"Đệ nhất tiểu thư" đầy quyền lực ở Trung Á

Chủ nhật, ngày 30/09/2012 12:39 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Được cho là sẽ được ông bố Karimov truyền chức tổng thổng Uzbekistan, nhưng Gulnara Karimova chỉ muốn theo nghiệp ca sĩ, dù cô đã 40 tuổi và là bà mẹ hai con.
Bình luận 0

Ca sĩ, nhà thơ với các chiêu trò tự đánh bóng

Karimova là ca sĩ nhạc pop có nghệ danh GooGoosha (do bố đặt cho), từng hát song ca với các nam ca sĩ lão thành Julio Iglesias và Sting. Karimova cũng sáng tác nhiều ca khúc bằng tiếng Uzbekistan và lời hát được cho là dựa trên kinh nghiệm sống của chính cô.

Trong địa chỉ mạng xã hội Twitter, Karimova xưng mình là “nhà thơ, ca sĩ giọng nữ trung, nhà thiết kế thời trang và người đẹp lạ lùng của Uzbekistan”.

img
Ca sĩ GooGoosha

Mãi đến tháng 6.2012, GooGoosha mới có đĩa đơn đầu tiên hát bằng tiếng Anh là RoadRun. Lý lịch trích ngang trên website của GooGoosha giới thiệu: “Từ khát vọng thể hiện bản thân, cô ấy tạo nên những vần thơ và từ thơ cô viết thành nhạc. Như cuộc đời, album đầu tay của GooGoosha đưa bạn đến nhiều cảm xúc, trải nghiệm và các bài học. Đó là sự kết hợp của vần điệu và lời chứng cá nhân về quyền lực của những cảm xúc sâu lắng”.

GooGoosha tự sự trên website: “Thơ tôi là những suy nghĩ có nhịp, đầy cảm xúc nên chúng có giá trị với tôi. Việc tự lột tả bản thân trong các câu thơ khiến chúng như dòng nhạc cuộc đời. Đó là những trải nghiệm cuộc sống của GooGoosha”. Gần đây nhất, cô “trân trọng vui mừng thông báo” cô xếp hạng năm trên bảng xếp hạng ca khúc hay Billboard Hot Club/Dance. Còn có thông tin rằng tạp chí American Billboard đánh giá cao đĩa đơn RoadRun.

Nhưng dù nỗ lực đánh bóng bằng cả hai cái tên Karimova và GooGoosha, cô vẫn bị phát hiện: truy cập vào địa chỉ mạng cnn.com và billboard.com, người ta nhận được kết quả: không có thông tin về GooGoosha và Billboard thông báo về RoadRun: “Bài hát này chưa bao giờ được xếp hạng”.

Karimova cũng đã nhiều lần ráng trở thành ngôi sao quốc tế ở vai trò nhà tạo mẫu thời trang và thiết kế đồ trang sức. Nam ca sĩ Sting người Anh từng là khách mời dự một trong những buổi biểu diễn các mẫu trang phục của cô ở thủ đô Tashkent hồi năm 2009.

Có tin Sting được trả thù lao 3 triệu USD để có mặt tại một bữa tiệc do cô tổ chức.

“Đệ nhất tiểu thư” với quyền lực ghê gớm

img
Karimova xem biểu diễn thời trang cùng Sting

Hồi năm 2011, lẽ ra Karimova góp mặt ở Tuần thời trang New York, Mỹ nhưng cuối cùng ban tổ chức bất ngờ hủy giờ trình diễn bộ sưu sưu tập thời trang xuân hè 2012 có tên Guli của Karimova, do các nhà hoạt động nhân quyền Mỹ đã tổ chức phản đối chống Karimova, bởi cô là con gái cả của Karimov, người bị phương Tây cáo buộc là nhà độc tài bạo tàn liên tục vi phạm nhân quyền.

Karimov, 74 tuổi, cầm quyền ở Uzbekistan từ tháng 3.1991 - sau khi Liên bang Xô viết tan rã - đến nay. Ông bị cáo buộc từng “luộc sống” hai đối thủ chính trị, trong khi chế độ Karimov bị tố cáo về những cuộc tra tấn, và hằng năm các học sinh phải nghỉ học nhiều tháng và bị buộc lao động nặng trong ngành trồng bông. Hiện một số nhà thời trang cao cấp như GAP, H& M và Walmart từ chối mua bông Uzbekistan. Năm 2005, cảnh sát Uzbekistan cũng bắn chết hàng trăm người biểu tình.

Theo tài liệu mật của cựu đại sứ Anh tại Uzbekistan bị Wikileaks công bố, Uzbekistan “là cơn ác mộng của thế giới, tham nhũng tràn lan, tội phạm lộng hành, cảnh sát tra tấn, bắt cóc, cưỡng hiếp”. Karimova có số tài sản 390 triệu bảng Anh, nhưng là người phụ nữ bị ghét nhất ở đất nước Trung Á tham nhũng tràn lan này, do cô đều có phần ở bất kỳ vụ làm ăn béo bở nào: “Đa số dân xem Karimova là một kẻ khát quyền lực và tiền bạc, tham lam và dựa vào bố để đàn áp bất kỳ ai ngáng đường”.

Các nhà ngoại giao gọi cô là “đệ nhất tiểu thư” và cô bị lọt vào tầm ngắm của sứ quán Mỹ từ năm 2004. Karimova và em gái Lola thường dự nhiều bữa tiệc “đến 3 giờ sáng mới về”. Đi cùng hai chị em là bốn “khỉ đột” to con. Lola lái xe thể thao Porsche, “hàng độc” ở thủ đô Tashkent, và khiêu vũ suốt đêm với bạn trai “trông rất ngầu”.

Karimova có bằng tiến sĩ ở Đại học Harvard (Mỹ) và còn đăng ký là giáo sư Trường đại học Kinh tế Tashkent. Được bố cấp hộ chiếu ngoại giao, cô giữ nhiều vai trò quan trọng trong chính phủ của bố.

Cô là đại sứ Uzbekistan ở Tây Ban Nha từ năm 2010 nhưng thường sống ở Geneve (Thụy Sỹ) với chức danh đại diện thường trực của Uzbekistan ở LHQ, và là nơi cô có cổ phần từ những hợp đồng dầu thô của Công ty Zeromax.

Công ty này được xem là “máy rửa tiền” cho chế độ Karimov, dù cô luôn chối. Một doanh nhân Mỹ nói sau khi công ty ông ta từ chối đề nghị mua cổ phần công ty điện thoại di động Skytel của Karimova, họ luôn bị cơ quan công quyền Uzbekistan gây khó dễ.

Theo Thế giới & Hội nhập
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem