3 người khiến chiến dịch phạt Bắc lần thứ nhất của Gia Cát Lượng thất bại là ai?
3 người khiến chiến dịch Bắc phạt lần thứ nhất của Gia Cát Lượng thất bại là ai?
Thứ bảy, ngày 03/09/2022 17:32 PM (GMT+7)
Ngoài sai lầm đánh mất Nhai Đình của Mã Tắc, chiến dịch Bắc phạt lần thứ nhất của Gia Cát Lượng thất bại còn bởi sự xuất sắc của 3 viên tiểu tướng của nhà Ngụy.
Tại hồi thứ 93 trong Tam Quốc Diễn Nghĩa, nội dung xoay quanh chiến dịch Bắc phạt lần thứ nhất trong giai thoại "Lục xuất Kỳ Sơn" của Gia Cát Lượng. Tào Ngụy gồm có đại tướng Tào Chân, Vương Lãng và Quách Hoài nghênh đón cuộc tiến công của Thục quân do Gia Cát Lượng dẫn đầu.
Mùa xuân năm 228, Gia Cát Lượng lần đầu tiên phát động chiến dịch Bắc phạt, đích thân thống lĩnh 10 vạn đại quân xuất phát từ Hán Trung. Gia Cát Lượng tiến vào Kỳ Sơn, trận đầu đánh chiếm Lũng Hữu, trận tiếp theo sẽ đánh chiếm Quan Trung, đánh chắc, thắng chắc.
Ông loan tin rằng đại quân của Thục sắp sửa theo đường hẻm Tà Cốc đánh vào My Thành, cử Triệu Vân, Đặng Chi đem một bộ phận binh lực đi chiếm Ky Cốc, đồng thời làm ra vẻ như muốn đi theo đường Tà Cốc để tiến lên phía Bắc, nhằm thu hút sự chú ý của quân Tào. Sau khi sắp xếp xong, Gia Cát Lượng tự mình dẫn quân chủ lực tiến phát theo đường Kỳ Sơn về hướng Tây Bắc.
Với khí thế đang lên, quân Thục nhanh chóng phá được nhiều điểm kháng cự của quân Tào Ngụy và tiến ra Thiên Thủy.
Cũng vào lúc này, Khương Duy bỏ Ngụy theo Thục, quy thuận Gia Cát Lượng, đồng thời đề xuất sách lược chiếm lấy Thiên Thủy. Khương Duy nói rằng Doãn Thưởng và Lương Tự trong thành Thiên Thủy có quan hệ mật thiết với ông, có thể cố tình đưa tin 2 người này phản bội truyền vào trong thành, để Mã Tuân sinh lòng nghi ngờ đối với họ, dẫn đến nội loạn, như vậy có thể dễ dàng chiếm thành. Gia Cát Lượng nghe vậy cũng y kế tiến hành.
Ngay sau khi Khương Duy bắn một bức thư tín vào thành đã được một sĩ tốt mang đến cho Mã Tuân. Mã Tuân quả nhiên sinh lòng nghi ngờ với Doãn Thưởng và Lương Tự, liền hạ lệnh mau chóng xử tử hai người.
Thế nhưng, thông tin sớm đã lan truyền khắp nơi, Doãn Thưởng và Lương Tự đã mở cổng thành đón đại quân Bắc phạt của Gia Cát Lượng vào thành. Mã Tuân và cộng sự Hạ Hầu Mậu hoang mang sợ hãi, chỉ có thể dẫn vài trăm người bỏ thành chạy về chỗ Khương Hồ.
Biết tin Gia Cát Lượng chiếm được 3 quận, Tào Minh Đế Tào Duệ tập hợp quần thần bàn đối sách. Tư đồ Vương Lãng kiến nghị để đại tướng Tào Chân xuất chinh. Tào Chân nhận lệnh và xin mang theo Thứ sử Ung Châu là Quách Hoài làm phó tướng. Tư đồ Vương Lãng cũng xin được đi theo Tào Chân đến Kỳ Sơn nghênh chiến Gia Cát Lượng.
Tào Chân khi đến chiến tuyến ngay lập tức dàn binh bố trận, Gia Cát Lượng cũng đích thực chỉ huy nghênh chiến. Trước khi hai bên giao tranh, Tư đồ Vương Lãng tiến lên phía trước khuyên Gia Cát Lượng đầu hàng, nhưng lại bị Gia Cát Lượng mắng lại một tràng. Tư Đồ Vương Lãng nghe xong tức quá mà chết.
Sau khi Vương Lãng chết, Quách Hoài cho rằng Gia Cát Lượng sẽ đánh lén doanh trại quân Tào vào ban đêm, khuyên Tào Chân chia quân thành 4 hướng, chờ Gia Cát Lượng phát động tấn công thì quân Tào cũng sẽ đánh úp vào đại bản doanh quân Thục. Tuy nhiên, kế sách của Quách Hoài đã bị Gia Cát Lượng nhìn thấu, thừa tướng nhà Thục tương kế tựu kế, khéo léo thiết lập đội quân mai phục, kết quả khiến Tào Chân và Quách Hoài bị tổn thất rất nặng.
Tuy nhiên, trong chính sử, thực chất Tào Chân vẫn luôn là thống soái trấn thủ Tây Bắc, Quách Hoài từ thời Tào Phi đã đảm nhận chức Thứ sử Ung Châu, đồng thời trấn thủ Thượng Khuê chống lại sự tấn công của Gia Cát Lượng trong giai đoạn đại chiến Kỳ Sơn.
Tam Quốc chí ghi chép lại rằng: Gia Cát Lượng để Triệu Vân dẫn theo một đạo tinh binh tiến về Tà Cốc, mục đích là dẫn dụ quân chủ lực của Tào Chân. Tào Chân quả nhiên khinh suất trúng kế, dẫn quân chủ đạo đi kháng cự với Triệu Vân, để trống con đường tiến vào Kỳ Sơn cho Gia Cát Lượng tiến quân. Đây là nguyên nhân chính cho việc khai chiến thuận lợi của Gia Cát Lượng.
Tào Chân trúng kế, Quách Hoài thân là Thứ sử Ung Châu trực tiếp trở thành tướng lĩnh chỉ huy quân Tào đối đầu với đại quân Bắc phạt của Gia Cát Lượng. Quách Hoài không hề hoảng loạn mà theo dõi tỉ mỉ chiến cục Tây Bắc, áp dụng chiến thuật bỏ đi một số thành trì và chỉ tập trung cố thủ địa phận trọng yếu.
Quách Hoài quyết định bỏ Thiên Thủy, Nam An và tập trung binh lực tại địa phận Thượng Khuê. Chính điều này đã khiến bước tiến của quân Thục gặp trở ngại, góp công lớn trong việc đảo ngược tình thế chiến cục Tây Bắc.
Ngoài Quách Hoài, vẫn còn 2 tướng lĩnh khác cũng có màn thể hiện rất xuất sắc. Một là Cao Cương - tướng phòng thủ Kỳ Sơn Bảo. Với khả năng phòng ngự kiên cố, Cao Cương đã buộc Gia Cát Lượng cắt cử một đội quân ở lại vây hãm nơi này.
Người còn lại là Du Sở - Thái thú quận Lũng Tây, chỉ huy quân Tào tại đây phản kháng vô cùng mạnh mẽ. Cao Cương, Du Sở cùng với Quách Hoài tại Thượng Khuê đã tạo thành 3 nhánh kìm kẹp đại quân Bắc phạt, khiến quân Thục không thể chi viện và kết hợp với quân đội ở các mặt trận khác, dẫn đến binh lực bị phân tán, chiến sự dần rơi vào thế bế tắc kéo dài, chờ biến cố.
Quả nhiên không lâu sau đó, Mã Tắc vì không nghe theo kế sách của Gia Cát Lượng, đánh mất Nhai Đình vào tay Trương Hợp, khiến Gia Cát Lượng mất quyền kiểm soát chiến cục, đành phải rút toàn quân về Hán Trung.
Có thể thấy, trong chiến dịch chống lại đại quân Bắc phạt lần thứ nhất, thống soái Tào Chân của Tào Ngụy đã phạm sai lầm, khó có thể tán dương, mà thay vào đó là sự xuất sắc của các tướng lĩnh cấp dưới như Quách Hoài, Cao Cương và Du Sở. Nếu không có sự kháng cự kiên cường của họ để đợi được biến cố, Gia Cát Lượng chắc đã không cần phải "Lục xuất Kỳ Sơn" sau này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.