1.001 lý do ngộ độc thuốc trừ sâu ở vùng cao

Kiều Thiện Thứ sáu, ngày 15/07/2016 13:00 PM (GMT+7)
Cô gái 16 tuổi uống thuốc sâu tự tử do ức chế chuyện yêu đương; cháu nhỏ 2 tuổi uống nhầm thuốc diệt cỏ do gia đình bất cẩn, dùng vỏ chai thuốc sâu đựng nước uống... là 1.001 lý do dẫn đến tình trạng ngộ độc thuốc trừ sâu ở vùng cao, kéo theo hậu quả, thiệt hại khôn lường.
Bình luận 0

“Những năm gần đây, tình trạng ngộ độc thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trên địa bàn gia tăng nhanh cả về số lượng và mức độ nguy hiểm. Có năm, chúng tôi phải cấp cứu tới cả trăm trường hợp, hầu hết là bà con dân tộc thiểu số”  - bác sĩ chuyên khoa I, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Mộc Châu (Sơn La) Khuất Thanh Bình cho biết.

“Dùng thuốc” quá đa dạng

img

Nông dân xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ, Sơn La sử dụng thuốc diệt cỏ trong vườn nhưng không đeo khẩu trang, đội mũ. K.T

Trong phòng điều trị của Khoa Hồi sức cấp cứu (HSCC) – Nhi thuộc Bệnh viện Đa khoa Mộc Châu, bệnh nhân Vì Thị Quyết đang mong đến ngày được ra viện. Bác sĩ Phạm Thị Hường - Phó Trưởng khoa HSCC - Nhi cho biết: “Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng ngộ độc thuốc BVTV ở mức nặng vào ngày 1.7. Ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhân, chúng tôi đã tập trung cứu chữa, theo dõi chặt chẽ diễn biến sức khỏe người bệnh. Hiện tại, sức khỏe của bệnh nhân đã cơ bản phục hồi”.

Ngượng nghịu kể lại sự trót dại của con gái, chị Lường Thị Tuấn – mẹ bệnh nhân Quyết cho biết: “Cũng tại tôi dại, khi thấy con gái mới 16 tuổi đã yêu đương một chàng trai trong bản, sợ các cháu kết hôn sớm nên tôi đã mắng cháu quá lời; cháu sinh ra ức chế, lấy thuốc diệt cỏ để uống tự tử. Cũng may, chúng tôi kịp phát hiện khi cháu mới uống 2 nắp lọ (tương đương 16-20ml) và đưa ngay vào bệnh viện khi cháu đã hôn mê. Đến giờ, sau 11 ngày nhập viện, cháu đã khỏe lại”.

Được biết, trong 6 tháng đầu năm 2016, Bệnh viện Đa khoa Mộc Châu đã cấp cứu 19 ca ngộ độc thuốc BVTV. Theo các bác sĩ tại bệnh viện, ngoại trừ các ca tự tử, các ca ngộ độc chủ yếu do bảo quản, sử dụng thuốc BVTV không đúng cách. Bác sĩ Hường cho biết thêm: “Các ca ngộ độc xuất hiện nhiều nhất trong khoảng từ tháng 2 đến tháng 9, thời gian bà con làm nương, làm ruộng nhiều và hay sử dụng thuốc BVTV. Rất may các bệnh nhân đều được cứu chữa kịp thời. Tuy vậy, qua theo dõi hàng chục năm nay, chúng tôi nhận thấy tình trạng bệnh nhân nhiễm độc từ thuốc diệt cỏ ngày càng tăng và đa dạng về độ tuổi, nguyên nhân gây nhiễm”.

Cũng theo bác sĩ Hường, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến ngộ độc thuốc BVTV. Có nhà có tới 3-4 cháu nhỏ nhập viện một lúc. Khi tìm hiểu, nguyên nhân do người lớn dùng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ xong không chôn, lấp, tiêu hủy vỏ chai, các cháu thấy chai mang ra đựng nước uống nên ngộ độc. Có gia đình do để thuốc trừ sâu không cẩn thận, trong tầm với của trẻ nhỏ nên các cháu tưởng nước ngọt, lấy ra uống. Đáng chú ý, có tới 60% bệnh nhân đã sử dụng thuốc trừ sâu, trừ cỏ để tự tử, ở cả nam, nữ, trẻ, già. Ngoài ra, cũng không ít người bị nhiễm độc không có chủ ý, là những nông dân khi sử dụng thuốc BVTV đã không tuân thủ các quy định bảo hộ lao động như: Đi găng tay, mặc quần áo bảo hộ lao động, đeo khẩu trang, đi ủng…

Mới đây, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang đã tiếp nhận bệnh nhi Đoàn Thu H (2 tuổi), trú tại Lang Quán, Trung Môn, huyện Yên Sơn do uống nhầm thuốc diệt cỏ. Gia đình bệnh nhi cho biết, do bất cẩn nên đã để cháu uống lọ thuốc diệt cỏ non, kiểm tra miệng thấy có bột thuốc màu trắng. Sau khi phát hiện, gia đình lập tức đưa cháu đến bệnh viện nên đã được cứu chữa kịp thời.

Tăng tuyên truyền, giảm hiểm nguy

img

 Một bệnh nhân ngộ độc thuốc BVTV đang được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Mộc Châu ngày 11.7. Ảnh: K.T

Tình trạng lạm dụng và ngộ độc thuốc BVTV những năm gần đây đang bùng phát không chỉ ở riêng Sơn La mà lan ra cả vùng Tây Bắc. Anh Lò Văn Loan, người dân xã Thanh Nưa (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) tâm sự: “Mấy năm trước, khi tham gia phun thuốc diệt cỏ cho vườn cao su, tôi đã 6-7 lần phải đi cấp cứu vì bị ngộ độc. Sau này hiểu rõ hơn về tác hại của thuốc, mỗi lần phun thuốc trừ cỏ tôi đều sử dụng quần áo bảo hộ lao động, đeo khẩu trang”.

Theo bác sĩ Khuất Thanh Bình, người trực tiếp tham gia cứu chữa hàng trăm ca ngộ độc do ảnh hưởng bởi thuốc BVTV, việc bị ngộ độc thuốc BVTV không chỉ tạo ra hậu quả trực tiếp mà còn gây ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe. Bởi thế, các cấp, ngành cần vào cuộc quyết liệt để nâng cao nhận thức cho người dân. “Khi phát hiện bệnh nhân mới bị nhiễm độc, cần nhanh chóng sơ cứu nạn nhân tại chỗ bằng cách gây nôn, cho uống nhiều nước để gây nôn được nhiều hơn, có thể dùng lông gà ngoáy họng hoặc dùng tay móc họng để đẩy chất độc ra khỏi cơ thể. Tiếp đó, cho nạn nhân uống than hoạt tính (luôn sẵn có ở các cơ sở y tế) để than hấp thu bớt chất độc trong cơ thể rồi chuyển bệnh nhân đến ngay cơ sở y tế gần nhất” - bác sĩ Bình lưu ý.

Theo ông Dương Gia Định – Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV  tỉnh Sơn La, cách tốt nhất để ngăn chặn và giảm thiểu những thiệt hại do thuốc BVTV gây ra ngoài ý muốn con người là các cấp, các ngành, cộng đồng và mỗi cá nhân phải cùng nhau tuyên truyền và nâng cao nhận thức về tác hại của thuốc BVTV, đồng thời chung tay phòng tránh, nói cách khác là công tác tuyên truyền phải đi trước một bước.

Ông Hoàng Trung – Cục trưởng Cục BVTV (Bộ NNPTNT): Hỗ trợ xây dựng các tổ, đội phun thuốc sâu

 Việc buôn bán, sử dụng và bảo quản thuốc BVTV đã được quy định rất chặt chẽ trong Nghị định số 66/2016/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, tất cả các loại thuốc BVTV khi được nhập khẩu về Việt Nam cũng như các loại thuốc sản xuất trong nước phải được bao gói cẩn thận, có nhãn mác rõ ràng. Trên bao bì phải có đầy đủ thông tin như tên thuốc, các hoạt chất, hướng dẫn cách sử dụng, bảo quản… 

Đến nay, các chi cục BVTV đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cách sử dụng thuốc 4 đúng cho nông dân (đúng thuốc, đúng nồng độ liều lượng, đúng lúc, đúng cách) và cách bảo quản thuốc đúng quy định. Thời gian tới, Cục sẽ tham mưu cho Bộ NNPTNT có chính sách hỗ trợ các địa phương xây dựng các tổ, đội phun thuốc trừ sâu. Các tổ, đội trên sẽ được trả một phần kinh phí và hoạt động dưới hình thức phun thuốc sâu thuê cho nông dân với giá rẻ, nhằm giúp bà con học cách dùng đồ bảo hộ khi sử dụng thuốc trừ sâu.

TS Phạm Duệ - Nguyên Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai): Gây họa khi bảo quản không đúng cách 

Thuốc BVTV có 8-9 hoá chất thường gặp, có thể chia các nhóm: Thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, thuốc diệt chuột. Đáng lo ngại là khá nhiều trường hợp người dân để thuốc trừ sâu vào chạn bát, tủ quần áo, đựng trong các chai nước ngọt, nước khoáng khiến trẻ tưởng là đồ ăn, nước uống nên đã sử dụng. Một số thuốc diệt chuột dạng viên có màu sắc, mùi vị hấp dẫn nên trẻ em tưởng là kẹo nhặt ăn và ngộ độc.

Tuỳ từng thuốc BVTV sẽ có các triệu chứng ngộ độc riêng. Trong đó đáng sợ nhất là thuốc trừ cỏ Paraquat. Đây là hoá chất có tác dụng ăn mòn, do đó gây huỷ hoại tế bào phổi, gan, tim dẫn đến suy đa tạng rất nhanh chóng. Tỷ lệ tử vong của các ca ngộ độc Paraquat lên đến 70-90%. Mỗi hoá chất có cách giải độc khác nhau. Do đó, người nhà phải mang theo chai lọ đựng hoá chất để bác sĩ biết và xử lý chính xác. 

Ông Dương Gia Định -  Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt  và BVTV tỉnh Sơn La: Khó kiểm soát cả cung và cầu

Thuốc BVTV hiện nay rất đa dạng và hầu hết đều có độc hại đối với sức khỏe con người, đặc biệt với những loại thuốc trôi nổi, không rõ xuất xứ thì rất khó kiểm soát độc tố. Trên thực tế, cả người bán và người mua đều thường tham rẻ, hiểu biết cũng có hạn nên họ ít quan tâm tới nguồn gốc thuốc cũng như hướng dẫn sử dụng, thường phun thuốc theo kinh nghiệm. Bởi thế, người ta mua-bán thuốc BVTV rất dễ dàng, các điểm mua-bán len lỏi tới tận bản, tận hộ. Không ít người tùy tiện trong khâu quản lý, pha chế, sử dụng thuốc BVTV, vì thế khả năng ngộ độc càng cao hơn.

Nhóm P.V

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem