Cuối cùng thì 2 từ “chiến tranh” mà dư luận lo ngại sẽ phải nhắc đến khi nói về cuộc khủng hoảng ở Ukraine cũng đã xuất hiện với tần suất dày đặc hơn và lại do chính chính quyền ở Kiev đề cập.
Điều đó cho thấy nguy cơ chiến tranh thực sự đang ngày càng hiện hữu trong bối cảnh quân đội Ukraine tiếp tục “chiến dịch chống khủng bố” ở miền Đông Nam nước này.
Lính bắn tỉa Ukraine bên ngoài thành phố Slavyansk (Ảnh: Reuters)
Hôm nay (4.5), quân đội chính phủ đã bao vây thành phố Slavyansk, thành trì của những người biểu tình ở Đông Nam Ukraine, chiếm được trung tâm truyền hình của Slavyansk, phong tỏa các tuyến đường ra vào thành phố này và tập trung vào các thị trấn xung quanh đó.
Đêm qua, tại Kostyantynivka và Mariupol cũng đã xuất hiện tiếng súng nổ khi binh sỹ Ukraine chiếm lại các văn phòng chính phủ bị người biểu tình bao vây.
Trong khi đó, Thủ tướng lâm thời Ukraine Arseniy Yatsenyuk đổ lỗi cho lực lượng an ninh nước này vì đã không thể ngăn chặn tình trạng bạo lực ở thành phố Odessa hôm qua làm 42 người thiệt mạng và gần 200 người bị thương, phần lớn trong số này là những người biểu tình không vũ trang.
Thủ tướng lâm thời Yatsenyuk cho biết, cảnh sát trưởng khu vực Odessa đã bị cách chức và văn phòng công tố viên của thành phố đã bắt đầu tiến hành điều tra toàn diện, tổng thể và độc lập về vụ bạo động ở Odessa hôm qua.
Thủ tướng lâm thời Ukraine khẳng định cuộc điều tra này sẽ không loại trừ một ai, từ cảnh sát trưởng của Odessa đến các cấp phó của ông. Tuy nhiên, ông Yatsenyuk cũng đổ lỗi cho những người biểu tình đã “khiêu khích gây bất ổn”.
Ông cáo buộc “Nga và những người biểu tình ủng hộ Nga ở Đông Nam Ukraine đang gây ra một cuộc chiến tranh để loại trừ Ukraine và tiêu diệt độc lập của Ukraine”.
Mặc dù vậy, giới quan sát cho rằng không thể không thừa nhận những gì mà chính phủ và quân đội đã làm với miền Đông Nam Ukraine trong 2 ngày qua đã góp phần đẩy đất nước này gần hơn đến bờ vực chiến tranh.
Trong một cuộc phỏng vấn với kênh
PressTV, nhà báo Fred Weir, chuyên gia bình luận chính trị quốc tế người Canađa đang sống tại Moscow chỉ ra rằng, vấn đề cơ bản ở Ukraine chính là sự chia rẽ nội bộ ngày càng sâu sắc giữa giữa Đông và Tây. Chính quyền ở Kiev đã rất lưỡng lự trong việc có dùng vũ lực hay không.
Bên cạnh đó là những áp lực từ bên trong chính quyền ở Kiev khi cánh hữu theo chủ nghĩa dân tộc tỏ ra bực tức vì chính phủ không thể kiếm chế sự nội dậy của miền Đông. Mặt khác họ sẽ phải đối mặt với nguy cơ xung đột nghiêm trọng ở miền Đông và điều đó có thể khiêu khích Nga phải can thiệp.
Chuyên gia Fred Weir nhận định: “Chỉ vài ngày trước Tổng thống lâm thời Alexander Turchinov thừa nhận rằng chính phủ Ukraine đang vô vọng, họ không thể làm gì được và đang ở thế bị động thì hôm nay chúng ta thấy các cuộc tiến công vào Slavyansk. Đây là một tình huống có thể bùng nổ bất cứ lúc nào. Tôi cho rằng chính quyền Kiev đang muốn giành một chiến thắng quân sự và chiếm lại Slavyansk và cuộc chiến này có thể gây ra nhiều thương vong. Tôi cũng cho rằng quân đội Ukraine có thể thắng nhưng viễn cảnh đẫm máu đó chỉ càng gây hấn buộc Nga phải can thiệp”.
Trong khi đó, luật sư James Jatras, cựu cố vấn về chính sách đối ngoại cho Thượng viện Mỹ nhận định: “Dường như chính quyền ở Kiev cảm thấy họ sẽ không thể tiếp tục nắm quyền trừ khi biến cuộc khủng hoảng này thành một cuộc nội chiến hoặc thậm chí là xung đột với Nga để sau đó có thể kêu gọi sự hỗ trợ của phương Tây. Tôi cho rằng điều này thật lố bịch bởi khó có thể tưởng tượng ai đó tán thành việc NATO tham gia vào một cuộc xung đột với Nga vì Ukraine”.
Có thể nói viễn cảnh tồi tệ nhất cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine đang dần lộ diện nhưng tất cả những gì Mỹ và Liên minh châu Âu có thể làm đến lúc này vẫn chỉ là tiếp tục kêu gọi lẫn nhau gây sức ép với 2 phe chính phủ và người biểu tình ở Ukraine hướng đến hòa giải. Trong khi đó, những động thái về chính trị và quân sự đều đi ngược lại lời kêu gọi trên.
Điều đó đang phá hoại nghiêm trọng kế hoạch của Ukraine tổ chức bầu cử Tổng thống cuối tháng này. Cuộc bỏ phiếu sẽ là một phép thử đối với chính quyền ở Kiev bởi nếu không thể tổ chức bầu cử một cách hòa bình, trật tự và công bằng thì lúc đó không chỉ Nga mà có thể cả phương Tây cũng phải thừa nhận sự mất kiểm soát của chính phủ lâm thời Ukraine.
VOV online (Theo VOV online)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.