Yakuza gốc Triều Tiên và vụ bắt cóc Tổng thống Kim Dae Jung

Nguyễn Đức Vinh Thứ sáu, ngày 13/03/2020 20:30 PM (GMT+7)
Trong Thế Chiến II có hơn 2,5 triệu người Triều Tiên bị ép buộc phải sang Nhật phục vụ trong các xí nghiệp chiến tranh. Được gọi bằng cái tên Sanggokujin (tam quốc nhân) đầy miệt thị, họ bị đối xử như những nô lệ. Một bộ phận nam giới bị quân đội Nhật lùa ra mặt trận làm bia thịt, hàng vạn phụ nữ có nhan sắc bị biến thành những nô lệ tình dục phục vụ lính Nhật trên các chiến trường...
Bình luận 0

Chiến tranh kết thúc, Nhật đầu hàng, 2 triệu người Triều Tiên đã được hồi hương, nhưng vẫn còn tới 67 vạn người Triều Tiên khác ở lại. Được giải phóng khỏi kiếp nô lệ, bao nhiêu uất ức, tủi nhục bị dồn nén đã có dịp bung ra, những người Triều Tiên hối hả lao vào buôn lậu, móc ngoặc, thậm chí cả ăn cắp hàng viện trợ Mỹ, nhanh chóng kiểm soát thị trường chợ đen ở một số thành phố lớn của Nhật Bản. Quân đội Mỹ chiếm đóng không tin cậy người Nhật - kẻ cựu thù - nên làm ngơ cho những người Triều Tiên thỏa sức hoành hành, đồng thời cũng để lợi dụng họ trong việc thu thập tin tức.

img

Cựu Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae Jung.

Chẳng bao lâu, những khu ăn chơi, giải trí sầm uất nhất của thủ đô Tokyo đều thuộc quyền cai quản của những tên gangster  gốc Triều Tiên. Chúng độc quyền phân phối hệ thống buôn bán lẻ và các dịch vụ,  Pachinko (máy đánh bạc). Để cạnh tranh với sự chèn ép của bọn Yakuza Nhật Bản, năm 1948, 1.500 tên tội phạm Triều Tiên đã tập hợp nhau lại, lập nên cái gọi là Tosei - kai (Đông Thanh Hội) do Hisayuki Machii - kẻ đứng đầu băng tội phạm “Những con hổ Ginza” ở Tokyo - làm thủ lĩnh.

Machii tên thật là Chong Gwon Yong, sinh năm 1923 tại Triều Tiên, con trai một nhà kinh doanh sắt thép. Thuở nhỏ, Chong Gwon Yong học rất tồi và chỉ thích lêu lổng, đánh lộn trên hè phố, bến cảng hơn là thích đến trường. Do công việc kinh doanh của người cha nên trước Chiến tranh thế giới lần thứ 2, Chong đã từng qua lại giữa Triều Tiên - Nhật Bản tới 8 lần. Y tự đặt cho mình cái tên Nhật là Hisayuki Machii và bắt đầu bước chân vào thế giới tội phạm ở Tokyo.

Chiến tranh kết thúc, Machii nhanh chóng lao vào buôn bán chợ đen, nhiều lần bị quân đội chiếm đóng bắt giữ, một lần bị truy tố về tội giết người. Nhưng nhờ giỏi luồn lách, Machii vẫn lọt lưới pháp luật, càng trở nên nổi tiếng trong giới giang hồ. Dù sống trên đất Nhật, nhưng y vẫn là “người ngoại quốc”.

Lợi dụng vị thế này, Machii đã mở rộng được nhiều mối quan hệ với cả những người đứng đầu Cơ quan phản gián của quân đội Hoa Kỳ tại Nhật (gọi tắt là G2) lẫn những ông trùm của các cộng đồng người Triều Tiên tại Nhật. Machii và băng Tosei-kai đã tích cực giúp quân đội chiếm đóng phá nhiều vụ đình công của phong trào công nhân và những người Nhật cánh tả. Đổi lại, G2 đã làm ngơ, thậm chí còn hậu thuẫn cho Tosei-kai hoạt động và cạnh tranh khốc liệt với các băng Yakuza Nhật Bản.

Không cam tâm chịu cảnh “bẽ mặt” trước sự lấn lướt của những tên tội phạm gốc Triều Tiên, Yakuza Nhật tìm cách chống lại.

Ngay sau khi giành được quyền lực đen ở khu Ginza,  những tên Tosei-kai đã lộng hành tới mức dám tổ chức một cuộc tuần hành rầm rộ ngay trước Hoàng cung Nhật Bản tại Tokyo. Tức khí, Guchi Matsuda - trùm băng Matsuchi-gumi ở Tokyo tổ chức một cuộc “trải đệm” nhử những kẻ “ngoại lai” to gan đến. Khi hàng trăm tên tội phạm Triều Tiên tràn vào giữa lòng phố Shimbashi để đập phá các quầy hàng của những người tam quốc nhân Đài Loan thì khẩu súng máy đặt trên nóc một trường tiểu học bất ngờ khạc đạn, bắn thẳng vào đám đông người Triều Tiên đang reo hò chiến thắng khiến chúng phải “bỏ của chạy lấy người”, để lại hàng trăm đồng bọn cả chết lẫn bị thương.

Tại cảng Kobé, nhằm giành quyền kiểm soát các nguồn lợi trên bến cảng, 300 tam quốc nhân Triều Tiên đã xông vào một bốt cảnh sát bắt con tin gây áp lực. Cảnh sát bất lực. Dưới sự “nhờ vả” của thị trưởng thành phố, hơn 1.000 thành viên băng Yamaguchi-gumi theo lệnh ông trùm Kazuo Taoka tấn công vào bốt cảnh sát này bằng súng, kiếm, lựu đạn, giải giới toàn bộ đám côn đồ Triều Tiên manh động…

Sau hai vụ này, hoạt động của các băng gangster Triều Tiên tuy bớt ồn ào hơn, song vẫn hết sức nguy hiểm. Thậm chí, vào năm 1964, Cảnh sát Tokyo còn khám phá được cả một kho thuốc nổ, súng ống ngay trong lòng trụ sở của băng Tosei-kai tại khu Ginza. Thế nhưng, sự hỗn loạn thời hậu chiến đã vô hiệu hóa luật pháp Nhật Bản, không một ông trùm nào của Yakuza Triều Tiên, kể cả Machii, bị tống vào tù lâu quá vài tháng!

Liên minh tội phạm

Thay vì tiếp tục tranh giành, chém giết, các ông trùm lớn của cả hai thế lực Triều Tiên - Nhật Bản cũng chịu ngồi lại để bắt tay nhau nhằm phân chia lợi nhuận. Sở dĩ đang trên thế thắng, các ông trùm Yakuza Nhật Bản lại chịu hạ mình là bởi họ đang nhắm đến mục đích khai thác những nguồn lợi khổng lồ của thị trường chợ đen Hàn Quốc, một công việc không thể thành công nếu không có sự tham gia của những băng đảng Yakuza gốc Triều Tiên.

Với sự hiện diện của 40.000 lính Mỹ, Hàn Quốc vừa là một trung tâm tiêu thụ lớn hàng hóa đến từ Nhật, lại vừa là một cái “mỏ” hàng PX (hàng quân tiếp vụ) có trữ lượng dồi dào. Trong những năm 1960 - 1970, bọn Yakuza từ Nhật Bản hầu như đã khống chế hoàn toàn việc xuất nhập khẩu theo đường tiểu ngạch cho thị trường chợ đen Hàn Quốc, thu được một nguồn lợi khổng lồ.

Tuy nhiên, nguồn lợi đó vẫn không thấm vào đâu so với nguồn lời từ amphetamin, được người Nhật Bản gọi bằng cái tên mỹ miều là “sabu” hay “kim cương trắng”, trong khi lính Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc - những khách hàng thường trực lại gọi chúng là “speed” (tốc độ), crack (bùng nổ) hay “mad” (điên rồ). Ban đầu nguồn amphetamin được đưa từ Nhật Bản sang Hàn Quốc.

Nhưng đến cuối thập niên 60 của thể kỷ XX, dòng chảy đổi hướng. Dưới sự bảo trợ của Yakuza Nhật Bản, Yakuza Triều Tiên đã dựng lên hàng loạt phòng bào chế trên khắp đất nước Hàn Quốc, sau đó chảy ngược về Nhật Bản. Ma túy chế biến ở Hàn Quốc chiếm 70% nguồn cung cấp cho toàn thị trường Nhật Bản. Một nửa thu nhập của Yakuza Nhật Bản là nhờ sản xuất và buôn bán ma túy, với doanh số lên đến hàng tỉ USD mỗi năm trong suốt thập niên 70.

Là người nắm giữ đầu mối của nguồn lợi khổng lồ này, Machii và băng Tosei-kai, dù quân số chỉ chiếm chừng 1,5% Yakuza toàn Nhật Bản vẫn không hề bị lép vế mà ngược lại, vị thế ngày càng quan trọng hơn. Machii trở thành một trong những thủ lĩnh Yakuza quan trọng hàng đầu, làm bạn với cả Thủ tướng Nhật Kishi (1958) lẫn ông trùm của mọi ông trùm Yakuza là Kazuo Taoka.

Mối quan hệ này được bảo trợ bởi một nhân vật khét tiếng và bí hiểm trong nền chính trị kỳ quặc và hỗn loạn của đảo quốc Nhật Bản: Cựu đề đốc Hải quân - tội phạm chiến tranh Yoshio Kodama. Chính Kodama đã nhờ vả ông bạn Triều Tiên Machii đưa 3.000 tên gangster đến bảo vệ thành công cho chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Tổng thống Mỹ Eisenhower năm 1961. Sau đó để trả công, sự nghiệp của Machii đã được kẻ buôn vua của nền chính trị Nhật Bản là Kodama bảo trợ.

Dưới chế độ độc tài Park Chung Hee, không những nền dân chủ bị bóp nghẹt mà ngay cả các tổ chức tội phạm cũng đừng hòng tồn tại, nếu chúng không được sự “cho phép” của KCIA, được Park Chung Hee thành lập năm 1961 với 3.000 nhân viên “đặc biệt tinh nhuệ” và đã nhanh chóng tăng lên tới 100.000 tên chỉ ít năm sau đó. KCIA là một tổ chức siêu quyền lực, có thể bắt bớ, thủ tiêu bất kỳ ai mà họ cho là thù địch, không cần đến phán quyết của tòa án. Lẽ tất nhiên, hoạt động phạm tội của Machii và những tên đồng đảng không thể qua mặt được bộ máy quyền lực khủng khiếp này. Nhưng KCIA đã làm ngơ…

Số là, khi bán đảo Triều Tiên bị chia cắt, người Triều Tiên ở Nhật Bản cũng phân hóa sâu sắc thành hai phe và chống đối nhau kịch liệt. Các Hiệp hội Chongyon ủng hộ phe miền Bắc Cộng sản. Nhóm Mindan ủng hộ miền Nam… Không chút do dự, toàn bộ những tên vô lại dưới trướng Machii đều ủng hộ các thủ lĩnh phe Mindan chống cộng. KCIA đã tiếp sức, hậu thuẫn và tất nhiên sau đó là lợi dụng chúng như một giải pháp chính trị.

Rất nhanh, Machii đã trở thành người trung gian dàn xếp các cuộc gặp gỡ, thương lượng giữa các chính khách cực hữu Nhật Bản với các nhân vật quan trọng trong chính phủ độc tài Park Chung Hee, tiến tới việc ký kết hiệp ước bình thường hóa quan hệ Nhật - Hàn. Để tưởng  thưởng, Tổng thống Park Chung Hee  từng cho phép Machii và cựu đề đốc Kodama hội kiến.

Vụ bắt cóc Kim Dae Jung

Trong kỳ bầu cử năm 1971, Park Chung Hee chỉ giành thắng lợi nhờ gian lận, trong khi dù thua cuộc, uy tín của ứng cử viên dân chủ Kim Dae Jung vẫn ngày càng lên cao. Ông tiếp tục bôn ba khắp nhiều nước, vận động cho việc lập lại dân chủ và nhân quyền ở Hàn Quốc. Kết quả, ngay sau cuộc tổng tuyển cử năm 1971, xe hơi của ông Kim đã bị một chiếc xe tải đâm vào khiến ông bị thương nặng, ba người đi cùng xe với ông thiệt mạng. Sau này, nhà chức trách Hàn Quốc đã thừa nhận: Chính KCIA là tác giả.

Biết nguy cơ đang rình rập, nhưng ông Kim vẫn không ngừng hoạt động. Mùa hè năm 1973, ông được mời đến Tokyo để nói chuyện với một số hiệp hội kiều dân Hàn Quốc. Khi ông đến Nhật, bạn bè ông đã cho biết: Bọn Yakuza Triều Tiên sẽ tổ chức ám hại ông. Do đó, tại Tokyo, Kim Dae Jung phải thường xuyên cảnh giác, đổi khách sạn như cơm bữa.

Sáng 8/8/1973, sau hai giờ đàm đạo với Yang In Tong, một chính khách Triều Tiên, ông Kim rời phòng khách sạn Grand Palace ở Tokyo. Chưa kịp vào thang máy, ông đã bị một tốp thanh niên lạ mặt ập đến lôi vào căn phòng bên cạnh đấm đá, sau đó chụp khăn thuốc mê lên mặt và bí mật đưa xuống tầng hầm nhét vào cốp một chiếc xe hơi đậu sẵn. Bị trói và bịt mắt, miệng bằng băng dính, Kim Dae Jung hoàn toàn không thể kêu cứu, bị những kẻ bắt cóc chở ra một chiếc tàu nhỏ đang neo sẵn dưới vịnh Osaka.

Nhưng nhà chức trách Hoa Kỳ và Nhật Bản đã phát hiện ra vụ việc, lập tức cho trực thăng đuổi theo, cùng với sự phản đối quyết liệt gửi thẳng đến Chính phủ Park Chung Hee. Do đó, đến phút chót, lệnh thủ tiêu ông Kim đã bị bãi bỏ. Những vật nặng và dây trói trên tay chân ông được cởi bỏ.

Chiếc tàu nhỏ cập bến Phu San (Hàn Quốc) vào ngày hôm sau. Ông Kim được đưa về Seoul giam hai ngày, sau đó được thả ra vào ban đêm một cách bí mật, cách nhà riêng của ông chưa đầy trăm mét. Sau một thời gian bị quản thúc, Kim Dae Jung lại bị điệu ra tòa, bị tuyên án tử hình. Khi Park Chung Hee bị ám sát, bản án này đã suýt nữa được Chun Doo Hwan, nhà độc tài kế nhiệm thi hành. Nhưng chân lý đã thắng, cuối cùng Kim Dae Jung vẫn sống, để sau đó trở thành nhà lãnh đạo cao nhất của Hàn Quốc.

Cảnh sát Nhật đã không mất quá nhiều thời gian cũng vẫn lần ra manh mối thủ phạm. Ngay tại hiện trường gây án, dấu vân tay của Kim Dong Won, “sếp” KCIA tại Tokyo vẫn còn rõ nét. Một trong những chiếc xe gây án cũng được xác định là của Phó lãnh sự Hàn Quốc tại Yokohama. Có khoảng 20 - 25 tên vô lại tham gia vào vụ bắt cóc, dưới sự chỉ đạo của chính Park Chung Hee. Thế nhưng, chính trị vốn là một trò ú tim, sau nhiều thập kỷ, Cảnh sát Tokyo vẫn không đưa ra một kết luận chính thức nào cả.

Chỉ có một chi tiết là không ai chối cãi: Trước khi vụ án xảy ra, Machii đã cho thuê gần như toàn bộ tầng lầu khách sạn mà ông Kim đã thuê phòng. Sau đó Machii đã để cho KCIA sử dụng hết tất cả các phòng này. Tuy nhiên, báo chí Nhật tuyệt đối không dám đăng tải các thông tin này vì sợ tay chân Machii trả thù. Xem ra, ngay trên đất Nhật, sức mạnh tội ác của những tên Yakuza gốc Triều Tiên vẫn còn là một nỗi ám ảnh lâu dài...

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem