Xóm chài Tam Sơn - Mơ đất và chữ

Thứ hai, ngày 15/08/2011 20:12 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Sau hơn hai năm trở lại xóm chài xã Tam Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An, câu đầu tiên anh Nguyễn Văn Hùng, một cư dân của xóm nói với tôi là: "Dòng sông vẫn chảy, cuộc sống xóm chài vẫn quẩn quanh...".
Bình luận 0

Gọi là "xóm" nhưng Tam Sơn chỉ có 7 hộ với hơn 30 nhân khẩu nép mình bên tả ngạn sông Lam. Từ các vùng quê, họ về "neo đậu" ở bến Tam Sơn đã được trên 10 năm. Cuộc sống của bà con xóm chài có thể miêu tả gói gọn trong mấy từ "không một tấc đất cắm dùi".

img
Cảnh hiu hắt của xóm chài Tam Sơn.

Mơ có 100m2 đất

Tất cả sinh hoạt của các thành viên diễn ra trên những chiếc thuyền chật chội. Phía dưới các con thuyền là những chiếc lồng nuôi cá. Vào mùa mưa lũ, khi hay tin có giông bão, lũ lụt, không ai dám ngủ. Nghề để mưu sinh của họ là buông câu giăng lưới và nuôi cá lồng. Nhưng giờ đây, cá tôm ngày một cạn kiệt, cá lồng cũng ngày càng khó nuôi hơn, nhất là từ khi một số nhà máy dọc sông Lam đi vào hoạt động.

Anh Hùng chỉ tay lên dải đất bỏ hoang dọc triền sông: "Từ lâu nay, chúng tôi chỉ mong được các cấp chính quyền cấp cho mỗi hộ khoảng 100m2 đất, trước mắt dựng tạm cái nhà để thoát khỏi cảnh lênh đênh sông nước. Nếu không cấp thì có thể bán cho chúng tôi với giá ưu đãi cũng được". Ông Võ Văn Tiến, năm nay 76 tuổi, cư dân xóm chài tâm sự: "Đối với thế hệ chúng tôi không nói làm gì, chỉ mong Nhà nước quan tâm tạo điều kiện để thế hệ con cháu thoát khỏi cuộc sống quẩn quanh...".

Gập ghềnh chuyện học

Cuộc sống khó khăn, nên việc học hành của con em xóm chài Tam Sơn cũng lắm gian nan. Đa phần trẻ con chỉ học đến lớp 7 hoặc lớp 8 là phải nghỉ học. Con em của xóm chưa ai bước đến trường THPT, mặc dù cách Trường THPT Anh Sơn 3 có "mấy sải chèo". Anh Trần Văn Hùng, người duy nhất trong xóm có con đang theo học lớp 9 cho biết: "Hiện cả xóm có hơn 10 cháu đi học nhưng không có gia đình nào đủ sức để nuôi con theo học THPT. Hầu hết các cháu phải nhịn ăn bữa sáng để đến trường. Cái đói, cái nghèo là lực cản rất lớn đối với việc học hành. Những lúc nhà trường tổ chức họp phụ huynh, chúng tôi thấy tủi thân và thương các cháu lắm...".

Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh Nghệ An có khoảng hơn 700 hộ dân vạn đò cư trú dọc các con sông, chủ yếu là sông Lam, tập trung ở các huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn, Đô Lương và Anh Sơn.

Chúng tôi ghé thăm thuyền của bà Lê Thị Mỹ (là mẹ liệt sĩ). Năm nay, bà đã 80 tuổi và được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước, nhưng bà vẫn bám lấy con thuyền. Một phần do cả đời lênh đênh sông nước đã quen nhưng lý do cơ bản vẫn là thương các con, các cháu nên bà vẫn trụ lại thuyền để giúp đỡ chúng được phần nào. "Mong ước lớn nhất của tôi là con cháu của xóm chài này được học hành đến nơi đến chốn để có cái chữ, để khỏi khổ như của ông bà, bố mẹ chúng..."- bà Mỹ bày tỏ ước nguyện.

Năm 2005, tỉnh Nghệ An đã xây dựng đề án tái định cư cho toàn bộ người dân vạn đò dọc sông Lam. Năm 2007, đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tính đến nay, đã hơn 5 năm kể từ khi lập đề án và 3 năm kể từ khi đề án được phê duyệt nhưng việc triển khai chưa thật hiệu quả và đúng tiến độ. Bà con sau nỗi vui mừng, hy vọng, giờ đây không ít người tỏ ra thất vọng. Ai ai cũng mong tỉnh đẩy nhanh việc triển khai đề án để giúp bà con vạn đò ổn định cuộc sống...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem