Ý kiến của quan chức WHO về các chợ bán động vật tươi sống

Thứ bảy, ngày 09/05/2020 19:55 PM (GMT+7)
Quan chức thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng các khu chợ bán động vật tươi sống không nên bị buộc phải đóng cửa dù thừa nhận chúng tiềm ẩn nguy cơ gây ra các đại dịch cho nhân loại.
Bình luận 0

Tờ Daily Mail hôm 8/5 đưa tin, quan chức của WHO cho rằng các khu chợ đóng vai trò thiết yếu trong việc cung cấp thực phẩm và việc làm cho hàng triệu người trên thế giới và chúng nên được tiếp tục hoạt động, dù đại dịch Covid-19 được cho là xuất phát từ một khu chợ hải sản ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc.

Theo Peter Ben Embarek, chuyên gia của WHO về an toàn thực phẩm và bệnh dịch từ động vật, giới chức các nước nên tập trung cải thiện điều kiện vệ sinh của các khu chợ thay vì đóng cửa chúng hoàn toàn.

"An toàn thực phẩm trong những môi trường như các khu chợ rất khó đảm bảo vì vậy không ngạc nhiên nếu có những đại dịch bùng phát từ đây", ông Embarek nhấn mạnh về vấn đề vệ sinh của các khu chợ.

img

Peter Ben Embarek, chuyên gia của WHO về an toàn thực phẩm và bệnh dịch từ động vật. Ảnh: TV24

Theo vị quan chức của WHO, việc giảm nguy cơ lây bệnh từ động vật sang người ở các khu chợ có thể được giải quyết phần lớn nhờ cải thiện các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh và thực phẩm.

Ông Embarek cho biết vẫn chưa rõ liệu chợ hải sản ở Vũ Hán, liên quan tới hàng chục trường hợp lây nhiễm đầu tiên ở Trung Quốc, có phải là nguồn bùng phát dịch hay chỉ đóng vai trò trung gian lây lan.

Vị quan chức của WHO nói thêm rằng các cuộc điều tra tiếp tục xác định nguồn gốc của virus SARS-CoV-2. Các nghiên cứu còn cho thấy không chỉ người mà một số động vật khác như mèo, chó, hổ hay chồn cũng dễ bị nhiễm bệnh. Việc xác định các loài dễ bị lây nhiễm khác cho phép các biện pháp can thiệp cụ thể được đưa ra để ngăn sự bùng phát của dịch bệnh trong tương lai.

"Chúng tôi không muốn virus SARS-CoV-2 lây lan sang các động vật khác vì chúng có thể lây nhiễm sang cho con người", ông Embarek nói.

img

Thay vì đóng cửa các khu chợ, giới chức nên cải thiện tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và vệ sinh tại các địa điểm này, theo quan chức của WHO. Ảnh: EPA

Việc xác định nguồn gốc lây lan dịch Covid-19 và giải mã các nghiên cứu mở rộng (giới chức y tế lấy thông tin từ các ca lây nhiễm đầu tiên) cần rất nhiều thời gian, theo ông Embarek. Việc này sẽ giúp khoanh vùng các động vật mà họ từng tiếp xúc trước khi bị nhiễm bệnh.

Các nhà khoa học sau đó sẽ lấy mẫu từ các động vật được xác định để tìm ra một sự trùng khớp với virus SARS-CoV-2 đang gây bệnh ở người.

Tới hôm 8/5, Trung Quốc vẫn chưa chính thức mời WHO hoặc các chuyên gia y tế bên ngoài tham gia cuộc điều tra nguồn gốc dịch Covid-19.

Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống COVID-19:

- Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với COVID-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.

- Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với COVID-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.

- Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi.

- Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác.

- Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế.

- Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 1900322819009095.

Nguyễn Thái - Daily Mail (Dân Việt)
Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem