Được hưởng ưu đãi về cước truy nhập (miễn 100% cước tại các Thư viện công cộng và giảm 50% cước tại các điểm Bưu điện Văn hóa xã), người dân nong thôn đã dần hình thành thói quen tìm kiếm thông tin, học hỏi kinh nghiệm trên mạng.
Hạnh phúc của những người phụ nữ vùng cao khi nghe tin có 1 Dự án làm “ Thay đổi cuộc sống” ngay trên chính bản làng mình.
Bên cạnh thông tin giải trí đơn thuần, các nhóm cư dân đã bắt đầu quan tâm đến các nhóm chủ đề thông tin thiết thực với đời sống như: sản xuất nông nghiệp, kiến thức khoa học, cơ hội việc làm, kinh nghiệm chăm sóc sức khỏe – y học thường thức…Số liệu thống kê cho thấy, 62,29% người dân đã đến các điểm truy nhập tìm kiếm thông tin sản xuất nông nghiệp, phục vụ phát triển kinh tế gia đình; 51,43% tìm kiếm thông tin về sức khỏe; 20,8% truy nhập thông tin tìm kiếm cơ hội việc làm.
Trong số hàng trăm ngàn người đến các điểm truy nhập công cộng tìm kiếm thông tin, đã có 20% người truy nhập thường xuyên là đồng bào dân tộc thiểu số. Mặc dù tỉ lệ còn khiêm tốn so với các nhóm đối tượng khác như thanh niên, học sinh (chiếm 80%) nhưng thống kê cũng cho thấy đồng bào dân tộc đã bước đầu tiếp cận làm quen với máy tính và Internet. Người dân đến các điểm truy nhập công cộng nhiều hơn với con số thống kê trung bình tăng từ 10 đến 15 lượt người/điểm/ngày so với thời điểm trước khi triển khai Dự án.
Cũng giống như nhiều quốc gia khác có nền văn hóa phong phú, hội tụ nhiều dân tộc anh em, Việt Nam đang đứng trước yêu cầu tìm kiếm thêm các giải pháp thúc đẩy sự tiếp cận máy tính – Internet của nhóm đối tượng còn thiệt thòi là đồng bào các dân tộc thiểu số. Ngôn ngữ dân tộc là một trong những rào cản khiến bà con gặp khó khăn khi tiếp cận với công cụ thông tin hiện đại. Theo bà Deborah Jacob – Giám đốc Chương trình Thư viện toàn cầu – Quỹ Bill & Melinda Gates, “Tiếp tục tìm hiểu về nhu cầu của người dân, đánh giá sự thay đổi trong cuộc sống của họ, cơ hội mang lại cho họ về giáo dục, nông nghiệp, sức khoẻ” là một trong những giải pháp để duy trì và tiếp tục nâng cao hiệu quả ngay cả khi Dự án đã kết thúc. Trong các khía cạnh của nhu cầu cần tiếp tục nghiên cứu để đáp ứng, ngoài các lĩnh vực thông tin, kiến thức, còn có vấn đề về ngôn ngữ và các kỹ năng phổ cập cho người dân tộc thiểu số.
Hiện tại, 16 tỉnh gồm Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Phú Yên, Khánh Hòa, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Bình Thuận, Ninh Thuận, Bạc Liêu, Hậu Giang, Cà Mau, Vĩnh Long và Đồng Tháp đã hoàn thành Dự án bước 2, giai đoạn II. Với 665 điểm Thư viện công cộng và Bưu điện văn hóa xã đã được trang bị hơn 4.600 bộ máy tính có kết nối Internet, hàng trăm cán bộ đã được đào tạo, đang hàng ngày tiếp tục triển khai các biện pháp mang đến cơ hội tiếp cận máy tính và Internet để từng bước cải thiện đời sống cho hàng trăm ngàn người dân nông thôn, trong đó có bà con các dân tộc thiểu số./.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.