10 bậc đế vương nổi tiếng xuất thân từ nông dân: Có Lưu Bang và Chu Nguyên Chương

HA Thứ bảy, ngày 18/06/2022 20:40 PM (GMT+7)
Ở thời kỳ phong kiến, thành phần xuất thân của một người sẽ gắn liền và quyết định cả cuộc đời của họ. Tuy nhiên trong lịch sử, có nhiều nhân vật đã đi lên từ con số không để rồi nắm trong tay quyền lực mà không ai có thể ngờ tới. Đôi khi, những người nông dân nhỏ bé nhất lại có được vị thế tối thượng.
Bình luận 0

Nữ hoàng Nga Catherine I

Nữ hoàng Catherine I (1684 – 1727), tên thật là Marta Skowronska, là nữ hoàng của Đế quốc Nga từ năm 1725 cho đến khi qua đời.

Marta Skowronska xuất thân từ một gia đình nông dân ở Latvia. Năm lên 3 tuổi, cha bà qua đời vì dịch hạch, không lâu sau mẹ bà cũng mất khiến bà trở thành trẻ mồ côi. Sau đó, Skowronska được nhận vào gia đình một giáo sĩ để phụ giúp công việc trong nhà và được coi như con nuôi. Tuy nhiên, Skowronska không được học hành và đến khi rời khỏi gia đình này bà vẫn chưa hề biết đọc biết viết.

10 bậc đế vương nổi tiếng xuất thân từ nông dân: Có Lưu Bang và Chu Nguyên Chương - Ảnh 1.

Nữ hoàng Nga Catherine I.

Thời điểm quân đội Nga chiếm đóng Latvia trong Đại chiến Bắc Âu (1702) cũng là lúc Skowronska trở thành một thiếu nữ 17 tuổi xinh đẹp. Bà đã bị bắt làm tù binh. Skowronska được đưa tới hầu hạ trong tư gia của một đại thần lúc bấy giờ và nhờ vậy, bà đã có cơ hội gặp gỡ Sa hoàng Peter I lần đầu tiên vào mùa thu năm 1705. Sa hoàng Peter I ngay lập tức nảy sinh tình cảm với cô gái 23 tuổi xinh đẹp trẻ trung. Đến năm 1712, Skowronska trở thành vợ hai của Sa hoàng. Hai người có với nhau 12 người con nhưng 10 đứa trẻ lần lượt qua đời và họ chỉ còn lại một trai, một gái.

Khi Sa hoàng Peter I qua đời mà không nêu tên người kế nhiệm, ngai vị còn trống này đã được triều thần và một số hoàng thân có thế lực ủng hộ dành cho Marta. Năm 1725, bà trở thành nữ hoàng đầu tiên của Nga.

Justin I – Đế quốc Đông La Mã

Justin I (453 – 527) là Hoàng đế Byzantine (Đế quốc Đông La Mã) từ năm 518 đến 527 sau Công nguyên.

Justin lúc đầu chỉ là một nông dân và chăn lợn thuê xuất thân từ vùng Dardania, thuộc một phần Giáo khu Illyria. Khi còn ở tuổi thiếu niên, ông và hai người bạn đã trốn thoát một cuộc xâm lược và tị nạn ở thủ đô của Byzantine là Constantinopolis (Istanbul ngày nay). Vì kế sinh nhai nên Justin sớm gia nhập quân đội và cũng nhờ tài năng và lòng quả cảm mà chẳng mấy chốc đã được thăng chức dưới thời Hoàng đế Anastasius I.

Vào thời điểm Hoàng đế Anastasius I băng hà năm 518, ông đang giữ chức vụ có ảnh hưởng lớn trong triều là chỉ huy đội cấm quân. Nhờ vào vị trí chỉ huy và việc hối lộ bằng quà cáp lẫn tiền bạc mà Justin được quần thần ủng hộ nắm ngai vàng làm Hoàng đế.

Tuy nhiên, lại có sách viết rằng, Hoàng đế Anastasius không có con nối dõi, vì vậy trước lúc từ giã cõi đời, ông tuyên bố người tiếp theo bước vào căn phòng của ông sẽ trở thành người trị vì đất nước. Người đó không ai khác chính là Justin. Sau khi lên ngôi, ông có viết một bức thư gửi tới Giáo hoàng nói rằng việc này đi ngược lại ý muốn của ông, rằng ông không hề có ý định trở thành Hoàng đế.

Dù sao đi nữa, với khởi đầu bằng binh nghiệp và sự khôn khéo của mình, ông đã giữ vững ngai vàng trong 9 năm.

Hoàng đế La Mã Diocletian

Gaius Valerius Aurelius Diocletianus (244 – 311) là lãnh đạo tối cao trị vì La Mã từ năm 284 đến 305.

Diocletian là con trai của một nô lệ ở tỉnh Dalmatia, Illyria. Ông gia nhập quân ngũ và được thăng tiến qua các cấp bậc của Quân đội La Mã để trở thành chỉ huy kỵ binh của Hoàng đế Carus. Ông được xem là một người chỉ huy có hoài bão lớn lao.

Sau khi Hoàng đế Carus băng hà do bị sét đánh, hai người con trai của ông là Numerian và Carinus lên nắm quyền phía Đông và phía Tây. Nhưng không lâu sau, Numerian qua đời.

Bằng việc vạch trần Aper, kẻ bị tình nghi gây ra cái chết cho Numerian, Diocletian đã nhận được quần thần ủng hộ rất nhiều. Quân đội La Mã đã tôn ông lên làm hoàng đế mới. Ông củng cố ngôi vị của mình bằng việc đánh bại Carinus trong trận Margus năm 285.

Với việc lên nắm đế quyền, ông đã kết thúc cuộc khủng hoảng của Đế quốc La Mã vào thế kỷ III.

Nữ hoàng Theodora – Đế quốc Đông La Mã

Theodora (500 – 548) là Nữ hoàng Byzantine, vợ của Hoàng đế Justinian I (hậu duệ của Hoàng đế Justin I). Thực chất, bà là người phụ nữ quyền lực và có ảnh hưởng nhất trong lịch sử Đế quốc Đông La Mã.

Ít ai biết về cuộc sống thời niên thiếu của Theodora. Bà là con gái của một người thuần hóa gấu. Lớn lên trong nhà hát và có mẹ là một vũ công kiêm diễn viên, bà được mẹ dạy cho một số trò tiêu khiển để kiếm tiền từ sớm.

Sau khi cha mất, ở tuổi 15, bà đã trở thành một ngôi sao nhí trong các vở hài kịch, kịch câm, và thậm chí ở cả nhà thổ. Theodora đã trở thành trụ cột gia đình nhờ vào nghề diễn xuất lẫn kĩ năng “giường chiếu” sau ánh đèn sân khấu.

Năm 522, bà từ bỏ lối sống trước đây của mình và sống trong một căn nhà gần hoàng cung. Vẻ đẹp, trí tuệ và sự vui tính của bà đã quyến rũ được Hoàng đế Justinian I. Để cưới được Theodora, ông đã thay đổi luật pháp La Mã bấy giờ vốn không cho phép thành viên hoàng tộc cưới nữ diễn viên.

Từ đó, bà trở thành người thân cận và được tin tưởng nhất của hoàng đế. Bà bắt đầu tham chính và nỗ lực chấm dứt chế độ nô lệ tình dục, trở thành một trong số những người đi tiên phong về nữ quyền.

Hoàng đế La Mã Maximinus Thrax

Gaius Julius Verus Maximinus Augustus (173 – 238), còn có tước hiệu Maximinus I, là Hoàng đế La Mã từ năm 235 đến 238.

Tư liệu hiếm hoi về Maximinus được ghi chép lại trong một số nguồn tài liệu cổ mà điển hình là bộ Lịch sử La Mã của Herodianus. Theo đó, ông là một người chăn cừu sinh ra tại Thrace, vùng đất xa xôi ở gần Biển Đen. Với xuất thân đó, ông bị Viện Nguyên lão khinh bỉ, coi như một kẻ mọi rợ, chứ không phải một người La Mã thực thụ.

Với tướng mạo “khổng lồ” (hơn 2,4 m) và sức khỏe phi thường, Maximinus bắt đầu con đường binh nghiệp trong đạo quân La Mã từ năm 190 và nhanh chóng đạt được vị thế cao với tài năng xuất chúng.

Vào năm 235, khi chỉ huy đoàn quân tân binh đến từ Pannonia, Maximinus đã vô cùng bất bình trước sự nhu nhược của Hoàng đế trẻ La Mã thời điểm đó là Alexander Severus trong việc giải quyết vấn đề tranh chấp với Đức. Ông đã sát hại Alexander và được các binh lính tôn lên làm hoàng đế.

Là một vị hoàng đế hiếu chiến, ông đem quân tới Italy để áp bức những kẻ thách thức ngai vàng của mình. Không may, trên đường đi, quân đội của ông đã bị đánh bại khiến ông bị mang tiếng xấu. Đến năm 238, một số binh sĩ đã ra tay sát hại Maximinus và con trai.

Hoàng đế Hán Cao Tổ – Trung Quốc

Hán Cao Tổ (256 – 195 TCN), tên thật là Lưu Bang, là vị hoàng đế sáng lập ra triều đại nhà Hán đồng thời là một trong hai vị vua của Trung Quốc có xuất thân từ giai cấp nông dân.

Lưu Bang sinh ra trong một gia đình nông dân ở Giang Tô. Khi còn nhỏ, ông là đứa trẻ ham chơi, nghịch ngợm. Dấu mốc thay đổi cuộc đời ông chính là một lần được chiêm ngưỡng kiệu vua long trọng đi ngang qua, ông đã nhận ra được mục tiêu của mình là một cuộc sống cao sang quyền quý, từ đó ông bắt đầu chú tâm để đạt được tham vọng này.

Sau một thời gian vất vả trong chính trường, ông đã ngộ ra một con đường nhanh hơn dẫn tới ngôi báu, đó là dẫn quân khởi nghĩa. Năm 209 TCN, ông cùng binh sĩ tiến đánh Hàm Dương, kết thúc ách thống trị của nhà Tần. Năm 202 TCN, Lưu Bang dẫn đại quân gồm 30 vạn người bao vây khiến Hạng Vũ phải tự vẫn. Lưu Bang đại thắng và xưng đế tại Sơn Đông, lấy quốc hiệu là Hán.

Đại lãnh chúa Toyotomi Hideyoshi – Nhật Bản

Toyotomi Hideyoshi (1537 – 1598) là một daimyo (lãnh chúa phong kiến) thời Sengoku. Ông sinh tại tỉnh Owari (ngày nay là Nagoya), là con trai của một nông dân. Thời thơ ấu, ông có biệt danh là Saru (khỉ), vì ông rất tinh nghịch và thích trèo cây. Cha ông mất năm ông lên bảy tuổi.

Khoảng năm 1557, sau khi rong ruổi khắp nơi, ông trở về quê nhà và làm lính cho quân đội của Oda Nobunaga – lãnh chúa vùng Owari lúc bấy giờ. Tuy không thuộc dòng dõi samurai, nhưng nhờ có quan hệ xã hội cùng sự thông minh, dũng cảm của mình, ông nhanh chóng được lên chức đại tướng. Hideyoshi trở thành người thân cận nhất của Nobunaga.

Khi Nobunaga bị ám sát, Hideyoshi đã trả thù cho ông và nắm quyền kiểm soát, kết thúc cuộc chiến tranh kéo dài 150 năm ở Nhật Bản. Với tư cách là người thống trị Nhật Bản trên thực tế, ông đã cho xây thành Osaka và tiến hành hai cuộc xâm lược bán đảo Triều Tiên vào năm 1592, 1597 nhưng đều gặp thất bại.

Hoàng đế Basil I – Đế quốc Đông La Mã

Basil I (811 – 886) là Hoàng đế Byzantine từ năm 867 đến khi qua đời.

Ông sinh trưởng trong một gia đình làm nông ở Macedonia. Dân gian kể lại rằng khi còn là một đứa trẻ, ông bị Khan Krum (bạo chúa Bulgaria) bắt cóc. Basil may mắn trốn thoát năm 20 tuổi và tới Constantinopolis để gây dựng sự nghiệp.

Ban đầu, ông làm người quản ngựa trong tư gia của Theophilitzes – người bác của Hoàng đế Michael III – vào năm 866. Sau đó, ông được Hoàng đế Michael III chú ý nhờ khả năng thuần hóa ngựa và tiếng tăm từ các cuộc đấu vật mà ông đã tham gia. Ông trở thành vệ sỹ và cận thần của hoàng đế.

Nhận ra rằng công việc của mình về cơ bản là đánh đập người khác, Basil đã liều lĩnh đi thêm một bước với việc giết hại người bác của Michael III. Không chỉ dừng lại ở đó, sau khi phát hiện ra Hoàng đế Michael III đã dành sự quan tâm của mình cho một nịnh thần khác, Basil đã không ngần ngại sát hại luôn cả Michael III và soán ngôi.

Ông trị vì 19 năm và qua đời trong một cuộc đi săn năm 886.

Hoàng đế Bulgaria Ivaylo

Không có ghi chép cụ thể về năm sinh, năm mất của Ivaylo, chỉ biết ông là Hoàng đế Bulgaria từ năm 1278 đến 1279.

Ivaylo làm nghề chăn lợn và nghèo khó đến nỗi mọi người gọi ông là “bắp cải”. Bất mãn với chế độ cai trị của vua Constantine lúc bấy giờ, Ivaylo đã dẫn đầu một nhóm nông dân đứng lên đẩy người Tatar (bộ lạc du cư gốc Thổ) ra khỏi lãnh thổ của mình.

Sau khi đánh bại người Tatar, ông diễu hành tới thủ phủ để bày tỏ sự bất mãn của mình đối với sự yếu kém của vua Constantine. Nhưng thay vì cải cách để hợp lòng dân, vị vua này lại lệnh cho quân giết hết những người biểu tình. Tuy vậy, mọi việc không diễn ra như dự kiến của hoàng đế, những người nông dân đã chiến thắng vẻ vang và Ivaylo đã tự tay kết liễu nhà vua trong trận chiến.

Sau chiến thắng này, Ivaylo cưới người vợ của cố hoàng đế và trở thành vị vua mới của đất nước. Mặc dù chỉ nắm quyền một năm, ông đã đánh bại Đế quốc Byzantine và người Tatar trước khi bị nhóm quý tộc lật đổ và đưa đi lưu đày.

Chu Nguyên Chương – Trung Quốc

Chu Nguyên Chương (1328 – 1398) là vị hoàng đế đầu tiên của triều đại nhà Minh, Trung Quốc.

Chu Nguyên Chương sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo và được đặt tên là Chu Trùng Bát. Cha mẹ ông mất vì bệnh dịch năm ông 16 tuổi, khiến cho ông trở thành người hành khất trên đường phố. Cuối cùng, ông “xuống tóc” tại chùa Hoàng Giác. Nhưng sau nhiều biến động ông lại phải bôn ba khắp chốn. Năm 1352, ông gia nhập lực lượng khởi nghĩa địa phương chống lại quân Hung Nô sau này sáp nhập với đội quân Khăn đỏ và nhanh chóng trở thành lãnh đạo dẫn dắt lực lượng đẩy lùi quân Hung Nô về phía Bắc.

Chu Nguyên Chương xưng đế năm 1368, lấy hiệu là Hồng Vũ (nghĩa là “thế lực to lớn”) và đặt kinh đô tại Nam Kinh. Sau khi lên ngôi, ông cho ban hành bộ Đại Minh luật, được đánh giá là một trong những thành tựu vĩ đại nhất của thời đại phong kiến Trung Quốc.

Chu Nguyên Chương băng hà năm 1398, hưởng thọ 70 tuổi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem