Faraj Alnasser đã được cấp quyền tị nạn ở Anh.
Theo Metro, Faraj Alnasser nói vụ việc 39 người chết trong xe container đông lạnh ở Anh khiến anh ta nhớ lại những rủi ro mà mình cũng từng trải qua khi vượt biên đến Anh.
Alnasser là một trong hai người sống sót duy nhất trong số 14 người trốn trong xe tải đông lạnh để vượt biên vào Anh. Alnasser kể rằng khi lên 17 tuổi, anh sống ở Thổ Nhĩ Kỳ nhưng rất nhớ về gia đình ở Syria. Một lần quay trở về nhà, nhìn thấy đống đổ nát, gia đình lại khuyên anh ra đi.
“Khi tôi 18, tôi phải lựa chọn giữa việc ra đi và gia nhập quân đội. Tôi chọn đến Anh bởi muốn đi xa chiến tranh nhất có thể, để quên đi những ký ức đau thương”, Alnasser nói, nhấn mạnh rằng eo biển Anh chính là hàng rào ngăn cách những quá khứ và hiện tại của chàng thanh niên trẻ.
Vượt biên tới Anh không phải là điều dễ dàng. Alnasser mất 3 tháng để tới được Pháp, có lúc bị giam 10 ngày ở Hungary, hay mắc kẹt ở Serbia. Tại Pháp, Alnasser ở lại trại tị nạn Dunkirk trong một tháng. Alnasser quyết định không trả tiền trung gian mà liều nhảy lên một xe tải đông lạnh, dù không biết chiếc xe này đi đâu.
“Một đêm nọ, tôi theo chân một nhóm người lên xe tải đông lạnh, tôi cầu xin họ cho đi cùng. Họ không nói tiếng Ả Rập nên tôi nghĩ họ đến từ Iran, Afghanistan”, Alnasser nói. “Bên trong xe rất lạnh vì chiếc xe khi đó chở theo thức ăn”.
Sau vài giờ ở trong xe tải, Alnasser và 13 người khác cảm thấy ngạt thở, cố gắng gây tiếng động với hi vọng tài xế có thể nghe thấy. “Tôi không biết mình ở trong xe tải bao lâu, nhưng đó là khoảnh khắc tôi cảm thấy mình như ‘chết đi sống lại’”, Alnasser nói.
“Tôi bất tỉnh lúc nào không hay, khi tỉnh lại đã thấy mình ở trong bệnh viện Anh. Tôi không biết vì sao mình ở đây hay chuyện gì xảy ra, cho đến khi hỏi bác sĩ”, Alnasser kể lại trên báo Anh.
Cảnh sát Anh biết, trong số 14 người vượt biên bằng xe tải đông lạnh đêm đó, chỉ có Alnasser và một người nữa sống sót, 12 người còn lại đã tử vong. Alnasser cho rằng anh đã gặp may mắn, nhưng với 12 người khác, có lẽ người thân của họ không thể biết chuyện gì xảy ra, vì họ không mang theo giấy tờ tùy thân.
Alnasser sau đó xin tị nạn ở Anh và được chấp thuận, nhưng chính quyền Anh không cung cấp bất kỳ thứ gì, từ nơi ăn ngủ cho đến công ăn việc làm. “Những ngày đó thật khó khăn vì tôi không biết tiếng Anh, không biết đi đâu hay làm gì để sống”.
Sau 2 tuần, Alnasser tìm đến một nơi trú ẩn cho những người gặp vấn đề tâm lý hay nghiện ngập. “Họ nói rằng vì là người tị nạn nên tôi được ở lại đây 1 năm miễn phí”, Alnasser nói. “Vì tôi là người tị nạn nên xin việc rất khó khăn, có nơi chỉ trả 5 bảng Anh cho 6 giờ làm việc, có nơi không trả lương dù tôi đã làm được 5 ngày”.
Suốt quãng thời gian đó, Alnasser sống nhờ đồ ăn từ các tổ chức từ thiện. Alnasser may mắn được một tổ chức từ thiện chấp nhận, cung cấp cho chỗ ăn ngủ, tài trợ cho đi học để kiếm việc làm.
“Tôi không biết tương lai của tôi sẽ như thế nào. Nhưng tôi biết ơn vì vẫn còn sống, đặc biệt trong chiếc xe tải đó, tôi đã nghĩ rằng mình sẽ chết và rằng không được tạm biệt người thân… Tôi chia sẻ với 39 nạn nhân và gia đình của họ. Lẽ ra không có ai phải trải qua điều đó, nhưng vẫn có quá nhiều người như vậy. Đó là những chuyến xe tải bi kịch”, Alnasser, nói.
Khi Li Hua nộp 14.000 bảng Anh (hơn 400 triệu đồng) cho băng đảng “đầu rắn”, anh ta được hứa rằng sẽ có cuộc sống...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.