Vương Trùng Dương, Chu Bá Thông và Trương Tam Phong, ai mạnh hơn?

Thứ bảy, ngày 27/01/2024 16:32 PM (GMT+7)
Vương Trùng Dương, Chu Bá Thông và Trương Tam Phong nếu đại chiến thì ai sẽ là người chiến thắng?
Bình luận 0

Trong nhiều năm, ai là cao thủ giỏi nhất trong thế giới kiếm hiệp của Kim Dung đã làm dấy lên nhiều cuộc tranh cãi giữa nhiều độc giả hâm mộ. Đặc biệt, bộ Xạ điêu tam khúc gồm "Anh hùng xạ điêu - Thần điêu hiệp lữ - Ỷ thiên Đồ long ký" là những tác phẩm có nhiều fan nguyên tác nhất.

Không chỉ có nhân vật chính, nhiều nhân vật tuy chỉ là phụ nhưng họ được hâm mộ không kém. Trong đó, Vương Trùng Dương, Chu Bá Thông và Trương Tam Phong được đánh giá rất cao về thực lực, vậy 3 cao thủ này ai là người mạnh nhất?

Vương Trùng Dương, Chu Bá Thông và Trương Tam Phong, ai mạnh hơn?

1. Vương Trùng Dương

Vương Trùng Dương được Kim Dung tiểu thuyết hoá trở thành một nhân vật vắng mặt trong Xạ điêu tam bộ khúc. Trong truyện, Vương Trùng Dương mất trước khi thời đại Xạ Điêu bắt đầu. Những câu chuyện về ông thường được kể thông qua sư đệ Chu Bá Thông và các học trò của ông.

Vương Trùng Dương, Chu Bá Thông và Trương Tam Phong, ai mạnh hơn?- Ảnh 1.

Vương Trùng Dương tại Hoa Sơn luận kiếm lần thứ nhất được công nhận là người có võ công cao nhất. (Ảnh: Sohu)

Tại Hoa Sơn luận kiếm lần thứ nhất, Vương Trùng Dương được bầu là người võ công cao nhất, hiệu là Trung Thần Thông, được giữ bộ Cửu Âm chân kinh. 4 người còn lại là Đông Tà Hoàng Dược Sư, Tây Độc Âu Dương Phong, Nam Đế Đoàn Trí Hưng và Bắc Cái Hồng Thất Công.

Theo những người hâm mộ phân tích trên diễn đàn, sở dĩ võ công của Vương Trùng Dương đứng đầu Võ lâm ngũ bá là bởi ông là người lớn tuổi nhất trong số 5 đại cao thủ. Hơn nữa, trong tiểu thuyết của Kim Dung, cao thủ càng nhiều tuổi thì võ công càng thâm hậu.

Vương Trùng Dương, Chu Bá Thông và Trương Tam Phong, ai mạnh hơn?- Ảnh 2.

Tuy nhiên, sau đó sức khỏe của Vương Trùng Dương xuống dốc nhanh chóng và ông đã sớm qua đời. (Ảnh: Sohu)

Ngoài ra, những fan của Kim Dung còn lập luận rằng, chữ "Dương" trong cái tên Vương Trùng Dương có mâu thuẫn với chữ "Âm" trong "Cửu Âm chân kinh". Đây chính là vấn đề khiến cho con đường võ thuật và đường sống của Vương Trùng Dương sớm phải kết thúc. Bằng chứng là, sau khi được công nhận là người mạnh nhất trong Hoa Sơn luận kiếm lần thứ nhất, sức khỏe của Vương Trùng Dương ngày càng xuống dốc và quả thực ông qua đời không lâu sau đó.

2. Chu Bá Thông

Chu Bá Thông là một nhân vật xuất hiện trong Anh hùng xạ điêu và Thần điêu hiệp lữ với ngoại hiệu Lão Ngoan Đồng. Trong các tác phẩm này, Chu Bá Thông được xây dựng là sư đệ của Vương Trùng Dương, sư thúc của Toàn Chân thất tử.

Vương Trùng Dương, Chu Bá Thông và Trương Tam Phong, ai mạnh hơn?- Ảnh 3.

Chu Bá Thông tuy cao tuổi nhưng tính cách lại như trẻ con, thích đùa giỡn. (Ảnh: Sohu)

Trong nửa đầu của Anh hùng xạ điêu, sức mạnh của Chu Bá Thông chỉ có thể xếp vào hạng trung, hoàn toàn không có gì nổi bật. Tuy nhiên, võ công của Chu bá Thông chỉ thực sự thay đổi sau khi bị Hoàng Dược Sư nhốt trên đảo Đào Hoa và gặp Quách Tĩnh cùng Hoàng Dung. Trong suốt 15 năm ở trên đảo, Chu Bá Thông nhàn rỗi vô sự, sáng tạo ra tuyệt học Không Minh quyền và Song thủ hỗ bác.

Ở đảo Đào Hoa, Chu Bá Thông đã gặp và chỉ dạy cho Quách Tĩnh các môn võ công tuyệt đỉnh như Không Minh quyền, Song thủ hỗ bác và đặc biệt là Cửu âm chân kinh. Ông cũng vì vậy mà vô tình luyện thành Cửu âm chân kinh – điều Vương Trùng Dương nghiêm cấm. Tại kỳ Hoa Sơn luận kiếm lần thứ 3 (lần cuối cùng trong truyện Kim Dung), Chu Bá Thông được bầu làm người cõ võ công giỏi nhất, biệt hiệu "Trung Ngoan Đồng". Trong suốt các tác phẩm kiếm hiệp Kim Dung, Chu Bá Thông không có trận quyết chiến sinh tử nào nhưng vẫn được đánh giá là có võ công mạnh bậc nhất.

Vương Trùng Dương, Chu Bá Thông và Trương Tam Phong, ai mạnh hơn?- Ảnh 4.

Tuy nhiên, sau đó, ông đã đột phá trở thành người có võ công cao nhất tại kỳ Hoa Sơn luận kiếm lần thứ 3. (Ảnh: Sohu)

Trong tên của Chu Bá Thông thì chữ "Chu" mang ý nghĩa là rộng lớn, toàn diện, chữ "Bá" đồng âm với chữ "Bác" có nghĩa là học hỏi. Đây cũng là ẩn ý được tác giả cài cắm trong tên của Chu Bá Thông khi mô tả ông là một người nghiện võ thuật và rất thích nghiên cứu những chiêu thức mới.

Với những kinh nghiệm và nghiên cứu chuyên sâu về võ thuật, thực lực của Chu Bá Thông chắc chắn sẽ đạt tới hàng đại cao thủ. Hơn nữa, ông sống lâu hơn Vương Trùng Dương hàng chục năm nên xét về võ công Chu Bá Thông có thể nhỉnh hơn sư huynh của ông một chút.

3. Trương Tam Phong

Trương Tam Phong là nhân vật xuất hiện trong Thần điêu hiệp lữ và Ỷ Thiên Đồ Long ký. Trương Tam Phong, hay còn gọi là Trương Chân Nhân, là một đạo sĩ, người sáng lập Võ Đang.

Từ nhỏ ông đã được mẹ gửi đi học võ tại chùa Thiếu Lâm. Vì một vài biến cố nên Trương Tam Phong phải cùng sư phụ là Giác Viễn đại sư phải chạy trốn khỏi chùa. Trên thực tế, ở thời điểm này, Trương Tam Phong đã phát huy được nội lực rất mạnh nhưng bản thân lại không biết.

Vương Trùng Dương, Chu Bá Thông và Trương Tam Phong, ai mạnh hơn?- Ảnh 5.

Trương Tam Phong sau khi ngộ ra lẽ âm dương trong võ học đã sáng lập ra phái Võ Đang. (Ảnh: Sohu)

Thế nhưng, mãi tới khi học tới bộ Cửu Dương chân kinh thì sức mạnh nội tại của Trương Tam Phong mới được phát huy hết. Về sau lại học Đạo Tạng, tâm đắc phép luyện khí của Đạo gia. Rồi có một ngày, ông bỗng nhận ra cái lẽ âm dương hỗ trợ trong võ học, từ đó sáng lập ra Võ Đang phái danh trấn thiên hạ với "Võ Đang Thất Hiệp" gồm Tống Viễn Kiều, Du Liên Châu, Du Đại Nham, Trương Tòng Khê, Trương Thuý Sơn, Ân Lê Đình, Mạc Thanh Cốc.

Cái tên Tam Phong tượng trưng cho sự phong phú, dồi dào trên con đường võ thuật. Tên này không chỉ là sự quen thuộc và hiểu biết về võ thuật mà còn diễn tả việc võ thuật được nâng lên một tầm cao mới. Đây cũng chính là thứ mà Chu Bá Thông còn thiếu.

Vương Trùng Dương, Chu Bá Thông và Trương Tam Phong, ai mạnh hơn?- Ảnh 6.

Trương Tam Phong đã đạt tới cảnh giới âm dương dung hợp đại thừa của võ thuật. (Ảnh: Sohu)

Đối với Trương Tam Phong, ông không chỉ có Cửu Dương chân kinh để so sánh với Cửu Âm chân kinh mà còn tạo ra Thái Cực kiếm và Thái Cực quyền của riêng mình. Khác với các môn võ do Chu Bá Thông sáng tạo, Thái Cực kiếm và Thái Cực quyền là sự kết hợp các triết lý Âm Dương, Ngũ Hành, Bát Quái. Các môn võ này đều lấy sự mềm mại để khắc phục sức mạnh. Như vậy, Trương Tam Phong đã thật sự đạt đến cảnh giới âm dương dung hợp đại thừa.

Ngoài ra, Trương Tam Phong ở Ỷ thiên Đồ long ký có thể đánh lại Huyền Minh nhị lão ở độ tuổi 100 là bằng chứng rõ ràng về thực lực mạnh mẽ của ông. Do đó, xét về thực lực của 3 đại cao thủ, ta có thể xếp thứ tự người mạnh nhất là Trương Tam Phong, sau đó là Chu Bá Thông và cuối cùng là Vương Trùng Dương.

PV (Theo Phụ nữ số )
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem