10 sự kiện quốc tế nổi bật năm 2011

Thứ bảy, ngày 24/12/2011 06:50 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Thảm họa động đất gây sóng thần ở Nhật, nhà lãnh đạo Libya bị lật đổ, trùm khủng bố Bin Laden bị tiêu diệt, cuộc khủng hoảng nợ công ở Eurrozone… là những sự kiện quốc tế nổi bật trong năm 2011.
Bình luận 0

1. Trùm khủng bố Osama bin Laden bị tiêu diệt

Đêm 30.4 rạng sáng 1.5, lực lượng đặc nhiệm Mỹ đã sử dụng máy bay trực thăng để đột nhập vào khu nhà ở của Bin Laden ở Abbottabad.

Theo lời kể của một số lính đặc nhiệm tham gia cuộc đột kích, Bin Laden và toán cận vệ mang vũ khí đã chống trả lực lượng đột nhập. Y đã bị bắn vào đầu và chết ngay tại chỗ. Cùng chết với trùm khủng bố còn có người vợ trẻ và các con trai của y. Cuộc đột kích diễn ra chỉ trong 40 phút, không người Mỹ nào bị thương, không thường dân Pakistan nào bị ảnh hưởng.

Đối với nước Mỹ, cái chết của Bin Laden có ý nghĩa rất to lớn: Những cái chết oan uổng vào ngày 11.9.2001 cuối cùng đã tìm được công lý; gần 10 năm săn lùng ráo riết, rốt cuộc nước Mỹ cũng đã hạ được "kẻ thù số 1" của mình. Người Mỹ tin rằng sau cái chết của Bin Laden, cuộc chiến chống khủng bố tuy vẫn tiếp diễn nhưng sẽ thuận tiện hơn, dễ dàng hơn.

2. Thảm họa kép động đất kèm sóng thần ở Nhật Bản

Một trận động đất mạnh 8,9 độ richter xảy ra ngoài khơi Nhật Bản ngày 11.3.2011. Trận động đất đã gây ra sóng thần lan dọc bờ biển Thái Bình Dương của Nhật Bản và ít nhất 20 quốc gia, bao gồm cả bờ biển phía Tây của Bắc và Nam Mỹ. Sóng thần cao đến 38,9m đã đánh vào Nhật Bản chỉ vài phút sau động đất, tại một vài nơi sóng thần tiến vào đất liền 10km.

img
Thảm họa động đất, sóng thần ở Nhật Bản.

Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản đã chính thức xác nhận có 15.840 người thiệt mạng, 5.950 người bị thương và 3.642 người mất tích tại 18 tỉnh của Nhật Bản và hơn 125.000 công trình nhà ở bị hư hại hoặc phá hủy hoàn toàn.

3. Mùa xuân Ả Rập ở Tunisia và Ai Cập

Cuộc nổi dậy lật đổ Tổng thống Zine el Abidine Ben Ali ở Tunisia vào đầu năm nay đã kích động phong trào Mùa xuân Ả Rập, một làn sóng các cuộc biểu tình đòi hỏi dân chủ và thay đổi chế độ tại các nước Trung Đông và Bắc Phi.

Tại Ai Cập, Tổng thống Hosni Mubarak cũng đã bị truất phế hồi tháng 2.2011 sau hơn bốn thập niên cầm quyền. Và ngày 28.11 vừa qua, khoảng 50 triệu cử tri nước này đã đi bỏ phiếu để bầu ra một quốc hội mới.

4. Cuộc khủng hoảng nợ công của Liên minh Châu Âu

Khủng hoảng nợ công châu Âu là một cuộc khủng hoảng nợ công với điểm bùng nổ đầu tiên là Hy Lạp vào đầu năm 2010 khi chi phí cho các khoản nợ Chính phủ liên tục tăng lên; cụ thể lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 2 năm của Hy Lạp liên tục tăng cao từ 3,47% vào tháng 01 năm 2010, lên 9,73% tháng 7 năm 2010, và nhảy vọt lên 26,65%/năm ở tháng 7 năm 2011.

Năm 2011, cuộc khủng hoảng sau đó đã lan sang Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và tiếp theo là Italia trong khu vực euro. Pháp đang là quốc gia có nhiều nguy cơ tụt hạng tín dụng. Cuộc khủng hoảng này cũng đã khiến Thủ tướng Italia Silvio Berlusconi phải ra đi vào ngày 12.11, sau 17 năm thống trị chính trường quốc gia hình chiếc ủng này.

5. Nhà lãnh đạo Muammar Gadhafi bị lật đổ ở Libya

Bốn thập kỷ cầm quyền của nhà lãnh đạo Libya Muammar Gadhafi kết thúc một cách ghê rợn vào ngày 20.10.2011. Cuộc không kích đều đặn của NATO đã cho phép quân nổi dậy tiến chiếm thủ đô Tripoli, khiến Gadhafi và những người trung thành phải rút về cố thủ tại thành phố quê hương Sirte. Vào ngày 20.10, sau khi bị phát hiện đang trốn trong một cống rác, ông Gadhafi bị quân nổi dậy bắt giữ và giết chết.

6.Vụ thảm sát Utoeya

Vào ngày 22.7, Na Uy trải qua một trong những vụ bộc phát bạo lực đẫm máu nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai. Tại Oslo, một chiếc xe bom phát nổ gần các tòa nhà chính phủ, làm thiệt mạng 8 người và gây sửng sốt người dân Na Uy, những người chứng kiến từng cột khói bốc lên từ trung tâm thủ đô. Mọi chuyện càng trở nên kinh hoàng với tin tức một tay súng bắn chết 69 người vốn đang tham gia một hội trại hè của giới trẻ do Đảng Lao động cầm quyền tổ chức trên đảo Utoeya. Hung thủ là Anders Behring Breivik, một kẻ cuồng tín cực hữu 32 tuổi.

7.Phong trào biểu tình chiếm phố Wall

Phong trào biểu tình "Chiếm phố Wall" bắt đầu ở Mỹ ngày 17.9 và đến nay tiếp tục lan khắp các nước trên 4 châu lục, với sự tham gia của hàng nghìn người bất chấp những vụ bắt giữ ngày một nhiều hơn. Người biểu tình kêu gọi chính trị gia lắng nghe người dân, thay vì chỉ lắng nghe giới chủ ngân hàng.

8. Nạn đói ở vùng Sừng châu Phi

Vào tháng 7, Liên Hợp Quốc đã tuyên bố nạn đói tại phần lớn khu vực phía nam Somalia. Hàng trăm người chịu nạn đói ở Somalia đã chạy đến các trại tị nạn ở biên giới Kenya. Các nỗ lực cứu trợ tại miền nam Somalia trở nên phức tạp bởi sự thống trị của nhóm al-Shabab, một nhóm Hồi giáo cực đoan có liên hệ đến al-Qaeda. Trong khi Liên Hợp Quốc đắn đo với việc cung cấp chính xác số người chết đói, một số ước lượng cho biết con số này là hàng chục ngàn người.

9. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong il qua đời

Ngày 17.12, Chủ tịch CHDCND Triều Tiên Kim Jong il đã qua đời sau một cơn đau tim khi đang trên tàu hỏa đi thị sát khu vực quanh Bình Nhưỡng. Đây là sự kiện quan trọng không chỉ đối với nhân dân Triều Tiên mà cả thế giới đều đổ dồn sự quan tâm đến việc ai sẽ kế nhiệm ông khi việc chuyển giao quyền lực không kịp diễn ra trước khi ông qua đời. Tuy nhiên sau đó, truyền thông nước này thông báo, con út của ông Kim là Kim Jong un đã được giao trọng trách lãnh đạo đất nước, kế thừa những thành quả của ông nội là nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành và người cha Kim Jong il để lại.

10. Mỹ kết thúc chiến tranh Iraq

Ngày 18.12, Mỹ đã chính thức ký văn kiện kết thúc cuộc chiến tranh mà nước này phát động và kéo dài suốt 9 năm qua tại Iraq. Khoảng 1,5 triệu lính Mỹ đã tham chiến ở đây. Trước ngày 31.12 tới, toàn bộ lính Mỹ sẽ rút hết khỏi Iraq và chỉ để lại khoảng 200 cố vấn. Nhưng Đại sứ quán Mỹ tại Iraq có tới 15.000 nhân viên, là đại sứ quán lớn nhất của Mỹ ở nước ngoài.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem