2 cán bộ CDC Quảng Trị tuồn kit xét nghiệm bán lại cho Việt Á có thể bị xử lý thế nào?

Quang Trung Thứ năm, ngày 28/07/2022 17:59 PM (GMT+7)
Lợi dụng việc được giao quản lý, sử dụng kit xét nghiệm, 2 cán bộ thuộc CDC Quảng Trị bị cáo buộc lấy kit xét nghiệm này tuồn ra ngoài để bán lại cho Công ty CP công nghệ Việt Á thu lợi cá nhân. Hành vi này có thể bị xử lý thế nào?
Bình luận 0

2 cán bộ CDC Quảng Trị bị khởi tố

Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Trị vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can với 2 cán bộ thuộc CDC Quảng Trị. 2 người này bị khởi tố để điều tra về hành vi tham ô tài sản. Cả 2 đều đang bị tạm giam để phục vụ điều tra.

2 cán bộ CDC Quảng Trị tuồn kit xét nghiệm bán lại cho Việt Á có thể bị xử lý thế nào? - Ảnh 1.

Công an đọc quyết định khởi tố và bắt tạm giam Lê Quang Việt, cán bộ CDC Quảng Trị. Ảnh: Đ.N.

Cụ thể, 2 người này là Lê Quang Việt (42 tuổi) và Đỗ Đình Phi (40 tuổi, cùng trú phường 5, TP Đông Hà). Cả 2 là nhân viên khoa xét nghiệm - chẩn đoán hình ảnh và thăm dò chức năng thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Trị.

Theo kết quả điều tra ban đầu, cơ quan điều tra xác định từ tháng 8/2020 đến tháng 7/2021, cả 2 được giao quản lý, sử dụng kit xét nghiệm PCR Covid-19 (do Công ty CP công nghệ Việt Á cung cấp).

Lợi dụng việc này, Việt và Phi đã lấy kit xét nghiệm (có giá trị gần 1 tỉ đồng) rồi bán lại cho Công ty CP công nghệ Việt Á để thu lợi bất chính.

Tham ô tài sản có thể bị xử lý thế nào?

Trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, tham ô tài sản được hiểu là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lí. Tội tham ô tài sản quy định tại Điều 353 Bộ luật hình sự 2015.

Hành vi tham ô tài sản đã tác động đến tài sản mà người phạm tội có trách nhiệm quản lý. Tài sản này bao gồm tài sản của nhà nước giao cho các cơ quan, tổ chức trong nhà nước hoặc là tài sản của các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước.

Hành vi chiếm đoạt tài sản đó có liên quan trực tiếp đến chức vụ, quyền hạn của người phạm tội, nếu người phạm tội không có chức vụ, quyền hạn đó, họ khó hoặc không thể thực hiện được hành vi chiếm đoạt tài sản.

Chức vụ, quyền hạn là điều kiện thuận lợi để người phạm tội thực hiện việc chiếm đoạt tài sản một cách dễ dàng.

Hành vi tham ô được thực hiện do lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội biết rõ họ là người có trách nhiệm về tài sản, lợi dụng chức vụ trong quản lý tài sản chiếm đoạt tài sản ấy là trái pháp luật, nguy hiểm cho xã hội, tuy nhiên người phạm tội vẫn mong muốn chiếm đoạt tài sản.

Theo luật sư Hòe, mức hình phạt của tội phạm này được chia thành 4 khung. Khung một (khoản 1) có mức phạt tù từ 2 đến 7 năm nếu giá trị tài sản bị chiếm đoạt từ 2 đến dưới 100 triệu đồng.

Khung hai (khoản 2) có mức phạt tù từ 7 đến 15 năm nếu phạm tội có tổ chức; Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 100 đến dưới 500 triệu đồng…

Khung ba (khoản 3) có mức phạt tù từ 15 năm đến 20 năm nếu chiếm đoạt tài sản trị giá từ 500 đến dưới 1 tỷ đồng; Gây thiệt hại về tài sản từ 3 đến dưới 5 tỷ đồng…

Khung bốn (khoản 4) có mức phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình chiếm đoạt tài sản trị giá 1 tỷ đồng trở lên; Gây thiệt hại về tài sản 5 tỷ đồng trở lên…

Như vậy, sau khi bị khởi tố, người bị chứng minh là có tội tham ô tài sản, tùy tính chất mức độ mà có thể phải đối mặt với các khung hình phạt nêu trên.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem