10 năm thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị, các công ty lâm nghiệp hoạt động ra sao?

P.V Thứ sáu, ngày 04/10/2024 18:48 PM (GMT+7)
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả của các công ty nông, lâm nghiệp, tính đến tháng 9/2024, vẫn còn 54/169 (32%) công ty lâm nghiệp chưa hoàn thành sắp xếp, đổi mới.
Bình luận 0

Nhiều công ty lâm nghiệp là đầu tàu liên kết

Là một trong những địa phương có số lượng các công ty lâm nghiệp thuộc diện sắp xếp, đổi mới khá lớn, đến nay, sau gần 10 năm thực hiện Phương án tổng thể về sắp xếp, đổi mới các công ty nông lâm nghiệp được Thủ tướng phê duyệt tại Công văn số 1832/TTg-ĐMDN ngày 15/10/2015, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có 15 công ty TNHH MTV lâm nghiệp thuộc thuộc diện sắp xếp, đổi mới. Trong đó, có 6 công ty TNHH MTV lâm nghiệp thuộc diện duy trì, củng cố, Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; 1 công ty TNHH MTV Lâm nghiệp chuyển thành Ban quản lý rừng phòng hộ; 8 công ty TNHH MTV Lâm nghiệp chuyển đổi thành công ty TNHH hai thành viên. Sau chuyển đổi, sắp xếp, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk còn 13 công ty TNHH một thành viên, hai thành viên lâm nghiệp. 

Tuy nhiên, báo cáo tại Hội thảo "Giải pháp đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động và quản lý sử dụng đất đai trong các công ty lâm nghiệp” vừa được Bộ NNPTNT và Hội Khoa học Kinh tế NNPTNT phối hợp tổ chức, đại diện Sở NNPTNT tỉnh Đắk Lắk thừa nhận một thực tế, phần lớn các công ty lâm nghiệp sau sắp xếp, đổi mới chưa có sự chuyển biến về cơ chế quản lý, phương thức hoạt động sản xuất kinh doanh, chưa phát huy được tính chủ động trong các hoạt động sản xuất kinh doanh. Hoạt động của các công ty chủ yếu dựa vào nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ cho công tác quản lý bảo vệ rừng, doanh thu từ sản xuất rừng trồng không đáng kể do thiếu vốn đầu tư, giá bán sản phẩm gỗ rừng trồng thấp.

Tình trạng người dân địa phương, người dân di cư ngoài kế hoạch xâm canh, lấn, chiếm sử dụng đất rừng của các Công ty Lâm nghiệp để trồng cây lâu năm, cây hàng năm và làm nhà ở vẫn còn xảy ra, tình hình ngày càng phức tạp, khó xử lý.

Báo cáo của Cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT) cho thấy, tính đến hết tháng 9/2024, đã có 115/169 (đạt 68%) công ty lâm nghiệp hoàn thành sắp xếp, đổi mới tại các địa phương, tập đoàn, tổng công ty và các đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng; còn lại 54/169 (32%) công ty lâm nghiệp chưa hoàn thành sắp xếp, đổi mới. 

10 năm thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị, các công ty lâm nghiệp hoạt động ra sao? - Ảnh 1.

Toàn cảnh Hội thảo "Giải pháp đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động và quản lý sử dụng đất đai trong các công ty lâm nghiệp” vừa được Bộ NNPTNT và Hội Khoa học Kinh tế NNPTNT phối hợp tổ chức.

Sau khi sắp xếp, công tác quản lý đất, bảo vệ rừng có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự, bảo đảm quốc phòng an ninh, nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn hoạt động, giữ ổn định quỹ đất của địa phương phục vụ phát triển kinh tế xã hội.

Các công ty lâm nghiệp cũng quan tâm đến việc chế biến lâm sản, một số công ty lâm nghiệp đã xây dựng nhà máy viên nén năng lượng xuất khẩu. Điển hình như Công ty lâm nghiệp Cẩm Phả (Quảng Ninh) đầu tư cơ sở chế biến dăm gỗ nguyên liệu giấy xuất khẩu cho Tổng công ty giấy DAIO (Nhật Bản) với công suất 50 tấn gỗ tươi/giờ. Nhờ có chế biến nên doanh thu của công ty tăng nhanh. Năm 2010, doanh thu chỉ được 42 tỷ đồng, năm 2011 là 166 tỷ đồng, năm 2022 doanh thu lên tới 228 tỷ đồng, bằng 5,4 lần so với năm 2010. 

Theo ông Triệu Văn Lực, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, nhiều doanh nghiệp đã chủ động liên kết với người trồng rừng sản xuất trồng rừng gỗ lớn, có chứng nhận quản lý rừng bền vững (FSC/PEFC) có sự hợp tác, liên kết theo chuỗi từ người trồng rừng (đối tượng nhận khoán), đến công ty lâm nghiệp (chủ rừng), người chế biến (các công ty lâm nghiệp có chế biến), doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ đến người tiêu thụ sản phẩm đồ gỗ. 

Một số mô hình liên kết theo chuỗi trồng rừng gỗ lớn, có chứng nhận quản lý rừng bền vững điển hình như mô hình liên kết giữa Công ty Woods land với 5 công ty lâm nghiệp Tuyên Quang về trồng rừng gỗ lớn, có chứng nhận FSC; liên kết trồng rừng tại các công ty lâm nghiệp tỉnh Quảng Trị có chứng chỉ để sản xuất đồ mộc xuất khẩu của IKEA.

"Trong số các công ty lâm nghiệp đã xây dựng và thực hiện phương án quản lý rừng bền vững, có nhiều công ty đã được các tổ chức quốc tế cấp chứng chỉ. Đến nay các công ty lâm nghiệp được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững khoảng 140.000ha, chiếm khoảng 27% diện tích rừng có chứng chỉ của cả nước trong khi diện tích rừng trồng chỉ chiếm hơn 300.000ha. Diện tích rừng của các công ty lâm nghiệp được cấp chứng chỉ trong thời gian tới sẽ còn tăng lên, bao gồm cả rừng trồng và rừng tự nhiên", ông Lực nói.

10 năm thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị, các công ty lâm nghiệp hoạt động ra sao? - Ảnh 2.

Nhiều công ty lâm nghiệp liên kết với nông dân mở rộng diện tích trồng rừng gỗ lớn. Ảnh: T.L

Tiếp tục đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới hoạt động của các công ty lâm nghiệp

TS. Vũ Mạnh Hùng (Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp và PTNT - Ban Kinh tế Trung ương) đánh giá, dù đã đạt được một số kết quả những việc sắp xếp, đổi mới mô hình hoạt động của các công ty lâm nghiệp diễn ra chậm, không bảo đảm tiến độ sắp xếp. Tính đến tháng 9/2024, vẫn còn 54/169 (32%) công ty lâm nghiệp chưa hoàn thành sắp xếp, đổi mới.

Đáng chú ý, trong thời gian từ năm 2018 đến nay, chỉ có thêm 1 công ty hoàn thành nhiệm vụ sắp xếp, đổi mới, các công ty còn lại vẫn lúng túng trong việc xác định mô hình sắp xếp, đổi mới.

Việc quản lý, sử dụng đất đai có nguồn gốc từ lâm trường còn bộc lộ nhiều yếu kém, nguồn lực đất đai chưa thực sự phát huy hiệu quả, tình trạng sử dụng quỹ đất của Nhà nước để cho thuê, cho mượn, liên doanh liên kết, khoán trắng vẫn tiếp diễn; tình trạng sử dụng đất không đúng đối tượng, không đúng mục đích vẫn còn xảy ra khá phổ biến; tình trạng lợi dụng ranh giới giữa rừng sản xuất là rừng trồng với rừng tự nhiên, rừng đặc dụng và rừng phòng hộ không rõ ràng để khai thác rừng không đúng pháp luật còn thường xuyên xảy ra.

Việc lấn chiếm, tranh chấp đất đai; mua bán hợp đồng giao khoán thực tế là chuyển nhượng đất đai, xây dựng nhà ở, công trình ở kiên cố trong phần đất được giao khoán nhất là tại vùng đất có giá trị, thuận lợi đi lại, ven đô thị, khoán trắng không quản lý được đất; tự tách thửa, mua đi bán lại nhiều lần... chưa được khắc phục và vẫn có nguy cơ tiếp diễn và gia tăng.

Sau khi sắp xếp lại, phần lớn các công ty chưa có sự thay đổi về cơ chế hoạt động, chưa tạo sự chuyển biến căn bản về phương thức tổ chức quản lý và quản trị doanh nghiệp; sản xuất kinh doanh thiếu tự chủ, lúng túng trong việc tổ chức hoạt động theo cơ chế thị trường, chưa gắn kết chặt chẽ với công nghiệp chế biến và thị trường theo chuỗi giá trị hàng hóa; việc mở rộng sản xuất kinh doanh, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất và đầu tư thâm canh còn hạn chế do thiếu vốn. Hiệu quả sản xuất kinh doanh chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế sẵn có, mức nộp ngân sách hàng năm đạt thấp.

Từ thực tế đó, ông Triệu Văn Lực kiến nghị các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật chính xác và kịp thời tới từng hộ gia đình nhận khoán về các nội dung liên quan đến chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đặc biệt là Nghị quyết 30-NQ/TW cũng như Kết luận số 82-KL/TW về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty lâm nghiệp. 

Khẩn trương hoàn thành việc rà soát ranh giới, cắm mốc giới, đo đạc, lập bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, lập hồ sơ địa chính; rà soát, phê duyệt phương án sử dụng đất của các công ty lâm nghiệp giữ lại trên cơ sở xác định rõ vị trí, ranh giới, diện tích đất theo từng loại đất, hình thức, thời hạn sử dụng đất. Hoàn thiện hồ sơ giao đất, cho thuê đất và rừng theo hướng đảm bảo cân đối giữa mô hình quản trị doanh nghiệp, mô hình sản xuất, nguồn lực lao động với diện tích đất giữ lại, mang lại nguồn thu tương xứng cho ngân sách, có tính đến đặc thù tối tượng sử dụng là người dân tại chỗ, đồng bào dân tộc ở vùng sâu, vùng xa.

TS.Hà Công Tuấn - Nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ NNPTNT, Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn cho rằng, cần tăng cường thanh, kiểm tra, hướng dẫn và chỉ đạo tổ chức thực hiện, nhất là về quản lý sử dụng đất, lập bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; xử lý các trường hợp cho thuê, cho mượn, lấn chiếm, tranh chấp, liên doanh liên kết, hợp tác đầu tư và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai; lập phương án quy hoạch, kế hoạch quản lý, sử dụng đất của các công ty nông lâm nghiệp khi trả về địa phương.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem