Số lượng các trường hợp nhiễm virus Ebola ở Liberia và Sierra Leone có thể tăng lên khoảng từ 550.000 và 1,4 triệu người vào tháng 1.2015, nếu không có "can thiệp bổ sung hoặc thay đổi hành vi của cộng đồng," Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) cho biết trong một báo cáo ngày 24.9.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chỉ trong vòng 6 tháng qua, số người thiệt mạng vì Ebola ở Tây Phi đã tăng lên hơn 2.800, với hơn 5.800 trường hợp xác nhận nhiễm bệnh.
Tuy nhiên, CDC ước tính rằng nếu 70% những người bị Ebola được chăm sóc đúng cách trong các cơ sở y tế, dịch bệnh có thể giảm và chấm dứt. WHO cũng cảnh báo dịch Ebola sẽ bùng phát mạnh khiến hàng trăm nghìn người bị lây nhiễm mới từ nay đến cuối năm nếu các nước không tăng cường quyết liệt các biện pháp ứng phó.
Trong báo cáo đưa ra ngày 23.9, WHO cho biết nếu không kiên quyết đẩy mạnh các biện pháp kiểm soát dịch bệnh ngay từ bây giờ, số ca lây nhiễm mới sẽ tăng từ hàng trăm trường hợp/tuần lên hàng nghìn trường hợp/tuần. Với những diễn biến hiện nay, đến ngày 2.11 tới, số ca lây nhiễm mới sẽ tăng gấp 3 lên hơn 20.000 trường hợp, trong đó khoảng 6.000 trường hợp ở Guinea, 10.000 ở Liberia và 5.000 ở Sierra Leone, và đến ngày 2.1.2015 số ca lây nhiễm mới sẽ tăng lên vài trăm nghìn.
Báo cáo cũng cho biết, tỷ lệ tử vong vì virus Ebola hiện nay là hơn 70%, chứ không phải 50% như ước tính. Dịch bệnh có thể kéo dài trong nhiều năm nữa và trung tâm ổ dịch vẫn ở khu vực Tây Phi.
Ông Christopher Dye - Giám đốc chiến lược của WHO cho biết, hiện các nhà khoa học lo ngại virus Ebola có thể sẽ sống ký sinh trong cơ thể người.
Trong khi đó, ông Christl Donnelly, giáo sư môn thống kê dịch tễ học của Trường Imperial College và là đồng tác giả của bản báo cáo nói trên cho biết, số ca nhiễm Ebola dự kiến sẽ tăng gấp 4 vào cuối tháng 10. Cuộc khảo sát này cho thấy số đàn ông và số phụ nữ nhiễm Ebola ở Liberia, Sierra Leone và Guinea gần bằng với nhau. Bác sĩ Dye nói rằng sự lây nhiễm và lây lan của virus hiện nay tương tự như những trận dịch trước đây ở vùng Trung Phi. Ông nói rằng sự di chuyển xuyên biên giới của dân chúng ở Guinea, Liberia và Sierra Leone cộng với những tập tục trong tang lễ là những yếu tố làm cho dịch bệnh lan tràn một cách nhanh chóng.
Bác sĩ Dye cho biết để kiềm chế sự lây lan giới hữu trách cần phải cải thiện công tác truy tìm những người tiếp xúc với người bệnh, cô lập người bệnh, tăng cường chất lượng hệ thống y tế, cải thiện những hoạt động giao tiếp với cộng đồng và tranh thủ sự hỗ trợ của các đối tác quốc tế.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.