3 mắt xích đang "nuôi lớn" vi phạm trong kinh doanh online

Vũ Khoa Thứ tư, ngày 15/11/2023 11:40 AM (GMT+7)
Thiếu công cụ, nhân lực thi hành và ràng buộc bởi các quy định liên quan nên lực lượng quản lý thị trường gặp nhiều khó khăn trong quản lý vi phạm online.
Bình luận 0

Sức mua online vượt trội

Triển khai Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 29/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt "Đề án chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025", Tổng cục Quản lý thị trường tổ chức Hội thảo "Nâng cao năng lực phòng, chống và xử lý vi phạm trong thương mại điện tử Việt Nam".

Hội thảo chủ trì bởi Tổng cục Trưởng, Trưởng ban chỉ đạo thực hiện đề án Trần Hữu Linh; 220 cán bộ Quản lý thị trường từ 22 Cục Quản lý thị trường miền Bắc; đại diện các cơ quan Cục An ninh mạng, Tổng cục Hải Quan, Tổng cục Thuế, Ủy ban Quản lý cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, cùng các doanh nghiệp trong ngành thương mại điện tử như Shopee, Lazada.

Theo Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh, thương mại điện tử, kinh doanh hàng hóa online hiện nay đã chi phối rất nhiều trong cuộc sống, đòi hỏi lực lượng chức năng phải kịp thời nắm bắt, có phương pháp kiểm soát phù hợp thực tế. Do đó, ngày 29/3, Đề án đã được Chính phủ phê duyệt theo đệ trình của Bộ Công thương.

3 mắt xích đang "nuôi lớn" vi phạm trong kinh doanh online - Ảnh 1.

Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh. Ảnh: Hoàng Hòa

Nói về hoạt động thương mại, tiêu dùng, Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh nhận định những năm trở lại đây kinh tế phục hồi, sức mua tốt. Nhưng khoảng 2 năm vừa qua, thương mại điện tử trở thành một trong những vấn đề lớn, tác động đến việc kinh doanh trực tiếp tại cửa hàng, cửa hiệu. Người mua dần thay đổi thói quen, dẫn đến các cơ sở phải cắt giảm sự hiện diện trên phố để chuyển dịch hình thức kinh doanh.

Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh lấy ví dụ tại chợ Ninh Hiệp với khoảng 2.000 hộ kinh doanh, hoạt động buôn bán tại đây luôn tấp nập. Đồng thời lượng hàng hóa luân chuyển là rất lớn, đưa đi khắp nơi trên cả nước nên số hàng giả hàng nhái cực kỳ cao. Tuy nhiên từ đầu năm 2023 đến thời điểm này, chợ Ninh Hiệp rất đìu hiu, vắng vẻ. Hay như TP.HCM, ngay cả những tuyến phố sầm uất tại quận 1, quận 3, mặt bằng bị trả lại dần phổ biến hơn.

Theo thống kê được Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường đưa ra, doanh số bán lẻ trên internet năm 2020 tại Việt Nam là 13 tỷ đồng. Đến năm 2022, con số này tăng vọt lên thành 35 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Việt Nam là nước có tỷ lệ dân số mua sắm cao nhất Đông Nam Á Gần 1 nửa dân số Việt Nam mua sắm online, cao nhất Đông Nam Á với 49,3 triệu người, tương đương 41% tỷ lệ dân số.

Còn tâm lý e ngại trong đấu tranh

"Bởi Thương mại điện tử có yếu tố online, nên yêu cầu tính nghiệp vụ cực kỳ lớn. Quá trình kiểm soát, xử lý.. lực lượng gặp rất nhiều khó khăn bởi tính đặc thù như địa điểm mua bán không xác định được, người bán hàng có thể ở bất kỳ đâu; kho hàng, thời điểm giao kết hợp đồng rất khó để xác định và chứng cứ rất dễ thay đổi. Mặt khác, việc thanh toán qua trung gian càng khiến quá trình truy vết gặp khó", Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh chia sẻ.

Chính vì vậy, còn tâm lý "ngại" xử lý đối với các vụ vi phạm thương mại điện tử ngay tại lực lượng cơ sở, bởi mất thời gian và dễ bị khiếu kiện vì người bán có thể xóa bỏ, thay đổi nội dung.. các chứng cứ một cách nhanh chóng.

Hiện nay, người mua hàng dần tạo thành thói quen mua sắm trên các sàn giao dịch thương mại điện tử. Tổng cục Quản lý thị trường thường xuyên nhận được phản ánh từ hãng có thương hiệu về tình trạng hàng giả, nhái ngay trên sàn như Lazada, Shopee và mới đây là Tiktok, càng sinh sau càng hiện đại. Song song với đó là Facebook, Zalo cũng tạo ra đất sống cho vi phạm.

Bên cạnh người bán, người mua, vô hình chung các công ty chuyển phát trở thành bên vận chuyển hàng cấm, hàng giả, hàng lậu.. Do quy định hiện nay, xe niêm phong đang kẹp chì không được phép mở. Một số vụ việc, lực lượng Quản lý thị trường buộc phải theo xe dỡ hàng tại kho rồi mới ập vào kiểm tra.

"99% các công ty chuyển phát giờ đây đang sống bằng vận chuyển, mua bán online. Chỉ 1% thư tín. Bởi có đến 60% doanh nghiệp bán hàng là ở nước ngoài. Tất nhiên điều này là thiết yếu trong quá trình phát triển, tuy nhiên cũng gây ảnh hưởng đến dữ liệu người dùng, an ninh tiền tệ", Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh nói.

3 mắt xích đang "nuôi lớn" vi phạm trong kinh doanh online - Ảnh 2.

Với khoảng 7.000 cán bộ trên khắp cả nước, công tác kiểm tra các mặt hàng truyền thống của lực lượng quản lý thị trường vốn gặp nhiều khó khăn. Nay, môi trường thương mại điện tử tăng trưởng "nóng", tính chất phức tạp tăng cao gây áp lực cho bài toán nhân sự khi phải đấu tranh trên một mặt trận mới. Nếu không làm tốt, môi trường online không lành mạnh sẽ là nơi tiềm ẩn để tích trữ, tàng trữ vận chuyển và buôn bán các loại hàng vi phạm, hàng lậu, hàng cấm..

Do đó, thông qua Hội thảo, Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh đề nghị các cơ quan, đơn vị có ý kiến đóng góp, "hiến kế" để Tổng cục Quản lý thị trường kịp thời hoàn thành đề án 319 hống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến 2025.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem