10 năm “Tết làm điều hay” mang niềm vui tới hội viên nghèo

Nguyên Vỹ Chủ nhật, ngày 24/12/2017 06:06 AM (GMT+7)
10 năm đồng hành giúp nông dân nghèo vượt khó, "Tết làm điều hay" đã trở thành một chương trình nhân văn; tham gia tích cực vào công tác an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững tại TP.HCM.
Bình luận 0

Nhìn lại một chặng đường, chương trình tiếp tục đặt mục tiêu hoạt động hiệu quả hơn, gấp rút hoàn thành mục tiêu giảm nghèo đa chiều giai đoạn 2016 - 2020 trong chương trình xây dựng nông thôn mới của thành phố.

Sát cánh cùng nông dân

img

Tặng bồn chứa nước sạch là một trong những hoạt động thiết thực chương trình Tết làm điều hay chăm lo hỗ trợ đời sống hội viên nghèo. Ảnh: NV

Theo thống kê, hộ hội viên diện nghèo, cận nghèo do Hội ND thành phố quản lý hiện khoảng 7.500 hộ. Chương trình Tết làm điều hay xuân Mậu Tuất 2018 dự kiến sẽ tiếp tục vận động 13 tỷ đồng để chăm lo cho hội viên.

Tại xã Đông Thạnh, gia đình chị Ngô Thị Thanh Thúy là gương nông dân (ND) điển hình của huyện Hóc Môn khi vượt nghèo, vươn lên sản xuất giỏi rồi quay lại tham gia tích cực phong trào Hội ND. 7 năm trước, gia đình chị thuộc diện hộ nghèo nhất nhì trong xã. Chồng đi làm hồ, vợ ở nhà nuôi bò cùng với 3 con nhỏ ăn học, phải sinh sống trên phần đất người thân cho ở nhờ.

Năm 2011, gia đình chị được Hội ND TP.HCM xây tặng nhà tình thương để ổn định cuộc sống. Tiếp đó, Hội ND xã giới thiệu cho chị vay vốn 30 triệu đồng để phát triển kinh tế. Chị Thúy mạnh dạn mua 2 con bò sữa và 1 con heo nái để chăn nuôi.

Dần dần xây dựng được nguồn thu nhập, chị tích cực tham gia công tác hội ND ngay tại địa phương. Chồng chị cùng gánh vác công việc gia đình và hỗ trợ lại các thành viên khác tại địa phương. Đến năm 2015 gia đình chị thoát nghèo bền vững.

Không chỉ hỗ trợ vốn sản xuất, Chương trình “Tết làm điều hay” còn thực hiện nhiều nội dung khác nhằm chăm lo đầy đủ hơn cho đời sống hội viên ND nghèo.

Điển hình như trường hợp ông Trần Minh Trang (quận Thủ Đức) một mình nuôi 4 con gái ăn học. Vợ mất, bản thân ông không nghề nghiệp, tài sản chỉ có vài chục gốc mai, ông Trang chỉ mong đủ sức bươn chải nuôi con ăn học. Các năm qua, con của ông Trang thường xuyên nhận được phần quà từ Quỹ học bổng Lương Định Của. Không phụ lòng giúp đỡ, 4 cô con gái của ông đều là học sinh giỏi nhiều năm liền.

Tiến tới giảm nghèo đa chiều

Qua 10 năm tổ chức thực hiện, Chương trình “Tết làm điều hay” đã vận động được nguồn hỗ trợ gần 80 tỷ đồng để chăm lo cho 45.260 lượt ND nghèo và cận nghèo. Theo bà Nguyễn Thị Lệ - Trưởng ban Dân vận Thành ủy TP.HCM, “Tết làm điều hay” là chương trình an sinh xã hội góp phần cùng thành phố xây dựng nông thôn mới và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Suốt 10 năm qua, Hội ND thành phố đã thực hiện nhiều chương trình, hoạt động ý nghĩa, không chỉ hỗ trợ vốn làm ăn mà còn giúp đỡ con em hội viên có điều kiện cắp sách đến trường, góp phần hoàn thành chương trình phổ cập giáo dục. “Những con số thiết thực, sự đồng hành các mạnh thường quân thời gian qua đã chứng minh ý nghĩa nhân văn và sức sống của chương trình” - bà Lệ nói.

Tình hình kinh tế xã hội TP.HCM các năm tiếp theo còn chưa hết khó khăn. Thống kê cho thấy thành phố vẫn còn hơn 200.000 hộ nghèo và 100.000 hộ cận nghèo đang cần giúp đỡ. Để hoàn thành mục tiêu không còn hộ nghèo của giai đoạn 4, chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020, nhiệm vụ sắp tới còn nhiều khó khăn. Bà Lệ cho rằng thời gian tới, Hội ND thành phố và các tổ chức đoàn thể cần phát huy hơn nữa sáng kiến, hiệu quả Chương trình “Tết làm điều hay” để giúp ND ra sức sản xuất vươn lên làm giàu, thoát nghèo chính đáng; giúp thành phố hoàn thành công tác an sinh xã hội.

Ông Trần Trường Sơn - Phó Chủ tịch Hội ND thành phố cho rằng yếu tố quan trọng giúp chương trình thành công là Hội ND thành phố đã bước đầu phát huy được nội lực trong hệ thống Hội; sự đóng góp tích cực của cán bộ hội viên, nhất là các ND sản xuất giỏi trong công tác chăm lo cho thành viên nghèo.

Bên cạnh các thành quả đạt được, chương trình cũng còn gặp một số khó khăn, kinh phí vận động từ cấp hội cơ sở còn thiếu thốn. “Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức đối tượng được chăm lo chưa thường xuyên dẫn đến không ít trường hợp còn ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ từ chương trình và chính quyền địa phương” - ông Sơn chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem