Phan Trung Hoài (bào chữa cho ông Đinh La Thăng) đề nghị Tòa triệu tập đại diện của Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch –Đầu tư để trong quá trình xét xử sẽ làm rõ thêm việc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) góp vốn vào Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương (OceanBank).
Đại diện Viện KSND TP. Hà Nội giữ quyền công tố tại tòa cũng nêu quan điểm, trong vụ án này đã vắng mặt nhiều nhân chứng, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Vai trò của những người này là rất quan trọng, tuy nhiên do phiên tòa kéo dài nhiều ngày nên Tòa cần tiếp tục triệu tập. Trong trường những nhân chứng, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan không đến tòa theo giấy triệu tập cần áp dụng biện pháp buộc họ phải có mặt để tham gia tố tụng.
Trong vụ án này, Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch HĐQT của OceanBank bị dẫn giải tới tòa tham gia tố tụng với tư cách là nhân chứng (Hà Văn Thắm bị TAND TP. Hà Nội tuyên án chung thân trong vụ đại án OceanBank xử tháng 8 và 9.2017, Hà Văn Thắm đã có kháng cáo)
Trong vụ án xử ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch HĐQT/HĐTV của PVN vì sai phạm trong việc PVN góp vốn và làm mất vốn tại OceanBank có 7 bị cáo. Tất cả cùng bị truy tố về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo khoản 3 điều 165 Bộ luật hình sự năm 1999. Theo cáo trạng của Viện KSND Tối cao, trong số 7 bị cáo có 3 người được hưởng tại ngoại. Những người này tự đến phiên tòa theo giấy triệu tập, còn 4 bị cáo đang bị tạm giam, trong đó có ông Đinh La Thăng.
Chủ tọa xử phiên tòa này là thẩm phán Nguyễn Thị Xuân Thu. Nữ thẩm phán này từng là chủ tọa phiên tòa xử các bị cáo trong vụ vỡ đường ống nước sông Đà vừa kết thúc ít ngày trước đó. Năm trước, thẩm phán Thu cũng là chủ tọa một phiên tòa rất được dư luận chú ý. Đó là phiên xử cựu đại biểu Quốc hội Châu Thi Thu Nga và đồng phạm.
Trong vụ án này ông Đinh La Thăng có 5 luật sư bào chữa, trong đó có 3 luật sư đã từng bào chữa cho ông trong vụ án xử tháng 1.2018. Tại phiên tòa đó, ông Đinh La Thăng bị tuyên phạt 13 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, bồi thường 30 tỷ đồng. Sau đó ông Đinh La Thăng có đơn kháng cáo bản án này.
Theo cáo trạng của Viện KSND Tối cao, sau khi PVN không được thành lập Ngân hàng TMCP Hồng Việt, bị cáo Đinh La Thăng khi đó với tư cách là Chủ tịch Hội đồng quản trị PVN đã chỉ đạo bị cáo Nguyễn Xuân Sơn làm việc với một số tổ chức tín dụng để thỏa thuận việc góp vốn, trong đó có Oceanbank.
Thực hiện chủ trương góp vốn vào tổ chức tín dụng, tháng 9.2008, Nguyễn Xuân Sơn và Hà Văn Thắm (nguyên Chủ tịch HĐQT OceanBank) đã trao đổi, bàn bạc và thống nhất về việc PVN góp vốn để trở thành cổ đông chiến lược của OceanBank.
Thực hiện thỏa thuận, PVN đã nhiều lần góp vốn với tổng số tiền lên đến 800 tỷ đồng vào OceanBank. Tuy nhiên, toàn bộ số tiền 800 tỷ đồng này của PVN đã bị mất hoàn toàn khi OceanBank kinh doanh thua lỗ, mất vốn chủ sở hữu và Ngân hàng Nhà nước buộc phải mua lại với giá 0 đồng.
Hành vi của ông Đinh La Thăng và đồng phạm trong việc góp vốn trên được xác định là hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.