230 mã tăng trần, VN-Index tăng hơn 26 điểm nhưng hai "ông lớn" bất động sản vẫn chưa được giải cứu
230 mã tăng trần, VN-Index tăng hơn 26 điểm, nhưng hai "ông lớn" bất động sản vẫn chưa được giải cứu
Quốc Hải
Thứ năm, ngày 17/11/2022 16:48 PM (GMT+7)
Thị trường lấy lại đà hồi phục khi VN-Index đã được kéo khoảng 100 điểm từ giá thấp nhất, toàn thị trường có tới 230 mã tăng trần nhưng hai "ông lớn" bất động sản là NVL và PDR vẫn chưa được "giải cứu".
VN-Indextăng hơn 26 điểm nhưng hai "ông lớn" bất động sản vẫn chưa được giải cứu
Tiếp nối xu hướng hồi phục trong phiên trước đó, thị trường chứng khoán Việt Nam mở cửa trong trạng thái hứng khởi và tăng gần 10 điểm. Đà tăng liên tục đước nới rộng giúp chỉ số chính sàn HoSE lấy lại mốc 960 điểm chỉ sau 30 phút giao dịch.
Ở nhóm vốn hóa lớn, VIC, HPG và GVR đã tăng trần từ sớm, cùng với VHM, VCB, VNM, MBB là các trụ đỡ tích cực nhất của thị trường. Chiều ngược lại, NVL và PDR vẫn chưa được "giải cứu" khi mở cửa đã… nằm sàn.
Theo đó, trong suốt phiên sáng, NVL và PDR nằm sàn với lượng bán sàn cực lớn. Cụ thể, lượng đặt bán sàn tại NVL là hơn 50 triệu cổ phiếu, trong khi lượng bán sàn tại PDR với hơn 11 triệu cổ phiếu.
Trong phiên sáng, cổ phiếu nhóm ngân hàng tăng giá trên diện rộng với nhiều mã tăng trên 2% như MBB, BID, VIB, OCB, ACB, TCB, SHB, STB, NVB, BVB, VAB, ABB, VBB. Nổi bật nhất trong nhóm này là cổ phiếu VBB khi tăng kịch trần, dừng phiên sáng ở mốc 7.400 đồng/CP. Tuy nhiên, EIB lại khá tiêu cực với lượng bán sàn hơn 60 triệu cổ phiếu.
Nhiều cổ phiếu nhóm chứng khoán cũng ghi nhận mức tăng phổ biến trên 3%, trong đó loạt mã tăng hết biên độ như SBS, APS, VIG, SHS, VIX, APG, FTS,...
Tại nhóm bất động sản, dòng tiền tập trung giao dịch tại các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ như CEO, ITA, NLG, QCG, SCR, HQC,...
Chốt phiên sáng, sàn HoSE có 351 mã tăng (53 mã tăng trần) và 66 mã giảm, VN-Index tăng 18,56 điểm (+1,97%), lên 961,46 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 364,4 triệu đơn vị, giá trị 5.256,3 tỷ đồng, giảm hơn 45% về khối lượng và 37% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 44 triệu đơn vị, giá trị 690 tỷ đồng.
Trong khi đó, sàn HNX có 137 mã tăng (47 mã tăng trần) và 33 mã giảm, HNX-Index tăng 3,64 điểm (+1,99%), lên 187,09 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 43 triệu đơn vị, giá trị 441,1 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 1 triệu đơn vị, giá trị 14 tỷ đồng.
Còn trên UpCoM, chốt phiên sáng UpCoM-Index tăng 0,76 điểm (+1,16%), lên 66,08 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 17,1 triệu đơn vị, giá trị 158,7 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,62 triệu đơn vị, giá trị 33,9 tỷ đồng.
Bước sang phiên chiều, bộ ba cổ phiếu lớn "họ Vingroup" là VIC, VHM và VRE đều tăng mạnh. Cụ thể, VIC đã quay lại với mức tăng trần, 2 mã còn lại cũng tăng xuýt soát 7%. Chính đà tăng mạnh của bộ 3 này đã kéo chỉ số VN-Index bật tăng mạnh trong phiên chiều.
Gây chú ý trong phiên chiều vẫn là mã NVL. Mã này tiếp tục giảm sàn đến hết phiên và thiết lập kỷ lục mới là 11 phiên giảm sàn liên tiếp.
"Giá cổ phiếu NVL giảm trong thời gian gần đây do yếu tố tâm lý trên thị trường chứng khoán và bị tác động bởi nhiều điều kiện kinh tế vĩ mô", ông Nguyễn Đức Dũng, người được ủy quyền công bố thông tin của Novaland - giải trình với Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) vào hôm nay, về việc cổ phiếu liên tục nằm sàn.
Tuy nhiên, dù có giải thích này thì cổ phiếu NVL vẫn chưa được "giải cứu" khi còn hàng chục triệu cổ phiếu năm sàn.
Đóng cửa, VN-Index tăng 26,36 điểm (2,8%) lên 969,26 điểm, HNX-Index tăng 4,41 điểm (2,4%) đạt 187,86 điểm, UPCoM-Index tăng 1,21 điểm (3,27%) đạt 971,04 điểm.
Như vậy, sau hai phiên nỗ lực hồi phục, VN-Index đã được kéo khoảng 100 điểm từ giá thấp nhất và mục tiêu gần nhất là hồi phục lên quanh vùng giá 1.000 điểm.
Tuy nhiên thanh khoản thị trường yếu hơn phiên trước đó. Sàn HoSE ghi nhận gần 9.600 tỷ đồng giá trị giao dịch, giảm 22%; sàn HNX ghi nhận hơn 740 tỷ đồng giá trị giao dịch, giảm 33%.
Về giao dịch của khối ngoại, trong phiên hôm nay nhóm này tiếp tục mua ròng rất mạnh trên sàn HoSE, tập trung ở nhiều mã ngân hàng, bộ ba cổ phiếu nhà Vin và 1 số mã khác như HPG, KDH, SSI, VND, POW, NLG… Tuy nhiên, MBB, KBC hay DGC lại là những Large Cap bị bán ròng khá nhiều.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.