3 phó giám đốc CDC Kon Tum bị yêu cầu rút kinh nghiệm trong vụ Việt Á

Kỳ Phú Thứ năm, ngày 13/04/2023 11:40 AM (GMT+7)
UBKT Tỉnh ủy Kon Tum yêu cầu 3 phó giám đốc CDC tỉnh này rút kinh nghiệm vì có vi phạm khi ký mượn kit test của Công ty Việt Á.
Bình luận 0

Ngày 13/4, nguồn tin của PV Dân Việt cho biết, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy Kon Tum vừa tổ chức Kỳ họp lần thứ 17, trong đó xem xét các vi phạm đối với 3 phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh gồm bà Nguyễn Thị Vân, ông Phùng Mạnh Dũng và ông Y Đứk.

Tại cuộc họp, UBKT Tỉnh ủy nhận thấy, với chức trách, nhiệm vụ được phân công, 3 lãnh đạo nêu trên đã có khuyết điểm trong công tác chỉ đạo, thực hiện và kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 và để xảy ra sai phạm trong lĩnh vực được phân công quản lý đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật. 

3 phó giám đốc CDC Kon Tum bị yêu cầu rút kinh nghiệm trong vụ Việt Á - Ảnh 1.

Trụ sở Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Kon Tum. Ảnh: H.L

Tuy nhiên, khuyết điểm, vi phạm của những người này diễn ra trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19 rất phức tạp và cấp bách. Cả 3 phó giám đốc đều là những người trực tiếp ký mượn kit test của Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) sau khi đã có chủ trương của Ban Thường vụ Đảng ủy CDC Kon Tum nhưng cá nhân không trực tiếp ký các hồ sơ liên quan đến việc lựa chọn nhà thầu, hợp đồng… 

Trong quá trình tham mưu, chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19, bản thân họ thuộc lực lượng tuyến đầu chống dịch, góp phần tích cực và hiệu quả công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh.

Từ đó, UBKT Tỉnh ủy đã kết luận không xử lý kỷ luật đối với 3 người này mà chỉ yêu cầu nghiêm túc rút kinh nghiệm sâu sắc.

Trước đó, UBKT Tỉnh ủy đã quyết định thi hành kỷ luật đảng bằng hình thức khiển trách đối với Ban Thường vụ Đảng ủy CDC Kon Tum và ông Nguyễn Lộc Vương - Giám đốc CDC Kon Tum.

Như Dân Việt đã đưa tin, trong năm 2021, CDC Kon Tum đã mua 3 gói thầu sinh phẩm xét nghiệm Covid-19 của Công ty Việt Á với số lượng 14.352 test. Tổng giá trị mua sắm là trên 6,8 tỷ đồng. Trong đó, mua bằng nguồn ngân sách được cấp hơn 4,2 tỷ đồng và từ nguồn thu của đơn vị hơn 2,5 tỷ đồng.

Sau khi vụ “thổi giá” kit xét nghiệm Covid-19 của Công ty Việt Á được phát hiện và khởi tố để điều tra, UBND tỉnh Kon Tum đã yêu cầu Sở Y tế, CDC tỉnh báo cáo toàn bộ gói thầu mua sắm. Sở Y tế Kon Tum có trách nhiệm chấn chỉnh, rút kinh nghiệm trong công tác mua sắm sinh phẩm, thiết bị y tế, tránh tiêu cực, tham nhũng, vi phạm pháp luật.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem