Xuất khẩu chính ngạch: Giải pháp bền vững trong giao thương với Trung Quốc
Xuất khẩu chính ngạch: Giải pháp bền vững trong giao thương với Trung Quốc
P.V (Theo VGP)
Thứ ba, ngày 21/12/2021 06:15 AM (GMT+7)
Các doanh nghiệp, thương nhân cần chủ động chuyển nhanh, chuyển mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc theo hình thức chính ngạch (mua bán theo hợp đồng với các điều kiện giao dịch, giao nhận rõ ràng, giao hàng tại cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính).
Bởi trên thực tế, trong những thời điểm khó khăn nhất, xuất khẩu chính ngạch vẫn lưu thông bình thường, trong khi xuất khẩu tiểu ngạch tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Theo thống kê của Sở Công Thương Lạng Sơn, đến nay vẫn còn 4.357 xe nông sản ùn ứ tại các cửa khẩu Chi Ma, Tân Thanh và Hữu Nghị. Trong khi đó, năng lực thông quan của các cửa khẩu chỉ đạt 300-400 xe/ngày, như vậy sẽ mất tới 10-15 ngày mới thông quan hết hàng tồn nếu hàng hóa không tiếp tục đưa lên cửa khẩu.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, tình trạng này là do trong những tháng cuối năm, nhu cầu tiêu dùng dịp lễ, Tết của thị trường Trung Quốc tăng cao, trong khi các cơ quan quản lý của Trung Quốc tăng cường hơn các biện pháp kiểm soát đối với hoạt động xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa qua biên giới giữa hai nước, siết chặt quy trình thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu đã dẫn tới tình trạng ùn ứ hàng hóa nghiêm trọng, nhất là tại khu vực các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn.
Bên cạnh đó, từ thời điểm tỉnh Lạng Sơn triển khai thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" đã giúp khôi phục lại hoạt động sản xuất, tăng lượng hàng hóa xuất khẩu đưa lên cửa khẩu, dẫn đến tình trạng ùn ứ hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới trên địa bàn là tỉnh Lạng Sơn. Hiện nay, trung bình lượng phương tiện xuất nhập khẩu được thông quan qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn là khoảng 825 xe/ngày.
Tuy nhiên, tình trạng ùn ứ, tồn đọng hàng hóa, nhất là nông sản, trái cây tại các cửa khẩu phía bắc, nhất là trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, chưa thể được giải quyết dứt điểm trong trước mắt.
"Tình trạng nông sản ùn tắc đã được Bộ Công Thương dự báo từ sớm và đã triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ. Thời gian qua, Bộ Công Thương thường xuyên có văn bản khuyến cáo gửi các địa phương, doanh nghiệp về vấn đề nêu trên. Cục Xuất nhập khẩu cũng đã có văn bản khuyến cáo gửi sở công thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các hiệp hội, ngành hàng, hộ nông dân, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu nông sản và trái cây tươi trên địa bàn", đại diện Cục Xuất nhập khẩu cho biết.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có 3 cuộc điện đàm, hội đàm trực tuyến với các đối tác phía Trung Quốc như Bộ trưởng Thương mại, Bí thư Quảng Tây, Tổng Cục trưởng Hải quan và 10 cuộc làm việc với Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam để trao đổi các nội dung nhằm thúc đẩy, tạo thuận lợi thương mại song phương. Bộ Công Thương cũng đã gửi 14 công thư của Bộ trưởng và nhiều công hàm tới lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương và cơ quan phía Trung Quốc thúc đẩy giải quyết những vướng mắc, tạo thuận lợi thông quan hàng hóa giữa hai nước, trong đó có thương mại biên giới.
Đầu tháng 12/2021 mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng có thư gửi tới Bộ trưởng Thương mại, Tổng Cục trưởng Hải quan, Bí thư Quảng Tây đề nghị các giải pháp cụ thể tháo gỡ tình trạng ùn tắc hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực biên giới.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng phối hợp với phía Trung Quốc tổ chức kỳ họp lần thứ nhất Nhóm công tác thuận lợi hóa thương mại Việt-Trung nhằm tìm kiếm các giải pháp tạo thuận lợi cho thương mại song phương, trong đó có giải pháp giải quyết tình trạng ùn tắc hàng hóa tại khu vực biên giới Việt-Trung.
Về lâu dài, Bộ Công Thương đề nghị UBND các địa phương, các sở công thương thường xuyên cập nhật thông tin, tình hình từ các tỉnh biên giới phía bắc để chủ động cân nhắc, điều chỉnh nhịp độ đưa hàng lên biên giới phù hợp với năng lực thông quan của các cửa khẩu.
Đặc biệt, cơ quan này đề nghị các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cần sớm chuyển nhanh, chuyển mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc theo hình thức chính ngạch (mua bán theo hợp đồng với các điều kiện giao dịch, giao nhận rõ ràng, giao hàng tại cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính…).
Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cần đẩy nhanh việc triển khai thực hiện đáp ứng các quy định của phía Trung Quốc tại Lệnh 248, Lệnh 249 có hiệu lực từ ngày 1/1/2022; tiếp tục thực hiện nghiêm túc các quy định về truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, ghi nhãn… cũng như các yêu cầu khác có liên quan để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng quy định, tiêu chuẩn đã thỏa thuận với bạn hàng nước ngoài.
"Để thực hiện tốt mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa duy trì tăng trưởng kinh tế, Bộ Công Thương đề nghị cơ quan báo chí, truyền thông tiếp tục phối hợp thông tin, khuyến cáo đến địa phương, doanh nghiệp và hộ nông dân về việc thường xuyên cập nhật diễn biến thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới phía bắc để chủ động có kế hoạch sản xuất, đóng gói, giao nhận, xuất khẩu hàng hóa, tránh để phát sinh ùn ứ và các tác động bất lợi khác; kịp thời trao đổi với Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan cùng phối hợp xử lý những vấn đề phát sinh", đại diện Cục Xuất nhập khẩu đề nghị.
Được biết, từ ngày 1/1/2022, Trung Quốc sẽ áp dụng một số chính sách mới khắt khe hơn đối với các mặt hàng nông sản nhập khẩu từ các nước. Dự báo, hoạt động xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vào thị trường này sẽ bị kiểm soát chặt chẽ hơn nhiều so với trước. Bộ Công Thương cũng lưu ý cả doanh nghiệp và thương lái cần có bước chuẩn bị để đáp ứng các điều kiện mới vì hiện nay, xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường này chủ yếu vẫn theo đường tiểu ngạch.
Việc cần sớm chuyển hoạt động xuất khẩu từ tiểu ngạch sang chính ngạch đã nhiều lần được lãnh đạo Bộ Công Thương đề cập. Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho rằng, sở dĩ các doanh nghiệp, thương nhân cần chủ động chuyển nhanh, chuyển mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc theo hình thức chính ngạch bởi trên thực tế, trong những thời điểm khó khăn nhất xuất khẩu chính ngạch vẫn lưu thông bình thường, trong khi xuất khẩu tiểu ngạch tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.
Cùng với khuyến cáo tiếp tục thực hiện nghiêm túc các quy định về truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, ghi nhãn… đáp ứng quy định, tiêu chuẩn đã thỏa thuận với bạn hàng nước ngoài, Bộ Công Thương cũng đề nghị thương nhân chuyển sang đi qua các khẩu chính, cửa khẩu quốc tế tại các tỉnh khác như Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai để giảm ùn ứ tại Lạng Sơn.
Ngoài ra, chuyển phương thức vận tải đi bằng đường biển đến các cảng của Trung Quốc như đối với mặt hàng thủy sản; tăng cường ứng dụng các giải pháp công nghệ trên nền tảng internet và mạng viễn thông để thúc đẩy xúc tiến thương mại trực tiếp và trực tuyến, giao dịch trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử để tìm kiếm mở rộng thị trường, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa trong nước và sang các thị trường tiềm năng khác.
Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành khẩn trương vào cuộc
Ngày 18/12, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành về khắc phục tình trạng ùn tắc nông sản tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
Bộ Công Thương có nhiệm vụ tiếp tục đàm phán, kiến nghị với các bộ, ngành và chính quyền địa phương phía Trung Quốc triển khai các giải pháp nhằm tăng thời gian thông quan tại các cửa khẩu, tạo thuận lợi hơn cho hoạt động thông quan và xuất khẩu hàng hóa.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.