30% thí sinh không đăng ký nguyện vọng vào đại học: Bất thường hay quá bình thường?

Tào Nga Chủ nhật, ngày 21/08/2022 11:29 AM (GMT+7)
Số liệu của Bộ GDĐT cho thấy, số thí sinh đã nhập nguyện vọng là 616.044 và có 325.716 thí sinh bỏ xét tuyển vào đại học. Vậy chúng ta thấy được gì qua con số này?
Bình luận 0

Vì sao hơn 350.000 thí sinh không đăng ký nguyện vọng?

Đúng theo kế hoạch của Bộ GDĐT, 17h ngày 20/8, hệ thống tuyển sinh đã khóa chức năng đăng ký xét tuyển và thí sinh không còn cơ hội đăng ký hoặc điều chỉnh nguyện vọng. Sau 1 tháng mở cổng, số liệu của Bộ GDĐT đã "chốt" với tổng số thí sinh đăng ký xét tuyển là 941.760; số thí sinh đã nhập nguyện vọng là 616.044. Như vậy đã có 325.716 thí sinh bỏ xét tuyển, tương đương 30%.

Nhiều người đánh giá với con số hơn 325.000 thí sinh không nhập nguyện vọng đăng ký xét tuyển lên hệ thống thật sự là điều bất thường của đợt tuyển sinh năm nay. Vậy thực tế điều này là bất thường hay quá bình thường? Tín hiệu đáng mừng hay đáng lo?

30% thí sinh không đăng ký nguyện vọng vào đại học: Bất thường hay quá bình thường? - Ảnh 1.

Có 30% thí sinh không đăng ký nguyện vọng xét tuyển. Ảnh minh họa: Phạm Hưng

* Con số đáng chú ý về công tác tuyển sinh:

- Năm 2022: 616.522 thí sinh nhập nguyện vọng

- Năm 2021: 501.455 thí sinh nhập học chính quy

- Năm 2020: 441.913 thí sinh nhập học chính quy

Chia sẻ với PV báo Dân Việt, Ths Phạm Thái Sơn, giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM cho hay: "Không có gì bất ngờ hay bất thường với số liệu này. Hơn 300.000 thí sinh không đăng ký nguyện vọng, trong số đó có em đã đăng ký vào cao đẳng, trung cấp. Điều này cũng đáng mừng vì các em đã theo dõi xu hướng chọn trường hiện nay. Các em có thể học đúng chuyên ngành yêu thích nhưng với mức học phí thấp hơn và thời gian ra trường nhanh hơn. Sau khi đi làm, các em vẫn có thể học liên thông lên nếu thấy thực sự cần thiết. 

Ngoài ra, cũng có lượng lớn thí sinh đã chọn lựa đi du học hay xuất khẩu lao động sang các nước khác để tích lũy kinh nghiệm cho những năm sau đi học lại. Tỷ lệ học sinh Việt Nam đi du học cũng khá cao. Hiện số sinh viên Việt Nam đang lưu học tại nước ngoài là 100.000 người".

Theo Ths Thái Sơn: "Cách đăng ký nguyện vọng năm nay có một số điều mới hơn năm cũ nên Bộ GDĐT đã cho cơ hội để các thí sinh có thể suy cân nhắc và điều chỉnh nguyện vọng. Chỉ sợ trong số hơn 300.000 thí sinh này, có em chưa đăng ký nguyện vọng được vì chưa có thông tin rõ ràng và vì phương tiện các em không có nếu như ở vùng sâu, vùng xa".

PGS.TS Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng Phòng Đào tạo, Trường Đại học Thủy lợi, Hà Nội cho biết: "Một số thí sinh thấy điểm thấp không đăng ký nguyện vọng. Một số em chuyển sang học nghề, trung cấp, cao đẳng hoặc đi du học, xuất khẩu lao động. Số liệu này cũng tương tự như những năm trước dao động khoảng 500.000-600.000 thí sinh đăng ký nguyện vọng. 

Cách đăng ký nguyện vọng năm nay rất thuận tiện cho thí sinh, là cuộc chuyển đổi số. Thí sinh chỉ cần ở nhà cũng có thể đăng ký được nguyện vọng. Thời gian đăng ký dài cũng giúp cho thí sinh có nhiều thời gian lựa chọn và điều chỉnh. 

Đáng mừng hay đáng lo?

Theo thầy Đinh Đức Hiền, giáo viên Sinh học, Hệ thống Giáo dục Hocmai: "30% số thí sinh không đăng ký xét tuyển đại học – sự chuyển biến tích cực về tư duy xã hội và cân bằng nguồn lực.

Trong nhiều năm qua chúng ta đối diện với sự mất cân bằng nhân lực, thừa thầy, thiếu thợ. Tỉ lệ sinh viên ra trường thất nghiệp cao có nhiều nguyên nhân, nhưng sâu xa nó đến từ việc học sinh chưa được định hướng và nhận thức đầy đủ, đúng đắn từ khi còn trên ghế nhà trường. 

30% thí sinh không đăng ký nguyện vọng vào đại học: Bất thường hay quá bình thường? - Ảnh 2.

Đã có sự chuyển biến tích cực về tư duy xã hội và cân bằng nguồn lực. Ảnh minh họa: Phạm Hưng

Những nguyên nhân nào khiến số thí sinh không đăng ký xét tuyển đại học tăng cao? Nguyên nhân hàng đầu và chủ yếu đến từ nhận thức về kinh tế xã hội, về giá trị tấm bằng đại học, về năng lực bản thân của phụ huynh, học sinh đã đúng đắn, thực tế hơn. Rất nhiều thí sinh đã chọn học cao đẳng, trung cấp nghề sau khi tốt nghiệp, con số này những năm trước chỉ khoảng 10% tương đương khoảng 90.000 thí sinh. 

Chúng ta đều biết, từ xưa đến nay dân tộc ta có truyền thống hiếu học, dù khó khăn đến đâu thì những bậc làm cha, làm mẹ cũng mong muốn con mình được đỗ đạt thành tài. Tư tưởng đó, suy nghĩ đó đã ăn sâu vào tiềm thức của mọi người. Thế nên, con đường để bước vào học nghề để sau này làm thợ chỉ là phương án lựa chọn thứ yếu của các bậc phụ huynh và các em học sinh trong những năm qua. 

Nhưng giờ đây tư tưởng đó đã dần thay đổi. Câu chuyện về thế nào là thành công, giá trị hạnh phúc đã thực tế và đúng đắn, phù hợp hơn. Nó cho thấy công tác hướng nghiệp tại các trường phổ thông đang ngày càng hiệu quả, chắc chắn chương trình Giáo dục phổ thông mới triển khai tới đây với định hướng nghề nghiệp mạnh mẽ ở bậc THPT sẽ mang lại kết quả tốt hơn nữa. 

Nguyên nhân nữa có thể kể đến như lượng học sinh du học có thể tăng sau thời gian dịch Covid-19. Con số này trước dịch Covid-19 khoảng hơn 20.000 thí sinh mỗi năm. Học phí đại học tăng mạnh, trong khi cơ chế tín dụng cho sinh viên từ Nhà nước vẫn thiếu và yếu cũng là nguyên nhân khiến các em học sinh băn khoăn khi lựa chọn con đường của mình".

Thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc Tuyển sinh, Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn bày tỏ: "Tôi nhận định số thí sinh trên có lẽ đã chọn cho mình hướng học khác. Dẫn chứng như hiện tại các trường cao đẳng đã tiến hành thủ tục nhập học cho các thí sinh. Bên cạnh đó, hệ thống các trường đào tạo chương trình nước ngoài hiện nay đang phát triển mạnh và trở thành xu hướng cho sinh viên "du học tại chỗ". Hệ thống trường/chương trình này thu hút lượng thí sinh không nhỏ và không phụ thuộc vào lịch trình tuyển sinh chung hiện nay của Bộ GDĐT. Ngoài ra, nhiều thí sinh đã chọn hướng du học trong tình hình dịch bệnh được kiểm soát...

Nếu tình hình đúng như tôi dự đoán thì chúng ta đã có sự phân hóa khá tốt ở các bậc học. Đồng thời cũng chứng minh cho quan điểm hiện nay, đại học không phải là con đường duy nhất của các bạn trẻ sau khi hoàn thành bậc THPT".

Bộ GDĐT thông báo lùi lịch thanh toán trực tuyến lệ phí đăng ký xét tuyển đại học. Chi tiết thời gian cho thí sinh các tỉnh thành thanh toán như sau:

- Từ ngày 24/8/2022 đến 17h ngày 29/8/2022: Thành phố Hà Nội, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Yên Bái, Hòa Bình, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Thành phố Hải Phòng.

- Từ ngày 25/8/2022 đến 17h ngày 30/8/2022: Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Kon Tum.

- Từ ngày 26/8/2022 đến 17h ngày 31/8/2022 dành cho các thí sinh thuộc các tỉnh/thành phố còn lại.

Thí sinh tự do gặp khó khăn khi đăng kí xét tuyển nguyện vọng trực tuyến. Clip: VTV24

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem