Vắng nhà nhập khẩu
Tại hội nghị đánh giá công tác xuất khẩu gạo năm 2012 tổ chức tại TP. HCM ngày 7.1, Hiệp lượng Lương thực Việt Nam (VFA) đưa ra dự báo: Hoạt động xuất khẩu gạo sẽ phải cạnh tranh khốc liệt hơn trong thời gian tới, các thị trường truyền thống của Việt Nam tăng cường sản xuất, thực hiện chính sách tự túc lương thực tạo nên áp lực về thị trường. Trong khi đó, thu hoạch chính vụ đông xuân 2012 - 2013 của Việt Nam dự kiến sớm hơn 1 tháng so với những năm trước (vào tháng 2.2013) khiến việc tiêu thụ càng khó khăn...
|
Chăm sóc lúa đông xuân tại xã Vị Đông, huyện Vị Thủy, Hậu Giang. |
Ông Trương Thanh Phong - Chủ tịch VFA thông tin, đến thời điểm hiện tại, hợp đồng xuất khẩu gạo chuyển tiếp từ 2012 sang 2013 còn rất ít, chỉ khoảng 700.000 tấn. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 60% trong số này có thể giao hàng được, phần còn lại vẫn có thể bị hủy hợp đồng. Ngoài ra, lượng hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung ký được đến thời điểm này hầu như chưa có gì, do đó, doanh nghiệp Việt Nam có thể sẽ bị ép giá kịch liệt hơn trong hoạt động đàm phán thời điểm đầu năm mới.
“Hiện nay nguồn cung gạo trên thế giới quá dồi dào, như Ấn Độ được mùa lớn, Thái Lan tồn kho lên đến 12 - 13 triệu tấn. Không chỉ vậy, Việt Nam còn phải cạnh tranh với Myanmar. Chỉ khoảng 2 năm nữa, nước này có thể vượt qua Việt Nam trong xuất khẩu gạo vì giá rẻ, sản lượng lớn” - ông Phong dự báo.
Ông Võ Thành Đô - Phó Cục trưởng Cục Chế biến Thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NNPTNT) cũng cho biết, đến nay, phía Trung Quốc vẫn chưa có động tĩnh gì về nhập gạo.
Lãnh đạo VFA cũng cho biết, quý I/2013 dường như chỉ có Trung Quốc thực hiện nhập khẩu gạo. Dự báo, nhu cầu nhập khẩu chỉ khởi sắc sau quý I với việc Philippines bắt đầu nhập khẩu từ tháng 4, Indonesia bắt đầu nhập khẩu vào tháng 9 và đến cuối năm, Malaysia mới tham gia nhập khẩu trở lại. Châu Phi đầu năm cũng chưa nhập gạo do lượng tồn kho còn nhiều.
Kết thúc năm 2012, Việt Nam xuất khẩu gạo đạt hơn 7,7 triệu tấn, trị giá FOB hơn 3,4 tỷ USD, tăng khoảng 8% về lượng so với năm 2011 nhưng giảm gần 2% về trị giá (do giá gạo giảm).
Cần tạm trữ từ tháng 1
Trước những dự báo về tình hình xuất khẩu nhiều khó khăn, năm 2013 VFA chỉ đưa ra mục tiêu xuất khẩu tối thiểu 7,5 triệu tấn, trong đó, lượng gạo xuất khẩu quý I khoảng 1,4 triệu tấn. Theo tính toán, sản lượng gạo trong quý I của ĐBSCL đạt khoảng 3,8 triệu tấn, cùng với 800.000 tấn chuyển từ 2012 sang, Việt Nam có khoảng 4,6 triệu tấn gạo hàng hóa phải tiêu thụ trong quý I/2013.
“Trừ 1,4 triệu tấn phấn đấu xuất khẩu trong 3 tháng đầu năm, quý I vẫn còn đến 3,2 triệu tấn gạo chưa có nơi tiêu thụ. Do đó, VFA kiến nghị Chính phủ triển khai thực hiện tạm trữ ngay từ tháng 1 để giữ giá lúa cho nông dân, với số lượng khoảng 1,5 triệu tấn” - ông Phong nói.
Về vấn đề này, ông Phan Văn Chinh - Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, trong khi chờ đợi quy chế tạm trữ lúa gạo mới, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đồng ý việc tạm trữ theo quy chế cũ, tức giao cho các doanh nghiệp thực hiện. Tuy nhiên, vẫn chưa xác định sản lượng, thời gian tạm trữ cụ thể. “Nên thực hiện tạm trữ ngay thời điểm trước Tết Nguyên đán để định hướng dư luận, định hướng giá cả cho nông dân và thương nhân nước ngoài đối với sản phẩm gạo Việt Nam” - ông Chinh đề xuất.
Thuận Hải - Ngọc Minh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.