12 năm học và 1 tháng tự tay đăng ký nguyện vọng, thí sinh trúng tuyển vẫn không muốn nhập học

Tào Nga Thứ tư, ngày 21/09/2022 13:00 PM (GMT+7)
Tự tay đăng ký nguyện vọng nhưng ngay sau khi biết điểm chuẩn trúng tuyển vào các trường, một số thí sinh cho biết muốn bỏ học hoặc năm sau thi lại.
Bình luận 0

Không nhập học vì đỗ không ngành mình thích

Ngay sau khi các trường công bố điểm chuẩn, nhiều thí sinh vui mừng khi biết mình trúng tuyển vào các ngành, các trường đại học mình mong muốn. Tuy nhiên, một số thí sinh lại bày tỏ thất vọng vì cũng đỗ đại học nhưng lại ở những nguyện vọng không yêu thích. Có em đòi bỏ học làm việc khác hoặc năm sau thi lại. 

Em Hà Minh Nguyệt (tên thay đổi) vừa nhận thông báo trúng tuyển nguyện vọng 4 ngành Xã hội học tại một trường đại học ở Hà Nội. Nguyện vọng 1, 2, 3 Nguyệt dành cho Tâm lý học. Tuy nhiên, dù đỗ đại học nhưng Nguyệt không vui, thậm chí không muốn nhập học để năm sau thi lại. 

"Em chỉ thích học Tâm lý học nhưng giờ trượt hết rồi nên em không muốn học ngành khác nữa. Gia đình bảo ngành Xã hội học ở quê khó xin việc", Nguyệt chia sẻ.

12 năm và 1 tháng tự tay đăng ký nguyện vọng, thí sinh trúng tuyển vẫn đòi bỏ học  - Ảnh 1.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Ảnh: Phạm Hưng

Trường hợp khác là em Nguyễn Tuấn Hải đăng ký tới 10 nguyện vọng. Hải cho biết, em thích trường Đại học Kinh tế Quốc dân nên đặt tất cả nguyện vọng vào các ngành của trường và sắp xếp theo thứ tự thấp dần. Nay em nhận thông báo trúng tuyển vào trường nhưng vào ngành học không yêu thích và không biết sẽ nhập học hay năm sau thi lại. 

Điều đáng nói, Bộ GDĐT cho thí sinh 1 tháng đăng ký nguyện vọng và các chuyên gia cũng tư vấn các em nên đặt các nguyện vọng yêu thích của mình lên đầu. Các thí sinh đã có nhiều thời gian suy nghĩ về lựa chọn ngành học, trường học nhưng cuối cùng, có nhiều em lại thất vọng vì đỗ không đúng ngành yêu thích mặc dù tự tay đăng ký.

"Chúng ta đang quá chủ quan và hiểu nhầm về tư vấn hướng nghiệp"

Liên quan đến vấn đề trên, trao đổi với PV báo Dân Việt, PGS. TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay: "Tôi nghĩ, cho thí sinh 1 tháng hay 3 tháng lựa chọn thì tình hình này cũng sẽ xảy ra. Vì năm nay có quá nhiều yếu tố bất định từ quá nhiều phương thức xét tuyển; quá nhiều chương trình đào tạo mới để thí sinh lựa chọn; quá nhiều quảng bá tuyển sinh với những hứa hẹn hấp dẫn về học bổng, cũng quá nhiều chuyên gia hướng nghiệp đưa ra nhận định khác nhau dựa trên góc nhìn của họ… 

Trong khi đó chúng ta vẫn có một lứa học sinh chọn nghề theo dư luận xã hội, chọn các nghề rất truyền thống, có thói quen chọn ngành theo điểm số, chọn ngành chỉ dựa vào những tưởng tượng lãng mạn của mình về tên ngành học chứ không thực sự tìm hiểu những khó khăn và mặt trái của vị trí việc làm khi ra nghề. Ngoài ra, năng lực tự chủ phân tích để ra quyết định nghề nghiệp của các em rất kém. Kỹ năng tìm kiếm thông tin và đọc hiểu thông tin về họa đồ nghề, báo cáo phân tích xu hướng nghề, thông tin đề án tuyển sinh các trường, chỉ tiêu tuyển sinh đều nắm lơ mơ thì việc thay đi đổi lại do tâm lý bị tác động bởi ngoại cảnh là điều đương nhiên".

Theo PGS Nam, chúng ta đang quá chủ quan và hiểu nhầm về tư vấn hướng nghiệp.

"Tư vấn hướng nghiệp phải được xem là một quá trình giúp các em hiểu mình - hiểu trường - hiểu nghề - hiểu nhu cầu xã hội thật sâu sắc, có tầm nhìn về thế giới nghề nghiệp, được trải nghiệm thực tế những ngành lựa chọn ở nhiều vị trí công việc… sau đó nếu còn băn khoăn thì mới tư vấn chuyên gia để cân nhắc đưa ra lựa chọn tốt nhất.

Tuy nhiên thực tế thì chúng ta chưa làm được công tác giáo dục hướng nghiệp cho bài bản. Tổ chức cho học sinh trải nghiệm nghề nghiệp cũng chưa được tốt. Vì vậy, chỉ nghe 1-2 buổi nói chuyện của chuyên gia tư vấn hướng nghiệp sẽ chẳng thể giúp các em hiểu mình - hiểu nghề - hiểu nhu cầu xã hội toàn diện được. Khi đó, càng nghe tư vấn học sinh càng hoang mang hơn mà thôi…

Ngoài ra, bản thân cha mẹ hiện nay không có kiến thức về giáo dục hướng nghiệp. Cha mẹ vẫn hướng nghiệp con vào những ngành nghề liên quan đến kinh tế hay vì giá trị bề nổi của nghề, hướng con vào nghề mình quen biết, có quan hệ để bảo đảm đầu ra công việc, gây áp lực cho con bằng việc nếu không nghe lời thì tự lo, tự chịu trách nhiệm…

Vì vậy, lựa chọn trường năm nay chẳng khác gì ví dụ ẩn dụ sau. Một đứa trẻ vốn quen được nuôi dạy theo phong cách bố mẹ chỉ dẫn, con vâng lời, không có ý kiến, mua cái áo bố mẹ cũng chỉ cho lựa chọn hoặc là cái đỏ hoặc là cái xanh. Bỗng một ngày đưa con vào siêu thị, giữa một rừng trang phục yêu cầu con tự chọn lấy 1 bộ mà mình thích, chọn mà không thích thì tự chịu trách nhiệm. Trong hoàn cảnh như vậy, sẽ có nhiều em đưa ra quyết định là không chọn cái nào cả… chỉ vì sợ trách nhiệm.

Ngoài ra, việc năm nay không giới hạn đăng ký nguyện vọng cũng là vấn đề. Với 3-4 nguyện vọng đầu các bạn sẽ cân nhắc nhưng từ nguyện vọng 5-10 trở đi sẽ... chọn đại. Vì thế khi đỗ nguyện vọng 6-7 trở lên, các em sẽ chán và bỏ không theo học".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem