1. Khiến con luôn sợ hãi nhưng vẫn phải yêu mình vô điều kiện
Trong những gia đình này, trẻ sẽ học cách để hiểu và lựa theo tâm trạng của cha mẹ mình qua những hành động rất nhỏ, dù chỉ là tiếng bước chân hay âm thanh phát ra khi sử dụng đồ đạc trong nhà. Từ đó, trẻ luôn sống trong sợ hãi, nơm nớp, dè chừng. Về phía cha mẹ, họ sẽ luôn cho rằng mình làm tất cả cho con và con cái phải biết ơn mình.
2. Bắt con đối phó với những vấn đề như người lớn nhưng không cho quyền như người lớn
Trong nhiều gia đình, cha mẹ thường chia sẻ trách nhiệm của họ với con cái. Ví dụ, khiến con nghĩ rằng vì chúng có hành vi không tốt khiến cho người cha chán nản, buồn bã mà tìm đến rượu. Ngoài ra, trẻ cũng bị kéo vào những chuyện của người lớn, buộc con nghe những lời than vãn, phàn nàn. Tuy nhiên, trong những trường hợp này, trẻ lại không có quyền bày tỏ ý kiến của mình.
3. Không bao giờ thỏa mãn với những cố gắng và thành tích của con
Thái độ sai lầm này của cha mẹ nhiều khi có thể hủy hoại cả cuộc đời con trong tương lai. Những cha mẹ này luôn mong đợi con đạt thành tích ở mức cao nhất nhưng lại luôn coi nỗ lực và thành quả này là điều bình thường. Chính điều này khiến trẻ nghĩ rằng mình luôn là một sự thất vọng với cha mẹ.
4. Yêu cầu con mở lòng nhưng lại chế nhạo những chia sẻ ấy
Sai lầm của cha mẹ là buộc trẻ phải thành thật thậm chí khiến con cảm thấy tội lỗi nếu chúng không chia sẻ cảm xúc với mình, tuy nhiên sau đó lại đem những chuyện con tâm sự ra để mắng mỏ hoặc chế nhạo con hoặc đi kể hết với nhiều người khác. Hành động này ảnh hưởng rất lớn tới tâm lý của một đứa trẻ.
5. Chê con nhưng không giúp con trở nên tốt hơn
Lòng tự trọng của trẻ càng thấp thì việc kiểm soát chúng càng trở nên dễ dàng hơn, đó là suy nghĩ cực kỳ tai hại. Những bậc cha mẹ như vậy luôn nói về những thất bại của con nhưng lại không muốn thấy con thử sức với những cái điều mới mẻ để thay đổi bản thân. Cách hành xử này sẽ khiến con ngày càng tự ti.
6. Muốn con thành công nhưng không được quyết định tương lai của mình
Cha mẹ muốn con thành công nhưng không quan tâm con sẽ làm như thế nào. Ví dụ họ mong muốn con xây dựng sự nghiệp, nhưng không được xa nhà.
Những bậc phụ huynh như vậy chỉ quan tâm đến thành công của con vì hai lý do: thứ nhất, họ thích khoe con giỏi giang để người khác ghen tị; thứ hai, họ tin rằng con thành công sẽ đảm bảo cuộc sống tốt hơn cho họ.
7. Bắt con nghe theo mình nhưng lại đổ lỗi cho con nếu thất bại
Trong trường hợp này, cha mẹ đối xử với con mình như một món đồ: họ lập kế hoạch của riêng mình và mong đợi con cái phải nghe theo. Họ cũng không quan tâm đến hậu quả của việc luôn kiểm soát con cái. Tuy nhiên, nếu có vấn đề không như ý thì họ lại đổ lỗi cho con.
8. Không cho con ra ở riêng nhưng luôn khiến con có cảm giác ở nhờ
Trong những gia đình tâm lý, cha mẹ sẽ giúp con cái tự lập, rời nhà và sống cuộc sống riêng của mình. Nhưng những cha mẹ có cách hành xử sai lầm thì không muốn con ra khỏi nhà, tuy nhiên luôn nhấn mạnh nhà, tiền, đồ ăn là của họ. Con không có quyền phản đối hay lựa chọn vì đang sống dựa vào họ. Điều mà các bậc phụ huynh này muốn là những đứa con ngoan ngoãn luôn ở bên cạnh và nghe lời họ.
9. Buộc con nhận sự giúp đỡ và luôn nhắc lại
Không phải lúc nào con cái cũng cần sự giúp đỡ của cha mẹ nhưng nhiều khi, các bậc phụ huynh lại áp đặt con mình phải nhận mà không cho phép khước từ. Tuy nhiên, sau đó họ sẽ luôn nhắc nhở con về “món nợ” đó.
10. Muốn con tin tưởng nhưng luôn xâm phạm khoảng trời riêng của con
Với những cha mẹ như vậy, nếu con họ có không gian riêng họ sẽ coi đó là con không tin tưởng họ. Nhưng bản thân họ lại luôn xâm phạm riêng tư của con, không tôn trọng cuộc sống và những quyết định cá nhân của con.
Bạn có thể dành 30 phút để nấu ăn, 15 phút để đọc sách, vài giây để hôn tạm biệt con, nhưng nắm vững 3 phút “thần...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.