2 người ở Bắc Kạn tử vong do viêm não mô cầu: Bệnh nguy hiểm thế nào?

Diệu Linh Thứ sáu, ngày 14/06/2024 06:06 AM (GMT+7)
Hai bà cháu ở Bắc Kạn lần lượt tử vong sau khi bị đau đầu nhiều, mệt mỏi, được xác định do mắc viêm não mô cầu.
Bình luận 0

Bộ Y tế vừa có đề nghị tăng cường phòng bệnh viêm não mô cầu, xử lý ổ dịch, sau khi 2 bà cháu cùng một gia đình ở Bắc Kạn tử vong. 

Một nhà 6 người mắc viêm não mô cầu, 2 người tử vong 

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Bắc Kạn, 2 bà cháu tử vong ở thôn Nà Lầu, xã Mỹ Phương, huyện Ba Bể. 

Người cháu là Đ.T.V. (sinh năm 2022, cháu ruột của bà Đ.) tử vong ngày 5/6 sau khi có các biểu hiện mệt mỏi, đau đầu, buồn nôn, nôn và bị tiêu chảy. Đến ngày 9/6, người bà (64 tuổi) mệt, rét, lạnh, đau đầu, sau đó nôn, tiêu chảy, được gia đình đưa đi cấp cứu nhưng cũng không qua khỏi. 

2 người ở Bắc Kạn tử vong do viêm não mô cầu: Bệnh nguy hiểm thế nào? - Ảnh 1.

Gia đình có 6 người mắc viêm não mô cầu, 2 người tử vong ở Bắc Kạn. Ảnh CDC Bắc Kạn

Ngoài ra trong gia đình còn 4 người khác cũng có các dấu hiệu đau đầu, mệt mỏi, sốt, sau đó đi ngoài phân lỏng, hiện đã được chuyển đến Trung tâm Y tế Bạch Thông (Bắc Kạn) để điều trị. 

Kết quả xét nghiệm bệnh phẩm của các bệnh nhân tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho thấy, các bệnh nhân mắc bệnh viêm não mô cầu. 

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đề nghị Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bắc Kạn chỉ đạo, đảm bảo tổ chức tốt thu dung, chẩn đoán sớm, cách ly, điều trị tích cực, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp biến chứng nặng, tử vong do não mô cầu và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng lây nhiễm... 

Cục Y tế dự phòng đề nghị Sở Y tế Bắc Kạn đẩy mạnh truyền thông, tuyên truyền về các biện pháp phòng bệnh; khi tiếp xúc nơi đông người, gần người bệnh, ở tại ổ dịch cần đeo khẩu trang, vệ sinh mũi họng thường xuyên bằng muối sinh lý, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và thực hiện tốt vệ sinh môi trường, thông thoáng nơi ở, nơi làm việc; vận động người dân đưa trẻ đi tiêm vắc xin phòng bệnh.

Khi có ca nghi ngờ mắc bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời. 

Cùng đó cần tăng cường tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ y tế và các đơn vị liên quan về giám sát, phát hiện, điều tra ca bệnh, hướng dẫn các biện pháp xử lý ổ dịch và hướng dẫn chẩn đoán, chăm sóc, điều trị, cấp cứu, hồi sức tích cực.

Cục Y tế dự phòng đề nghị Sở Y tế Bắc Kạn rà soát, đảm bảo chuẩn bị sẵn sàng thuốc, thiết bị y tế để hỗ trợ triển khai kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch.

2 người ở Bắc Kạn tử vong do viêm não mô cầu: Bệnh nguy hiểm thế nào? - Ảnh 2.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Kạn tổ chức lấy mẫu xét nghiệm bệnh nhân nghi ngờ mắc viêm não mô cầu. Ảnh CDC Bắc Kạn

Viêm não mô cầu nguy hiểm thế nào? 

TS Nguyễn Đăng Mạnh, Viện trưởng Viện Lâm sàng các Bệnh truyền nhiễm (Bệnh viện Quân đội 108), viêm não mô cầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây qua đường hô hấp, do vi khuẩn não mô cầu Neisseria meningitidis gây ra.

Bệnh xảy ra đột ngột với các triệu chứng như: Sốt, đau đầu dữ dội, buồn nôn và nôn, cổ cứng, thường có ban xuất huyết hình sao hoặc có thể có mụn nước.

Bệnh nhân thường lơ mơ hoặc hôn mê. Có trường hợp biểu hiện mệt lả đột ngột, xuất hiện mảng xuất huyết và sốc. Tỷ lệ tử vong cao nếu không được chữa trị kịp thời.

"Bệnh viêm màng não do não mô cầu lây theo đường hô hấp, lây truyền qua những giọt nước nhỏ (bụi nước) được bài tiết ở đường hô hấp của người bệnh truyền sang người lành (sự lây truyền của bệnh qua đồ vật là hiếm xảy ra)", TS Mạnh nói.

Theo TS Mạnh, để phòng bệnh viêm não mô cầu, người dân cần:

- Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường. Nhà ở, lớp học phải sạch sẽ, đảm bảo đủ ánh sáng và thông thoáng. Đồ chơi, dụng cụ của người bệnh cần phải được tẩy uế, sát trùng.

- Khi có dịch bệnh tại nơi có ổ dịch, cần tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp sốt, viêm hầu họng để theo dõi, ngoáy họng soi và cấy vi khuẩn để phát hiện người lành mang vi khuẩn.

- Chủ động tiêm phòng vaccine phòng viêm não mô cầu cho trẻ, vaccine được tiêm tại các cơ sở tiêm chủng.

"Khi phát hiện sớm bệnh nhân nếu có nghi ngờ viêm não mô cầu cần đi khám ngay tại các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời và cách ly người bệnh, tránh lây lan rộng", TS Mạnh cảnh báo. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem