10 VĐV vĩ đại nhất trong lịch sử Olympic (phần 1)

Thứ năm, ngày 28/07/2016 13:30 PM (GMT+7)
Họ là những huyền thoại. Họ là những gương mặt tiêu biểu cho lịch sử 120 năm phát triển của sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh. Rất nhiều VĐV sau này, được truyền cảm hứng từ họ, tiếp tục đến các kỳ Thế vận hội để đề cao tinh thần thượng võ, tinh thần Olympic ra toàn thế giới, từ đời này sang đời khác. Họ là 10 tấm gương sáng sẽ sống mãi trong lịch sử thể thao nói chung và lịch sử Olympic nói riêng.
Bình luận 0

1 - Michael Phelps (bơi lội, 18 HCV, từ 2004-2012)

img

Michael Phelps.

Từng thắng 6 HCV ở Olympic Athens 2004, 8 HCV ở Olympic Beijing 2008 (phá kỷ lục sở hữu 7 HCV trong một kỳ Olympic duy nhất của Mark Spitz) và 4 HCV ở Olympic London 2012, “siêu kình ngư” Michael Phelps chính là VĐV vĩ đại nhất trong lịch sử Thế vận hội. Anh đang sở hữu 18 HCV, kỷ lục “vô tiền khoáng hậu” về số HCV được nắm giữ bởi một VĐV tại các kỳ Olympic, đó là chưa kể 2 tấm HCB và 2 tấm HCĐ. Phelps cũng đang là đương kim kỷ lục gia thế giới trong các cự ly bơi 100m bướm, 200m bướm, và 400m cá nhân hỗn hợp. Vì những thành tích quá tuyệt vời, Phelps từng được bầu chọn là “Kình ngư của thế giới trong năm” đến 7 lần, và có 9 lần được bầu chọn là “Kình ngư của nước Mỹ trong năm”. Chắc chắn, thành tích của Phelps sẽ không dừng lại ở đó, rất có thể anh sẽ trở thành VĐV đầu tiên chạm cột mốc 20 HCV vì anh vẫn còn một kỳ Thế vận hội cuối cùng để tranh tài – Olympic Rio de Janeiro 2016.

2 - Larisa Latynina (thể dục dụng cụ, 9 HCV từ 1956-1964)

Thành công của Larisa Latynina (ảnh) gắn liền với những năm tháng hoàng kim của thể thao Liên Xô cũ, khi chính họ chứ không phải ai khác là người thách thức thể thao Mỹ ở nhiều kỳ Olympic liên tiếp nhau. Latynina đã thắng 9 HCV trong các nội dung thi đấu cá nhân. Ngoài ra, bà còn thắng 9 huy chương khác, sở hữu kỷ lục thắng 18 HCV trong lịch sử Olympic và kỷ lục đó của bà đã tồn tại trong suốt 48 năm, chỉ bị phá vỡ bởi “hậu sinh khả úy” Michael Phelps ở Olympic London 2012. Thắng những tấm HCV đầu tiên từ Olympic Melbourne 1956 (4 HCV), bà dần trở thành một tượng đài trong môn thể dục dụng cụ, là niềm tự hào của thể thao Liên Xô.

3 - Parvo Nurmi (điền kinh, 9 HCV từ 1920-1928)

Là một huyền thoại trong các cự ly chạy trung bình và chạy dài trong làng điền kinh thế giới đầu những năm 20 của thế kỷ 20, Parvo Nurmi được mệnh danh là “Người Phần Lan bay” vì năng lực “chạy như bay” trên đất bằng và ưu thế áp đảo của ông so với những đối thủ còn lại trong các cự ly thi đấu. Cụ thể, Nurmi “bất khả chiến bại” trong 121 cuộc đua ở các cự ly từ 800m trở lên và cũng là “độc cô cầu bại” trong các cự ly chạy 10.000m và chạy băng đồng trong suốt sự nghiệp. Ông đã thắng 3 HCV, 1 HCB ở Olympic Antwerp 1920, thắng 5 HCV ở Olympic Paris 1924 và thắng 1 HCV, 2 HCB ở Olympic Amsterdam 1928. Nurmi từng lập 22 KLTG trong các cự ly từ 1.500m đến 20 km, và đó là kỷ lục đáng sợ. Đến thời điểm này, ông vẫn là một huyền thoại thật sự trong điền kinh với năng lực thi đấu ở quá nhiều cự ly khác nhau mà vẫn chiếm ưu thế áp đảo so với những đối thủ còn lại.

4 - Mark Spitz (bơi lội, 9 HCV từ 1968-1972)

Mark Spitz là niềm tự hào của bơi lội Mỹ trong nhiều năm trời, và đến khi Michael Phelps xuất hiện, giới mộ điệu bơi lội Mỹ mới thở phào khi tin rằng, ông đã có được “truyền nhân” xứng đáng cho sự nghiệp lừng lẫy của mình. Trong suốt sự nghiệp thi đấu ở đấu trường Olympic, Spitz đã thắng 9 HCV, 1 HCB và 1 HCĐ từ Olympic Mexico City 1970 cho đến Olympic Munich 1972. Đặc biệt, chỉ tính riêng ở Olympic Munich 1972, ông đã thắng đến 7 HCV và trở thành người đầu tiên có được 7 HCV ở một kỳ giải Olympic duy nhất. Thành tích đó đã đứng vững trong suốt 35 năm và chỉ bị phá vỡ bởi “hậu sinh khả úy” Phelps ở Olympic Beijing 2008. Tại Olympic Munich 1972, ngoài sự kiện các VĐV Israel bị khủng bố đẫm máu bởi những tay súng đến từ Palestine, việc Spitz giành 7 HCV cũng là một sự kiện cực kỳ đáng nhớ.

5 - Carl Lewis (điền kinh, 9 HCV từ 1984-1996)

Điền kinh thời xưa là sân chơi độc tôn của người Mỹ, đặc biệt trong các cự ly chạy nước rút. Người Mỹ từng rất tự hào về huyền thoại Carl Lewis giống như ở thời điểm hiện tại, người Jamaica tự hào về Usain Bolt. Tuy nhiên, có thể nói rằng, Lewis còn lợi hại hơn Bolt vì ông tham gia không chỉ nội dung chạy mà còn là một chuyên gia lợi hại trong môn nhảy xa. Ngày nay, chạy nước rút và nhảy xa là 2 môn đấu tách biệt rạch ròi, những người như Lewis không còn tồn tại. Lewis lần lượt thắng 4 HCV ở Olympic Los Angeles 1984, 2 HCV ở Olympic Seoul 1988 (trong đó có chiến thắng ở cự ly 100m sau khi Ben Johnson bị phát hiện sử dụng chất kích thích), 2 HCV ở Olympic Barcelona 1992 và HCV cuối cùng ở Olympic Atlanta 1996. Lewis từng được bầu chọn là “Nhà thể thao của thế kỷ” và “VĐV Olympic của thế kỷ…

Đỗ Hoàng (Sài Gòn Giải Phóng)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem