Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Napoleon Bonaparte được đánh giá là nhà chỉ huy quân sự lỗi lạc nhất trong lịch sử Pháp. Suốt sự nghiệp cầm quân của mình, Napoleon đã giành chiến thắng 52 trên tổng số 60 trận đánh ông tham gia, trong đó có những chiến thắng vang dội và để lại dấu ấn không nhỏ trong lịch sử, theo War History.
Trận Austerlitz (1805)
Khi Chiến tranh Liên minh Thứ ba nổ ra năm 1805, Napoleon đã trở thành hoàng đế Pháp và vua của Itally. Ông hiểu rằng phải chinh phạt Áo, Nga và Phổ trước khi họ cùng bắt tay nhau chống lại Pháp.
Tháng 4/1805, Anh, Nga, Áo, Phổ và Thụy Điển quyết định ký hiệp ước St. Petersburg để lập liên minh đối phó Pháp. Sau khi đánh bại quân đội Áo ở Ulm và chiếm Vienna, Napoleon nhanh chóng tung đòn nghi binh với Nga và Áo. Ông vờ đề xuất đàm phán hòa bình, khiến các đồng minh của Anh tin rằng quân đội Pháp đã suy yếu và coi đó là thời điểm tấn công.
Ngày 2/12/1805, trận Austerlitz nổ ra. Quân đội Pháp bị liên quân Nga - Áo áp đảo về số lượng, khiến Napoleon quyết định điều 18.000 lính từ Quân đoàn Avout số 3 của nguyên soái Louis-Nicholas đến chi viện.
Sự nóng vội của các hoàng đế Nga, Áo đã lấn át ý kiến chuyên môn của tướng Mikhail Kutuzov, tổng chỉ huy liên quân, khiến họ rơi vào bẫy do Napoleon giăng ra. Tin rằng sườn phải là điểm yếu nhất của quân Pháp, liên quân Nga - Áo tấn công vào vị trí này đúng như dự tính của Napoleon, dù sườn bên phải là một trong các vị trí mạnh nhất của quân Pháp nhờ lực lượng chi viện.
Lực lượng trung tâm của Napoleon chiếm cao nguyên Pratzen, sau đó bao vây liên quân Nga - Áo. Lúc này, sườn trái quân Pháp đã đẩy lùi một số cuộc tấn công của Nga, buộc đối phương rút lui.
Do bị cắt đứt tuyến chi viện, liên quân Nga - Áo phải đầu hàng. Một số tàn quân cố gắng chạy thoát thân qua hồ băng Satschan nhưng bị pháo binh Pháp bắn chặn đường rút. Phần lớn số lính này chết đuối sau khi lớp băng trên mặt hồ bị vỡ vụn.
Trận Jena-Auerstedt (1806)
Khi Cuộc chiến tranh Liên minh lần thứ 4 nổ ra, Napoleon tiến đánh quân Phổ do Frederick Louis chỉ huy vào ngày 14/10/1806. Trận Jena-Auerstedt diễn ra ở hai địa điểm khác nhau trong cùng một ngày, tất cả đều kết thúc với chiến thắng mang tính quyết định cho quân Pháp.
Đầu trận đánh, nguyên soái Michel Ney, một trong những chỉ huy dưới quyền Napoleon, quyết định đơn phương tấn công quân Phổ. Dù giành được thắng lợi bước đầu, Ney và binh sĩ nhanh chóng bị đối phương bao vây. Napoleon phải điều sư đoàn của tướng Jean Lannes đến chi viện, giải vây cho lực lượng này.
Sau khi giải nguy cho quân của tướng Ney, Napoleon phát động tấn công vào phòng tuyến đối phương khi quân Phổ đang chờ viện binh từ Weimer, gần thành phố Leipzig ngày nay. Khi viện binh đến nơi, quân chủ lực của Phổ đã bị đánh tan tác, trong khi số nhỏ tàn quân bị kỵ binh Pháp truy kích.
Quân Phổ chỉ có thể cầm chân quân Pháp trong thời gian ngắn ở thị trấn Kapellendorf trước khi bị đối phương đè bẹp. Một sư đoàn Pháp dưới quyền chỉ huy của nguyên soái Louis D'Avout cũng phong tỏa đối phương để hỗ trợ cho quân chủ lực.
Sư đoàn của D'Avout giao tranh với quân Phổ và giành chiến thắng quyết định ở Auerstedt. Hai trận đánh này đã giúp Pháp giành ưu thế, tiến tới cai trị lãnh thổ của Phổ.
Trận Friedland (1807)
Trận đánh tại Friedland vào ngày 14/6/1807 là một trong những cuộc đụng độ lớn nhất trong Chiến tranh Napoleon, diễn ra giữa quân Pháp do Napoleon trực tiếp chỉ huy với quân đội đế quốc Nga do bá tước von Bennigsen dẫn đầu.
Napoleon quyết định chặn đánh quân Nga tại Friedland, sau khi dự đoán đối phương sẽ băng qua sông Alle để tới khu vực này. Sau khi để phía Nga tin rằng 60.000 binh sĩ của họ đang áp đảo quân Pháp, Napoleon ra lệnh cho tướng Jean Lannes chỉ huy một lực lượng nhỏ truy kích quân đội Nga đang rút lui.
Sáng 13/6/1807, lực lượng của tướng Lannes chiếm Friedland. Khi quân Nga đến đây, họ đẩy quân Pháp dạt ra các ngôi làng xung quanh. Do không biết toan tính của Napoleon, quân Nga chỉ tập trung tấn công nhóm quân nhỏ của tướng Lannes mà không biết đến sự hiện diện của quân chủ lực Pháp. Khi Lannes thấy đối phương đã mắc câu, ông thông báo cho Napoleon.
Ngày 14/6, phần lớn quân Nga đã băng qua sông Alle. Khi họ đang mải mê tấn công quân Pháp ở Friedland, quân chủ lực do Napoleon chỉ huy đập tan cuộc tấn công của Nga vào làng Heinrichsdorf, Posthenen và Sortlak.
Quân Pháp sau đó nã pháo vào Friedland và giành chiến thắng tại đây, trong khi số quân Nga còn lại rút lui. Trận đánh đã chấm dứt Chiến tranh Liên minh lần thứ 4 với phần thắng nghiêng về Pháp.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.