|
Nhổ những cây lúa còn sống đi trồng nơi khác. Ảnh chụp tại huyện Đồng Xuân, Phú Yên ngày 1-7. |
Hạn ngày càng nghiêm trọng
Theo báo cáo từ 3 đoàn kiểm tra của Bộ NN&PTNT, tại 3 tỉnh khu vực Bắc Trung bộ (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh) đang có trên 62.000ha lúa hè thu bị hạn hán, trong đó, diện tích khả năng mất trắng là hơn 30.000ha trong tổng số hơn 254.000ha lúa đã gieo trồng. Trong đó, Nghệ An đang có 23.000ha bị hạn, Thanh Hóa là trên 20.000ha.
Đặc biệt, đến thời điểm này, dù khung thời vụ gieo cấy lúa hè thu đã qua nhưng tại 3 tỉnh trên vẫn còn khoảng 70.000ha chưa thể gieo cấy do không có nước. Ông Phạm Đồng Quảng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt nhận định: "Trong 5-7 ngày tới, các tỉnh trên không có mưa thì tình hình sẽ diễn biến nghiêm trọng, diện tích lúa bị mất trắng tăng lên".
Tại khu vực duyên hải Nam Trung bộ, nếu nắng nóng tiếp tục xảy ra và trời không có mưa thì với lượng nước còn lại trên các đập dâng, hồ chứa lớn chỉ đủ phục vụ tưới trong khoảng thời gian từ 15-20 ngày nữa. Tại khu vực này, hiện có gần 50.000ha lúa, và hoa màu khô cháy. Theo dự báo, nếu thời tiết tiếp tục nắng nóng, diện tích bị hạn ở khu vực này sẽ tăng lên gấp đôi.
Cần 300 tỷ đồng chống hạn
Đến thời điểm này, Phú Yên có hơn 1.000ha lúa khô hạn nặng vì thiếu nước tưới. Miếng cơm hè thu của nông dân Phú Yên sắp bị “trời” thiêu ra tro. Nắng như đổ lửa nhưng bà con vẫn lao ra đồng giành giật với khô hạn tìm nước cứu lúa. Nông dân lao đi tìm nước. Người lớn vục gầu, trẻ em vục nón, trên đầu nắng như lửa đốt.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Bùi Bá Bổng cho biết, với trên 100.000ha lúa đã cấy đang bị hạn, nếu không có biện pháp ứng cứu kịp thời sẽ bị mất trắng, ước tính thiệt hại khoảng 2.500 tỷ đồng. Cùng với gần 100.000ha lúa chưa thể gieo cấy do thiếu nước, dự kiến, con số thiệt hại sẽ lên tới 5.000-6.000 tỷ đồng.
Để chống hạn khẩn cấp, 12 tỉnh, thành khu vực miền Trung đã đề nghị Chính phủ hỗ trợ khoảng 300 tỷ đồng cho kinh phí mua xăng dầu, nạo vét kênh mương, và đặc biệt là mua giống để gieo trồng lại cho kịp thời vụ.
"Các địa phương nên chủ động ứng kinh phí để cứu hạn, sau đó báo cáo Thủ tướng để có phương án hỗ trợ. Nếu cứ chờ đợi kinh phí theo quy định thì việc chống hạn sẽ bị chậm trễ" - Thứ trưởng Bổng cho biết.
Đình Thắng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.