Ngay từ sáng sớm, chúng tôi đã thấy anh Tú loay hoay bên nồi nước sôi sục cuối góc vườn. Thỉnh thoảng anh lại mở nắp vung, khuấy đều rồi đậy lại. Tò mò hỏi han chúng tôi mới biết được đây chính là nồi nước dược liệu mà hàng nghìn chú gà của anh uống hàng ngày.
Nồi nước dược liệu mà hàng ngày đàn gà của anh Tú vẫn uống
Theo anh Tú, nồi nước này được kết hợp khá nhiều lá cây thuốc khô. Sau khi đun sôi, để nguội rồi cho gà uống. Nồi nước này mùa nắng có thể giúp gà thanh nhiệt giải độc còn mùa mưa sẽ giúp thịt gà thơm ngon và khử mùi tanh. Bên cạnh đó, nước uống của gà còn được tạo ra từ lá thuốc sấy khô, nghiền bột và tạo tinh dầu (một số tinh dầu được tạo ra như tinh dầu hung quế).
Để bớt các công đoạn pha chế nước dược liệu cho gà, anh Tú đã trộn sẵn các loại dược liệu thành một bình lớn
Về khâu thức ăn cho gà, anh Tú kết hợp giữa các loại rau xanh, bã tỏi, gừng với cám gạo, cám ngô..., mỗi ngày gà sẽ ăn vào hai đợt là sáng và chiều. Thức ăn của gà được anh Tú chia làm ba nhóm gồm nhóm kháng sinh tự nhiên, bổ dưỡng và nhóm khử mùi. Mỗi một nhóm này đều có các loại dược liệu khác nhau, tác dụng khác nhau, nhưng quy trình chế biến thành thức ăn cho gà thì tương đối giống nhau, đều phơi khô, nghiền thành bột rồi trộn với cám gạo. Các loại như tỏi, gừng, sả được anh Tú ủ lên men lấy nước cho gà uống. Còn bã tiếp tục được trộn đều với cám nhằm giảm các loại dịch bệnh mà gà hay mắc phải như tiêu chảy, phân trắng, dịch cúm…
Nhờ duy trì thức ăn, nước uống bằng dược liệu nên gà của anh Tú tiêu hóa thức ăn khá tốt, không dịch bệnh
“Hiện tôi đang sử dụng máy chế biến thức ăn đa năng trộn đều bột ngô, sắn, thóc, tấm, bã sắn với các loại rau xanh đã nghiền sau đó dùng chế phẩm sinh học lên men để làm chín thức ăn. Khi ủ chín thức ăn bằng men sinh học, gà sẽ tiêu hóa được hết thức ăn, không có mùi hôi. Ngoài ra, về nước uống chúng tôi cũng đã chế ra một loại nước dược liệu có tác dụng phòng và chữa bệnh cho gà. Hầu hết gà ở đây luôn được bảo vệ bằng các loại dược liệu từ nước uống cho đến thức ăn. Thứ nhất có thể hạn chế được dịch bệnh, thứ 2 có thể chống ô nhiễm môi trường và gà nhanh lớn hơn…”, anh Tú chia sẻ thêm.
Một số dược liệu đã được nghiền thành bột để trốn với các loại cám gạo, ngô cho gà ăn
Tất cả các công thức, quy trình ủ lên men các loại dược phẩm để làm thức ăn, nước uống cho gà đều được “vua gà” khuyết tật Huỳnh Thanh Tú ứng dụng y học cổ truyền. Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh Tú còn tận tình chỉ dạy từng phương pháp phòng bệnh hay việc chế phẩm các loại dược liệu cho mọi người xung quanh. Hễ cứ ai muốn học hỏi, tìm tòi anh đều nhiệt tình chỉ bảo.
Không chỉ trồng dược liệu ngay trong trang trại, mà bên ngoài cũng được anh trồng hàng trăm ha
Theo anh Tú, cứ sau 5 ngày một lần, trang trại lại được xông khói thảo dược từ bếp lò để khử trùng và phòng các loại bệnh cúm gà. Một số loại được anh Tú xông khói như bồ kết, ngải cứu, bột nghệ, bột sả. Khi xông khói vào chuồng gà hít khói vào sẽ kháng được các loại dịch cúm gia cầm như H5N1, H7N9.
Hiện sản phẩm từ thịt, trứng gà của anh đã có mã truy xuất nguồn gốc
Trung bình mỗi tháng anh xuất bán khoảng 1000 con, mỗi kg thịt sẽ dao động từ 150.000-170.000 đồng
“Sắp tới, trang trại Hợp tác xã Đồng hành nhà nông Hoàng Bách Kon Tum sẽ làm đầu tàu phổ biến ra xung quanh cho nông dân chăn nuôi, nhất là với đồng bào dân tộc thiểu số. Hợp tác xã sẽ đầu tư cho hộ nuôi từ con giống đến kỹ thuật và sẽ tạo sản phẩm ổn định, người nông dân bản địa có thể thoát nghèo từ mô hình này…”, anh Tú khẳng định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.