Nằm cách khu vực bãi mìn dày đặc của Triều Tiên chừng 10km về phía Bắc, gần khu phi quân sự phân chia bán đảo Triều Tiên từ năm 1953 và được canh gác nghiêm ngặt, khu liên hợp công nghiệp Kaesong (KIC) ra đời năm 2003 với phần lớn vốn đầu tư của Hàn Quốc. Kaesong chính là thành phố lớn thứ ba của Triều Tiên và từng là cố đô của triều đại Goryeo.
|
An ninh tại KIC luôn nghiêm ngặt |
Hàn Quốc khẳng định mục đích ra đời của KIC là nhằm phát triển một khu công nghiệp, nơi các công ty nước mình có thể sản xuất hàng hóa sử dụng lao động của Triều Tiên. Seoul tin rằng KIC sẽ giúp Bình Nhưỡng có thể bắt đầu cải cách nền kinh tế và giảm sự căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên.
Đây cũng được xem là một cách để khuyến khích các công ty duy trì sản xuất tại nội địa thay vì chuyển sang Trung Quốc hay các nước có nhân công giá rẻ khác. Mặc dù là một dự án tư nhân do Hyundai Asan, một công ty con của tập đoàn Hyundai, và tập đoàn bất động sản Hàn Quốc đầu tư, cả hai chính phủ đều tham gia vào sự ra đời của KIC.
Seoul có nhiều chương trình khuyến khích các công ty đầu tư vào đây, bao gồm cả việc bảo hiểm rủi ro chính trị để bù đắp tổn thất cho các khoản đầu tư nếu tình hình diễn biến bất lợi. Tất cả hàng hóa được sản xuất tại đây đều được xuất khẩu trở lại Hàn Quốc.
Ngoài ra KIC là một khu vực phi thuế quan và các doanh nghiệp không bị hạn chế trong việc sử dụng ngoại tệ hay thẻ tín dụng. Công nhân cũng không cần phải xin visa để vào khu vực này.
Theo thống kê của Bộ thống nhất Hàn Quốc, đến hết tháng 12 vừa qua, có tổng cộng 123 công ty đang hoạt động tại KIC, với nhiều ngành từ may mặc, sản xuất linh kiện ô tô và thiết bị bán dẫn. Đại đa số công nhân ở đây là người Triều Tiên với 53.448 người. Ngoài ra còn có 786 người Hàn Quốc. Ban đầu chỉ có 15 công ty Hàn Quốc đầu tư vào đây.
Trong năm ngoái, tổng giá trị hàng hóa được sản xuất tại đây đạt 470 triệu USD và là nguồn đóng góp lớn nhất vào quan hệ thương mại hai miền Triều Tiên.
|
Rất nhiều công nhân Triều Tiên được tuyển dụng |
Theo báo giới Hàn Quốc, Triều Tiên hiếm khi đóng cửa khu liên hợp này để bày tỏ thái độ như đang diễn ra bởi KIC là một nguồn thu ngoại tệ thiết yếu đối với Bình Nhưỡng. Tuy nhiên Triều Tiên lại tỏ ra giận dữ trước nhận định này.
Theo thỏa thuận giữa hai nước, doanh nghiệp Hàn Quốc không ký hợp đồng lao động trực tiếp với người Triều Tiên mà thông qua công ty tuyển dụng của Bình Nhưỡng. Công ty này sẽ nhận tiền lương bằng ngoại tệ từ các chủ sử dụng lao động sau đó chi trả cho công nhân bằng nội tệ.
Theo Bộ thống nhất Hàn Quốc, mỗi năm các công ty nước này chi khoảng hơn 80 triệu USD tiền lương cho các công nhân Triều Tiên làm việc tại KIC. Còn theo Reuters, dự án chung này đã đóng góp gần 2 tỷ USD về thương mại cho Triều Tiên kể từ khi ra đời.
Tuy vậy nếu KIC bị đóng cửa thực sự, chính phủ Hàn Quốc cũng thiệt hại không nhỏ, trong đó có việc họ sẽ phải chi hàng trăm triệu USD tiền bảo hiểm rủi ro chính trị cho các công ty đã đổ vốn vào đây.
Năm 2009 Triều Tiên từng áp đặt một số lệnh cấm đối với KIC sau khi Mỹ - Hàn tập trận chung. Trong đó việc ra vào KIC bị phong tỏa trong vài ngày khiến hàng trăm công nhân Hàn Quốc mắc kẹt.
Sau đó các lệnh cấm này được nới lỏng dần, biên giới được mở cửa trở lại và các yêu cầu nhà đầu tư Hàn Quốc tăng lương cũng được rút lại. Đây cũng là lần hiếm hoi hoạt động tại KIC bị gián đoạn còn lại hầu hết các doanh nghiệp tại đây hoạt động bình thường và không ngừng mở rộng bất chấp những căng thẳng chính trị đôi lúc lại bùng phát.
Kể từ năm 2010 đến nay KIC chưa hề bị đóng cửa dù đã xảy ra 2 sự cố lớn về ngoại giao giữa hai nước. Đầu tiên là việc chiến hạm Cheonan của Hàn Quốc bị đánh chìm, khiến 46 thủy thủ thiệt mạng. Seoul quả quyết Bình Nhưỡng đã tấn công nhưng phía Triều Tiên bác bỏ.
Cuối năm 2010, các đơn vị pháo của Triều Tiên bất ngờ nã pháo lên đảo Yeonpyeong nằm trong khu vực vùng biển tranh chấp. 4 người Hàn Quốc đã thiệt mạng trong đó có 2 dân thường.
Theo Dân Trí
Vui lòng nhập nội dung bình luận.