3 "soái ca" rất siêu của ĐH Bách khoa Hà Nội tốt nghiệp sớm, bằng xuất sắc
3 "soái ca" rất siêu của ĐH Bách khoa Hà Nội tốt nghiệp sớm, bằng xuất sắc
Thứ năm, ngày 24/06/2021 10:22 AM (GMT+7)
Ba chàng trai K61 Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông Trường Đại học Bách khoa Hà Nội tốt nghiệp sớm với tấm bằng xuất sắc, được Nhà trường khen thưởng vì đều có điểm rèn luyện >=80.
Trần Hữu Trí, lớp Công nghệ thông tin CNTT 2.01 - K61 có điểm tổng kết (CPA) rất siêu là 3,83. Trí chia sẻ, cậu rất vui và tự hào về kết quả mà bản thân đạt được.
Từ cấp 3, Trí đã có niềm yêu thích với công nghệ, tin học và đam mê sáng tạo. Ngay lúc đó cậu đã tìm hiểu ngành nghề và thấy kỹ sư là một công việc phù hợp với mình. Trí định hướng sẽ học ngành Công nghệ thông tin (CNTT) từ đó. Và trong đầu cậu "nảy số" ngay đến Trường Đại học Bách khoa Hà Nội - ngôi trường có môi trường học tập tốt, đào tạo nhiều kỹ sư giỏi - đặt làm nguyện vọng 1 của mình.
Ngày trường công bố điểm, thông báo trước đó nói 6-7h tối mới có điểm chuẩn nhưng do quá sốt ruột, ngay từ sáng Trí đã "rình" trên group của trường, "Thấy nhiều bạn đăng kí cùng nguyện vọng mà điểm cao hơn, tôi đã nghĩ: Thôi xong, vì điểm của tôi chưa đạt tới mức quá cao. Kết quả điểm của tôi suýt soát điểm chuẩn, cao hơn có 0.03 điểm. Có lẽ nhận tin đỗ nguyện vọng 1 vào trường khiến tôi vui sướng hơn cả tin tốt nghiệp của vừa rồi!" - Trí kể.
Chia sẻ về bí quyết học tập, Trí cho biết cậu dành nhiều sự tập trung để có thể hiểu ngay kiến thức trên giảng đường. Để việc hiểu bài hiệu quả, Trí luôn ghi chép (kể cả những gì đã in trong sách giáo trình) và không ngại đặt câu hỏi. Khi ôn thi, cậu ưu tiên phải hiểu toàn bộ kiến thức bao gồm trong môn học trước rồi mới làm đề.
Với các môn chuyên ngành, việc đi thực tập sớm đã giúp Trí khá nhiều, từ việc hiểu kiến thức trên lớp nhanh hơn cũng như kĩ năng để làm bài tập lớn giữa kì.
Thầy giáo khiến Trí ấn tượng nhất trong thời gian dùi mài trên ghế đại học là TS. Nguyễn Kiêm Hiếu - người trực tiếp hướng dẫn cậu các môn học đồ án. Phong thái bình tĩnh và tính hài hước của thầy đã khiến Trí thêm ham học hỏi, tìm hiểu. Thầy còn tận tình, chu đáo giúp Trí có thêm nhiều kiến thức chuyên sâu và hoàn thành tốt đồ án của mình.
Ngay từ giữa năm học thứ 2, Trí đã xin đi thực tập với mong muốn được tiếp xúc với chuyên ngành sớm hơn. Trí gửi hồ sơ vào một công ty startup cho vị trí thực tập. Với kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn bằng 0, Trí đến buổi phỏng vấn với tâm lý khá thoải mái.
Dù không thể hiện được một chút chuyên môn nào nhưng với hồ sơ là sinh viên Bách khoa Hà Nội, Trí đã được công ty chấp nhận, cho tham gia thực tập. Cậu được đào tạo kiến thức chuyên môn trong thời gian 6 tháng, học được nhiều kiến thức, kĩ năng chuyên môn, tự tin hơn.
Sau đó, Trí thực tập thêm ở nhiều công ty khác nhau. Và hiện tại, sau khi ra trường, Trí đang làm tại Vin BigData.
Trí dự định sẽ làm việc để có thêm kinh nghiệm và tìm cơ hội theo học Thạc sĩ ở nước ngoài trong thời gian sớm nhất.
Bí quyết học đều đặn để không phải dồn sức vào cuối kỳ
Phạm Ngọc Du là sinh viên K61, CNTT 1.02, CPA là 3,78. Trường Đại học Bách khoa Hà Nội luôn là mơ ước của cậu từ cấp 3.
Khi mới vào Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Du không nghĩ là mình có thể ra được trường sớm hơn so với chương trình chuẩn. Các môn như Giải tích, Đại số, Vật lý rất nhiều kiến thức mới, cậu không thể hiểu ngay được. Nhưng sau khi quen dần với nhịp độ học tập, Du đã đề ra được lộ trình, phương pháp học tập phù hợp với bản thân.
Điều nhớ nhất khi mới học tập ở trường là lần thí nghiệm Vật lý 1. Do quá hồi hộp nên Du và bạn làm cùng đã không thể vượt qua được bài thí nghiệm và phải làm bù lại. Lúc đó Du rất thất vọng, nhưng cũng từ đó cậu đã cố gắng chuẩn bị kỹ càng hơn cho các buổi thí nghiệm sau để cuối cùng, kết thúc môn được điểm A.
Bí quyết học tập của Du là cố gắng duy trì việc học hàng tối đều đặn từ 2 tiếng rưỡi đến 3 tiếng, không thức quá muộn và thường đi ngủ vào lúc 11h. Việc duy trì thời gian học tập đều đặn giúp Du không phải dồn sức học vào giai đoạn cuối kỳ.
Trước giai đoạn thi cuối kỳ (khoảng tuần 14), Du sẽ lên kế hoạch ôn thi các môn và ôn tập dần đến tuần 18. Bắt đầu vào tuần thi chủ yếu Du sẽ thư giãn và chuẩn bị tâm lý để vào thi mà không ôn thêm nữa.
Người thầy có ảnh hưởng nhất với Du là PGS.TS Lã Thế Vinh - bộ môn Kỹ thuật máy tính. Thầy là người đã đồng hành cùng Du trong các môn đồ án từ năm 3.
Du luôn nhớ hình ảnh thầy lúc nào cũng vui vẻ, nhiệt tình hướng dẫn cho sinh viên. Nhờ có thầy mà Du được tiếp cận những công nghệ mới, những dự án có tính thực tế cao mà sách vở không thể mang lại.
"Làm các dự án thật luôn đòi hỏi nhiều kiến thức mới không có trong sách vở, tôi rất bỡ ngỡ và khó khăn trong cách tiếp cận. Giai đoạn đầu, tôi phải lên gặp thầy rất nhiều, mặc dù bận rộn nhưng thầy vẫn hướng dẫn tôi tỉ mỉ, giúp tôi nắm bắt được bản chất của vấn đề để từ đó có thể tự mình nghiên cứu. Tôi luôn biết ơn thầy! - Phạm Ngọc Du tâm sự.
Trong quá trình làm đồ án tốt nghiệp, Du dành toàn thời gian trong hai tháng đầu, khi đồ án sắp hoàn thành, Du đọc được các thông tin tuyển dụng trên trang của Viện CNTT&TT nên đã đăng ký và tham gia phỏng vấn.
Hiện với tấm bằng xuất sắc, Du bắt đầu đi làm tại VNG. Du đã lên kế hoạch cho việc học thêm tiếng Anh và học Thạc sĩ, tìm kiếm cơ hội học bổng đi nước ngoài.
Yêu Bách khoa, đăng ký học tiếp chương trình Thạc sỹ
Bùi Phan Thanh Cường K61, CNTT2.02 tốt nghiệp xuất sắc với điểm CPA là 3,73.
Ngay từ bé, Cường đã mơ ước trở thành một lập trình viên phát triển game. Qua tìm hiểu, cậu biết Trường Đại học Bách khoa Hà Nội là trường ĐH công nghệ hàng đầu Việt Nam. Cường quyết tâm thi vào Bách khoa Hà Nội để học tập và rèn luyện của bản thân.
Nhớ lại thời mới vào trường, Cường thấy tất cả mọi thứ đều rộng và choáng ngợp, từ khuôn viên trường, các giảng đường lớn, đông sinh viên. Lúc đó, với Cường, tất cả mọi thứ đều mới lạ, thú vị và muốn được khám phá nhiều hơn.
Cường nhận thấy các thầy cô giáo ở Bách khoa đều rất tuyệt vời, mỗi người thầy/cô cậu được học đều đem lại cho sinh viên rất nhiều kiến thức và trải nghiệm mới mẻ.
Thầy giáo để lại cho Cường nhiều ấn tượng nhất là thầy Nguyễn Hồng Phương. Thầy dễ gần, dạy hết mình, lo lắng và chỉ bảo cho sinh viên rất nhiều điều từ kiến thức chuyên ngành cho tới cả kiến thức đời sống xã hội. "Được học thầy là may mắn rất lớn của tôi" - Cường chia sẻ.
Từ những trải nghiệm cá nhân, Cường cho rằng thời gian học nặng nhất ở trường là 2 năm đầu tiên khi học đại cương. "Thời gian đó mọi người mới lên ĐH sẽ có thể hơi xao nhãng trong việc học, đó là lí do chính mà các bạn hay phải học lại mấy môn đại cương. Chỉ cần giữ vững quỹ đạo học như hồi cấp 3, thì việc hoàn thành các môn đại cương với điểm số cao là điều tương đối dễ dàng" - Cường bật mí bí quyết học tập.
Khi vào chuyên ngành rồi, Cường cho rằng việc tự học rất quan trọng. Tự tìm tòi kiến thức đã giúp Cường hiểu sâu hơn các kiến thức thầy cô truyền đạt trên lớp.
Hiện tại, Cường đã đăng ký chương trình học thạc sỹ tại Bách khoa Hà Nội, ngành Khoa học máy tính.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.