2 triệu tỷ đồng vốn rẻ, ai được vay?

Huyền Anh Thứ ba, ngày 01/03/2022 08:22 AM (GMT+7)
Gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng thực hiện trong năm 2022-2023 tương ứng với 2 triệu tỷ đồng vốn rẻ sẽ được bơm ra nền kinh tế trong 2 năm. Vậy đối tượng nào sẽ được vay?
Bình luận 0

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lấy ý kiến Dự thảo Nghị định về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

Dự thảo Nghị định nhằm triển khai gói cấp bù lãi suất 40.000 tỷ đồng đã được Quốc hội thông qua. Dự kiến, trong tháng 3 này, Nghị định sẽ được ban hành.

2 triệu tỷ đồng vốn rẻ, ai được vay?

Theo Dự thảo Nghị định quy định, đối tượng khách hàng vay vốn được hỗ trợ lãi suất là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có mục đích sử dụng vốn vay thuộc một trong các ngành đã được đăng ký kinh doanh quy định tại Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 6/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành hệ thống ngành kinh tế Việt Nam, bao gồm: hàng không, vận tải kho bãi, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, giáo dục, xuất bản phần mềm, lập trình máy vi tính và hoạt động liên quan, hoạt động dịch vụ thông tin. Danh mục và điều kiện cụ thể của các đối tượng này đang được Bộ KH&ĐT gấp rút xây dựng.

Cùng với đó là khách hàng có mục đích sử dụng vốn vay để xây dựng nhà ở cho công nhân mua, thuê và thuê mua; xây dựng nhà ở xã hội; cải tạo chung cư cũ thuộc danh mục dự án do Bộ Xây dựng công bố. Danh mục dự án này được Bộ xây dựng soạn thảo, hướng dẫn.

2 triệu tỷ đồng vốn rẻ, ai được vay?  - Ảnh 1.

Gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng thực hiện trong năm 2022-2023 tương ứng với 2 triệu tỷ đồng vốn rẻ sẽ được bơm ra nền kinh tế trong 2 năm. (Ảnh: Agribank)

Mức lãi suất hỗ trợ đối với khách hàng là 2%/năm, tính trên số dư nợ vay và thời hạn cho vay hỗ trợ lãi suất thực tế nằm trong khoảng thời gian theo quy định.

Dự thảo quy định, việc hỗ trợ lãi suất áp dụng đối với nghĩa vụ trả nợ lãi phát sinh trong khoảng thời gian từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành đến ngày 31/12/2023.

Ngân hàng thương mại dừng hỗ trợ lãi suất đối với các khoản giải ngân sau thời điểm 31/12/2023 hoặc khi NHNN và Bộ Tài chính có thông báo tổng số tiền hỗ trợ lãi suất cho khách hàng đạt tối đa 40.000 tỷ đồng, tùy theo thời điểm nào đến trước.

Tuy nhiên, Dự thảo cũng quy định khách hàng sẽ không được hỗ trợ lãi suất nếu khoản vay của khách hàng có số dư nợ gốc bị quá hạn và/hoặc số dư lãi chậm trả, khách hàng sẽ tiếp tục được hỗ trợ lãi suất sau khi đã trả hết số dư nợ gốc quá hạn và/hoặc số dư lãi chậm trả.

"Bịt" cửa trục lợi

Để được hỗ trợ lãi suất, tại thỏa thuận cho vay hoặc phụ lục sửa đổi thỏa thuận cho vay hoặc chứng từ nhận nợ, khách hàng phải ghi rõ mục đích vay vốn thuộc các ngành, lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất, nhằm đảm bảo thuận tiện trong công tác thanh toán, quyết toán, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán sau này.

Nếu khách hàng sử dụng vốn vay không đúng mục đích hoặc khách hàng được xác định không thuộc đối tượng được hỗ trợ lãi suất theo kết luận của các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền, thì có trách nhiệm hoàn trả cho ngân hàng số tiền đã được hỗ trợ lãi suất để hoàn trả ngân sách. Trong trường hợp không thu hồi được, thì khởi kiện việc vi phạm thỏa thuận cho vay của khách hàng vay.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, quy định chặt chẽ như trên nhằm tránh trường hợp doanh nghiệp thuộc đối tượng ưu tiên hỗ trợ lãi suất sau khi vay vốn lại sử dụng vốn này đi đầu tư bất động sản hoặc các lĩnh vực không được ưu tiên khác.

2 triệu tỷ đồng vốn rẻ, ai được vay?  - Ảnh 2.

Mức lãi suất hỗ trợ đối với khách hàng là 2%/năm, tính trên số dư nợ vay và thời hạn cho vay hỗ trợ lãi suất thực tế nằm trong khoảng thời gian theo quy định. (Ảnh: Bizlive)

Ngân hàng Nhà nước thừa nhận, lãi suất cho vay thấp có nguy cơ làm gia tăng hành vi sử dụng vốn thiếu cẩn trọng của doanh nghiệp, rủi ro đạo đức gia tăng, khách hàng có tâm lý chây ỳ không trả nợ, vì cho rằng được Nhà nước hỗ trợ, cho vay đảo nợ để hưởng chính sách…, từ đó có thể dẫn tới gia tăng nợ xấu. Hơn nữa, Nhà nước khó có thể kiểm soát, giám sát toàn bộ quá trình thực hiện hỗ trợ, nên có thể xảy ra nguy cơ trục lợi chính sách.

Do đó, việc Ngân hàng Nhà nước sớm đưa Dự thảo Nghị định và Thông tư hướng dẫn về hỗ trợ lãi suất ra lấy ý kiến nhằm đảm bảo các quy định đồng bộ, rõ ràng, cụ thể, bao quát được các vấn đề, hạn chế tối đa vấn đề phát sinh...

Dự thảo Nghị định quy định, điều kiện để được hỗ trợ lãi suất là doanh nghiệp có khả năng trả nợ và có khả năng phục hồi. Tuy nhiên, khả năng phục hồi của doanh nghiệp, của nền kinh tế phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố và rất khó dự đoán. Doanh nghiệp chứng minh khả năng trả nợ chủ yếu qua phương án kinh doanh, nhưng ngân hàng có chấp nhận phương án này hay không lại là chuyện khác.

Vì vậy, tôi cho rằng, bên cạnh các điều kiện vay vốn, gốc rễ giải ngân vẫn nằm ở ngân hàng thương mại, ở sự tin tưởng của ngân hàng với doanh nghiệp. NHNN cũng cần có thêm giải pháp khuyến khích, tạo điều kiện để ngân hàng thương mại mạnh dạn triển khai gói hỗ trợ lãi suất này.

Ông Tô Hoài Nam, Phó chủ tịch thường trực, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem