1300 tỷ đồng xây dựng loạt dự án truyền tải điện quan trọng

P.V Thứ năm, ngày 28/12/2017 15:14 PM (GMT+7)
Vừa qua, Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung (CPMB) cùng với các nhà thầu thi công, chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan đã tiến hành khởi công một loạt dự án truyền tải điện quan trọng theo kế hoạch năm 2017.
Bình luận 0

Tăng cường độ cung cấp điện

Đó là các dự án đường dây 220 kV Bình Long-Tây Ninh, đường dây 220 kV Nha Trang-Tháp Chàm và Trạm biến áp( TBA) 220 kV Quang Châu.

Dự án đường dây 220 kV Bình Long-Tây Ninh có tổng mức đầu tư gần 644 tỷ đồng, khi hoàn thành sẽ góp phần chống quá tải đường dây 220 kV Bình Long-Mỹ Phước và đường dây 220 kV Củ Chi-Trảng Bàng hiện hữu; qua đó góp phần giảm tổn thất, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện và đảm bảo linh hoạt vận hành lưới điện 220 kV khu vực trong chế độ vận hành bình thường và chế độ sự cố N-1.

img

Đường dây 220kV Buôn Kuốp - Krông Búk. Ảnh minh họa.

Đường dây 220 kV Nha Trang-Tháp Chàm có quy mô đầu tư gồm: Phần đường dây 220 kV, xây dựng đường dây 220 kV mạch kép chiều dài trên 86 km. Riêng đoạn G1-G2 dài 227 m, xây dựng 3 mạch đi trùng với tuyến đường dây 220 kV Đa Nhim-Nha Trang từ khoảng cột VT346 đến VT347. Đối với phần mở rộng ngăn lộ sẽ xây dựng mới ngăn xuất tuyến 220 kV tại vị trí dự phòng TBA 220 kV Nha Trang; xây dựng mới 1 ngăn xuất tuyến 220 kV, 1 ngăn máy cắt vòng và thanh cái vòng tại vị trí dự phòng TBA 220 kV Tháp Chàm.

Dự án có tổng mức đầu tư trên 407 tỷ đồng khi hoàn thành góp phần đáp ứng nhu cầu phụ tải ngày càng cao của tỉnh Khánh Hòa; tạo mạch 220 kV liên kết khu vực duyên hải miền Trung, tăng cường độ tin cậy cung cấp điện cho khu vực.

Dự án trạm biến áp 220 kV Quang Châu có địa điểm xây dựng tại thôn Trung Đồng, xã Vân Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Tổng mức đầu tư xây dựng trên 250 tỷ đồng khi hoàn thành sẽ góp phần đảm bảo đáp ứng nhu cầu phụ tải tăng trưởng nhanh trên địa bàn hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh, đồng thời dự án góp phần nâng cao chất lượng điện năng, độ tin cậy cấp điện cho phụ tải, giảm tổn thất điện năng trên lưới điện.

Đây đều là các dự án do Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) làm Chủ đầu tư, CPMB thay mặt EVNNPT quản lý điều hành dự án; các dự án sử dụng vốn vay ODA và vốn tự có của EVNNPT được dự kiến sẽ hoàn thành năm 2019 nhằm đáp ứng nhu cầu tăng cường phụ tải ngày càng cao của địa phương và khu vực lân cận, tạo liên kết lưới truyền tải đồng thời tăng cường độ an toàn, tin cậy cung cấp điện cho khu vực.

Tiến tới trạm biến áp không người trực

EVNNPT cho biết đang triển khai kế hoạch chuyển các TBA 220kV sang thực hiện thao tác điều khiển từ xa từ các Trung tâm điều độ. Đến nay, toàn Tổng công ty đã thực hiện chuyển 9 TBA 220kV sang thao tác điều khiển từ xa.

Tổng công ty cũng đã thành lập và đưa vào hoạt động 5 trung tâm vận hành (TTVH). Tại các trung tâm này đã thực hiện kéo dài mạng LAN của các TBA được thao tác xa, đưa máy tính giao diện (HMI) và máy tính kỹ sư về TTVH để giám sát, thu thập số liệu và cài đặt thiết bị.

Theo kế hoạch đến 2020, EVNNPT sẽ chuyển 60% trong tổng số 162 TBA 220kV thành TBA không người trực với số lao động sử dụng là 680 người cho các TTVH và đội thao tác.

EVNNPT cho biết đối với số lao động dôi dư khi đưa TBA 220kV vận hành theo tiêu chí TBA không người trực Tổng công ty sẽ tiến hành đào tạo lại đồng thời sắp xếp, bố trí lại lao động một cách hợp lý để không  ảnh hưởng đến quyền lợi và việc làm của người lao động.EVNNPT

Tính đến nay, CPMB đã hoàn thành khởi công 12 dự án. Đây là nỗ lực rất lớn của tập thể cán bộ công nhân viên EVNNPT nói chung và CPMB nói riêng nhằm chào mừng kỷ niệm 63 năm Ngày truyền thống Ngành Điện lực Việt Nam và Tháng Tri ân khách hàng năm 2017.
Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem