Xung đột Nga – Ukraine: Ngành kinh tế nào của Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp?
Xung đột Nga – Ukraine: Ngành kinh tế nào của Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp?
Q.D
Thứ sáu, ngày 25/02/2022 19:00 PM (GMT+7)
Chuyên gia kinh tế nhận định, ở phía nguồn cung, các lệnh trừng phạt và tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng có thể dẫn đến khan hiếm nhiều mặt hàng cơ bản, qua đó trực tiếp làm giá đầu vào của các doanh nghiệp tăng cao.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có những biến động do lo ngại của các nhà đầu tư về cuộc chiến Nga – Ukraine. Liên quan đến vấn đề này, bà Nguyễn Hoài Thu - Giám đốc Điều hành Khối Đầu tư Chứng khoán và Trái phiếu của VinaCapital ffax có những nhận định về các tác động đến tình hình trị trường cũng như quỹ mở do VinaCapital quản lý.
Theo bà Nguyễn Hoài Thu, dưới góc nhìn của một nhà đầu tư, rủi ro dễ thấy nhất có thể ảnh hưởng danh mục đầu tư từ sự kiện này là rủi ro lạm phát.
Ở phía nguồn cung, các lệnh trừng phạt và tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng có thể dẫn đến khan hiếm nhiều mặt hàng cơ bản, qua đó trực tiếp làm giá đầu vào của các doanh nghiệp tăng cao. Ở phía nguồn cầu, lạm phát còn có thể làm cho tiêu dùng và tiến độ giải ngân đầu tư trong nền kinh tế (bao gồm cả đầu tư công) chậm lại, do mặt bằng giá tăng cao và biến động khó lường.
Các công ty chịu ảnh hưởng trực tiếp có thể bao gồm các doanh nghiệp lệ thuộc vào giá hàng hóa cơ bản làm nguyên liệu đầu vào nhưng không có khả năng tăng giá bán bù lại chi phí nguyên liệu/vận chuyển tăng cao. Rất nhiều các doanh nghiệp này là những doanh nghiệp thuần túy xuất khẩu.
Đặc biệt, các doanh nghiệp lệ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu đầu vào sẽ có rủi ro khan hiếm nguồn cung trực tiếp do căng thẳng Ukraine-Nga gây ra, ví dụ như than (một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ đạo của Nga), có thể bị ảnh hưởng lớn về lợi nhuận.
Các hãng hàng không có thể chịu ảnh hưởng kép, khi chi phí giá dầu tăng cao và các đường bay bị gián đoạn.
Ngoài các rủi ro cụ thể nói trên, rủi ro vĩ mô thế giới nhìn chung cũng có thể gián tiếp ảnh hưởng đà phục hồi chung của nền kinh tế Việt Nam.
Tương tự, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân, CTCK Yuanta Việt Nam cho rằng, trong thời gian vừa qua khi giá dầu tăng sẽ thúc đẩy hoạt động khôi phục sản xuất dầu, như vậy những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dầu khí, sản xuất dầu khí sẽ được hưởng lợi.
Tuy nhiên, khi giá xăng dầu tăng, chi phí logistics cũng sẽ tăng cao, các doanh nghiệp dệt may, thủy sản sẽ chịu nhiều tác động. Điều này có thể dẫn đến tình hình xuất khẩu của các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng, gia tăng chi phí logistics. Biên lợi nhuận của các doanh nghiệp sẽ chịu ảnh hưởng từ vấn đề này.
Tuy nhiên, diễn biến trên thị trường chứng khoán hôm nay của các nhóm ngành đã nêu trên, chưa thấy có quá nhiều biến động mang tính chất "đột biến".
Cụ thể, đối với nhóm cổ phiếu ngành than hầu hết đều ghi nhận giá tăng trưởng so với phiên giao dịch liền kề. Đơn cử cổ phiếu NBC niêm yết ở ngưỡng 17.800 đồng/cp, tăng 4,09%; cổ phiếu TVD tăng 1,83%; THT tăng 5,56%; TDN tăng 2,86%; TC6 tăng 3,25%; MDC tăng 1,52%; HKC tăng 1,35%..
Trong khi đó, kết thúc phiên giao dịch ngày 25/2, cổ phiếu HVM của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (HOSE: HVN) cũng đang niêm yết ở mức 25.900 đồng/cp, tăng nhẹ 0.97% so với phiên liền kề. Ngược lại, cổ phiếu CTCP Hàng không Vietjet (HOSE: VJC) lại giảm 1,96%, về 145.100 đồng/cp.
Xét riêng về góc độ danh nghiệp cụ thể, bà Nguyễn Hoài Thu - Giám đốc Điều hành Khối Đầu tư Chứng khoán và Trái phiếu của VinaCapital ffax đánh giá, danh mục đầu tư của các quỹ mở do VinaCapital quản lý khó tránh khỏi những ảnh hưởng tiêu cực trong ngắn hạn của cuộc chiến giữa Nga và Ukraine, chủ yếu do thị trường chứng khoán thường sẽ biến động và nhạy cảm với các tin tức liên quan.
Tuy nhiên, những rủi ro đề cập phía trên không ảnh hưởng nhiều đến triển vọng của các doanh nghiệp mà VinaCapital ffax đang đầu tư vào, vì doanh nghiệp không có cổ phiếu của các hãng hàng không trong danh mục do triển vọng phục hồi các đường bay quốc tế chưa rõ nét.
Tập trung phần lớn danh mục vào các doanh nghiệp có khả năng bảo vệ biên lợi nhuận trước rủi ro tăng giá nguyên liệu và chi phí vận chuyển.
Tập trung đầu tư vào các công ty có lợi thế cạnh tranh bền vững và hưởng lợi từ câu chuyện tăng trưởng dài hạn của Việt Nam, chủ yếu thuộc các ngành chủ đạo như ngân hàng, khu công nghiệp, dịch vụ nội địa và hạ tầng (bao gồm hạ tầng giao thông, hàng hải, và năng lượng).
Các chuyên gia quản lý quỹ của VinaCapital sẽ tiếp tục theo dõi những diễn biến của sự kiện này và có thể có những điều chỉnh cần thiết nếu căng thẳng tiếp tục leo thang nghiêm trọng.
"Cuối cùng, chúng tôi xin khuyến nghị các quý nhà đầu tư nên giữ bình tĩnh và suy xét kỹ các dự định rút tiền ra khỏi thị trường. Khi thị trường giảm sâu sẽ là cơ hội để VinaCapital có thể mua vào những cổ phiếu tốt với giá rẻ hơn cho các quỹ vì chúng tôi vẫn luôn tin tưởng vào triển vọng tích cực của kinh tế Việt Nam trong dài hạn" bà Thu nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.