Xóm nhà rầm trên đầm Thị Nại

Dũ Tuấn Chủ nhật, ngày 26/03/2017 06:25 AM (GMT+7)
Đến xóm nhà rầm (nhà chồ) ở phường Hải Cảng, TP.Quy Nhơn (Bình Định) như lạc chân vào một mê cung... không lối thoát. Men theo lối đi được ghép lại từ thanh gỗ nhỏ xíu, mục nát… cả khu nhà “lộ” ra trong mùi hôi thối nồng nặc, nổi chông chênh trên mặt đầm Thị Nại.
Bình luận 0

Mê cung… nghèo nàn

Giữa cái nắng tháng 3, chúng tôi tìm lối về xóm nhà rầm. Tay chỉ đường, anh xích lô cứ liên tục dặn dò: “Cư dân xóm nhà rầm họ sống theo kiểu “ăn trên, thải dưới” dơ dáy lắm! Vào đó coi chừng không biết đường ra. Những căn nhà xiêu vẹo trong kia, rất nhiều mảnh đời cơ cực, nỗi lo luôn hiện diện nhưng chẳng ai thấu (?!)”. 

imgimg

Nghẹt thở ở xóm nhà rầm tại phố biển Quy Nhơn.  Ảnh: Dũ Tuấn

Thật ra, không ai muốn sống hoàn cảnh này đâu nhưng chúng tôi, phần vì ít tiền, phần vì đã quen ở đây.   Nếu có thay đổi, chúng tôi chỉ mong dự án xây dựng bờ kè sớm thành hiện thực để vừa có thể ở được trên đất, vừa ở được chỗ cũ, lại không quá tốn kém”.

Nguyễn Thanh Hiền 
(46 tuổi, ở xóm nhà rầm)

Quả thật y hệt lời chỉ dẫn, xóm nhà rầm nằm ở góc đầm Thị Nại được dẫn lối bởi đoạn đường ngoằn ngoèo, chỉ đủ cho 1 chiếc xe máy di chuyển một chiều, có đoạn không thể di chuyển bằng xe máy, cư dân ở đây phải dựng xe tạm bên lối đi. Đa phần, họ là dân lao động tứ phương dắt díu về đây, không có đất ở, phải dựng nhà bằng những thanh gỗ trên mặt đầm để có nơi trú thân. Tất tần tật chất thải sinh hoạt “cho” xuống dưới mặt gỗ, tồn đọng thành lớp lớp túi rác, bốc lên đủ loại mùi nồng nặc.

Ông Lê Minh (75 tuổi), một cư dân xóm nhà rầm quê gốc Quảng Ngãi cho biết, từ  trước năm 1975, dân tứ chiếng tụ về đây để tránh bom đạn. Họ cất tạm nhà sàn trên mặt biển. Lúc đầu thưa thớt, sau đông dần. Sau giải phóng, một số người về quê, số còn lại do quen mưu sinh với nghề biển nên trụ lại, rồi truyền đời nhau đến bây giờ. Cũng có khá nhiều cư dân mới đến đây lập nghiệp chừng mươi năm nay. Hầu hết cư dân ở xóm nhà rầm đều nghèo. Nghề của họ chủ yếu là đi ghe, đi bạn cho chủ tàu, đan lưới, khai thác hải sản ven bờ hoặc làm thuê, gánh mướn để kiếm sống qua ngày.

Gầy ngẳng, mắt đã mờ, bà Nguyễn Thị Oanh (70 tuổi) đã sống trong căn nhà gỗ xập xệ tại xóm nhà rầm này gần 30 năm. Tay vịn cửa, bà liên tục gọi tìm cô con gái Nguyễn Thị Tuyết Nhung (26 tuổi) mắc bệnh thiểu năng, đi lang thang suốt ngày. Con khờ khạo, chồng bị mù nên nhiều lúc đến cái ăn của gia đình, bà Oanh cũng phải nương nhờ vào cửa chùa.

“Sống ở đây cực lắm, cứ đến mùa mưa bão lại phải lo chạy trốn vì nhà chỉ toàn gỗ mục, xập xệ chứ không có tường xi măng vững chắc như người ta. Nấu nướng, tắm gội, giặt giũ, rác rến, ỉa đái… hết thảy đều trút thẳng xuống mặt đầm” - bà Oanh thở dài.

Kế nhà bà Oanh là “căn hộ” rộng chưa đầy 6m2 của gia đình chị Nguyễn Thị Mỹ Hương (30 tuổi). Nói là nhà cho sang, thực ra đây chỉ là một khoảnh mặt nước, được dựng chống bằng dăm ba cọc gỗ để 5 thành viên trong gia đình ẩn náu nắng mưa. Chị Hương bảo: “Chồng tôi làm thuê trên biển, thu nhập rất bấp bênh, tôi thì ở nhà nuôi con. Nhà được dựng bằng gỗ trên mặt nước, do không có tiền xây dựng nhà vệ sinh nên gia đình cứ… xả thẳng xuống nước. Biết là ô nhiễm, dễ gặp bệnh nhưng đành chịu thôi”.

Hỏi sao không xây nhà vệ sinh, chị Hương xua tay: “Ở đây toàn là nhà rầm tạm bợ, tiền không đủ lo cái ăn, nói gì chuyện xây nhà vệ sinh. Hôi thối đã đành nhưng lo nhất vẫn là cháy nổ, chúng tôi biết hết nhưng lực bất tòng tâm...”.

Theo lời người dân xóm nhà rầm, đường vào khu này chật hẹp, chỉ ghép bằng những tấm gỗ nên việc di chuyển rất khó khăn. Từ hàng chục năm qua, thay vì xây dựng nhà cửa, khu vệ sinh kiên cố, nhiều gia đình lại có thói quen đi vệ sinh và thải rác sinh hoạt bừa bãi thẳng xuống đầm. Rác chồng rác, cứ thế, ô nhiễm kéo dài dai dẳng và mang theo nhiều hệ lụy. 

Sống trong sợ hãi

img

Trẻ em xóm nhà rầm vất vả men lối đi để đến lớp. Ảnh: Dũ Tuấn

Cuộc sống tạm bợ của những người dân xóm nhà rầm bị bao phủ bởi mùi bùn trộn phân, rác thải nồng nặc. Đang dùng bữa trưa tại nhà, thi thoảng có trận gió lướt qua anh Trần Bình Thanh (40 tuổi) lại phải bịt mũi, cố nuốt miếng cơm. “Ở đây đầy rẫy nỗi lo. Thời điểm nước lớn dâng lên cuốn theo phân, rác thải ra ngoài còn đỡ mùi hôi thối, nhưng ngày nước biển không dâng vào, nhất là thủy triều cạn thì mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Người đến đây đảm bảo chịu không nổi đâu, thanh niên như tôi còn sợ huống gì người già, trẻ nhỏ!” - anh Thanh than.

Cũng từng chịu đựng như bao gia đình khác, nhưng rồi một ngày gia đình bà Nguyễn Thị Phượng (49 tuổi) liều mình  chạy vạy, vay mượn hàng trăm triệu đồng để dựng nhà xi măng, từ bỏ nhà rầm.

“Lúc trước, 5 người sống trong nhà rầm mục nát, không gian ẩm thấp, mùi hôi thối tra tấn hàng ngày nên chẳng ai chịu nổi. Phần vì đi vệ sinh trực tiếp xuống biển, phần thì rác thải sinh hoạt. Khi phá hủy nhà rầm thì phía dưới toàn phân người, tôi mất hồn. Phải mất mấy ngày trời mới xử lý xong để thợ đến xây nhà” - bà Phượng nhớ lại.

Ở xóm nhà rầm này cơ cực nhất là vào mùa mưa bão. Mỗi lần có bão, những người dân nơi này phải gửi nhờ “người và của” vào nhà người quen trong phố và bỏ mặc ngôi nhà cho gió bão. Bão qua, họ lại dọn rửa rều rác và trở về sinh sống. Mưa to gió lớn, nước biển dâng lên săm sắp trên sàn nhà, khiến cư dân rất nhiều đêm phải ngồi, thậm chí đứng canh nước xuống.

Hỏa hoạn cũng là nỗi lo thường trực của người dân nơi đây. Người dân xóm nhà rầm đã từng gánh chịu nhiều vụ cháy kinh hoàng, thiêu rụi cuộc sống tạm bợ của mình chỉ trong chốc lát. Khi được hỏi, nhiều người dân nơi đây vẫn còn bàng hoàng kể về vụ cháy năm 1997, khiến khoảng 40 hộ dân lâm cảnh màn trời, chiếu đất, nhà cửa, tài sản trôi theo ngọn lửa. 

“Ở đây nghe cháy là sợ lắm, vì khi cháy xe cứu hỏa không chạy vào được. Trong khi đó, nhà gỗ rất dễ bắt lửa, nên dập lửa chủ yếu là do người dân dùng nước tại chỗ. Nếu cháy xảy ra chắc chắn chúng tôi chạy không kịp vì xóm này rất nhiều người già, trẻ nhỏ và cả người bệnh tật trôi dạt về sinh sống. Dân ở đây ai cũng khát khao “xóa” đi bao nỗi lo sợ này” - ông Phan Thông (50 tuổi) nói.

Thiếu kinh phí!

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Chủ tịch UBND phường Hải Cảng (Quy Nhơn) cho rằng: “Thực ra, nỗi lo của người dân chúng tôi rất hiểu và “đau đầu” hàng chục năm qua để tìm cách giải quyết nhưng chưa thực hiện được. Đặc biệt, sau vụ cháy xóm nhà rầm tại Nha Trang, nhiều người lại càng lo lắng”.

Theo ông Tuấn, từ năm 2009, chính quyền tỉnh Bình Định đã từng phê duyệt dự án kè chống lấn chiếm kết hợp với chỉnh trang đô thị cho khu vực, tổng kinh phí lên đến 120 tỷ đồng, với mong muốn “xóa sổ” xóm nhà rầm, tái định cư tại chỗ cho người dân. Tuy nhiên, suốt gần 8 năm qua, dự án vẫn còn nằm trên giấy, chưa triển khai được vì chưa có kinh phí (?!).

“Hiện nay, cuộc sống của hơn 200 hộ dân xóm nhà rầm tại địa phương đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Đặc biệt, rác thải tràn lan gây ô nhiễm môi trường và nguy cơ cháy nổ ở khu vực này rất cao. Chúng tôi cũng mong muốn người dân thoát khỏi cảnh nhà rầm để có cuộc sống ổn định nhưng cái lo nhất bây giờ là… kinh phí thực hiện” - ông Tuấn cho hay. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem