Ngày 2.5, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, ông Võ Văn Quyền cho biết, với xăng A83, trước đây Bộ Công Thương đã từng đề nghị Chính phủ không cho sử dụng. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, dân nhiều nơi vẫn dùng và có một số cơ sở đang trong quá trình đầu tư sản xuất và có sử dụng loại xăng này nên vẫn phải cho dùng.
Gần đây, thấy việc loại xăng A83 ra khỏi thị trường là cần thiết, nên hai bộ đã cơ bản thống nhất nghiên cứu việc bỏ như thế nào, xăng tồn thì xử lý ra sao… để trình Thủ tướng quyết định.
“Theo cá nhân tôi thì có thể bỏ sử dụng xăng A83 trong năm 2012, còn ký chấp thuận lúc nào là quyền Thủ tướng. Việc loại bỏ loại xăng này sẽ giúp giảm tác động ô nhiễm đến môi trường và giảm thiểu tình trạng gian lận thương mại”- Ông Quyền nói.
Về ý kiến tranh cãi xung quanh việc giá xăng dầu trong nước thời gian qua lặp lại việc tăng nhanh giảm chậm và đi ngược giá thế giới, theo ông Quyền, việc giá trong nước tăng hay giảm so với giá thế giới phải căn cứ theo nguyên tắc điều hành của Nghị định 84 phối hợp với sự điều hành giá của Bộ Tài chính và Công Thương.
Theo quy định, để đảm bảo thị trường ổn định, doanh nghiệp kinh doanh đầu mối phải đảm bảo dự trữ lưu thông 30 ngày. Việc thiết kế tính giá cơ sở bình quân cũng thực hiện theo giá 30 ngày. Vì vậy, không thể nhìn giá thế giới giảm trong vài ngày để quyết định giá trong nước giảm ngay.
“Việc doanh nghiệp bị lỗ 5.000 tỷ đồng là do phải thực hiện bình ổn giá. Ngoài ra, doanh nghiệp bị lỗ do điều chỉnh tỷ giá. Về nguyên tắc xăng dầu phải thanh toán qua ngân hàng và thanh toán sau 1 tháng. Năm 2011, do biến động tỷ giá và điều hành chính sách tiền tệ thì có lúc bị lỗ. Theo báo cáo, hiện các doanh nghiệp bị lỗ tích lũy do các yếu tố trên là 5.000 tỷ. Bộ Tài chính đang tham mưu Chính phủ xử lý khoản lỗ này”- Ông Quyền cho biết.
Theo Tiền phong
Vui lòng nhập nội dung bình luận.