"Giếng tử thần" xuất hiện liên tiếp ở Hòa Bình

Thứ sáu, ngày 11/04/2014 22:29 PM (GMT+7)
Chưa đầy một tháng, trên địa bàn hai huyện Yên Thủy và Lạc Sơn (Hòa Bình) đã xảy ra nhiều vụ sụt, lún, nứt đất; tạo ra những “giếng tử thần” gây hoang mang, lo lắng và ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân nơi đây...
Bình luận 0
Hoang mang “giếng tử thần”

Ngày 1.3, tại xóm Thịnh Phú, xã Lạc Thịnh (Yên Thủy) xuất hiện một hố sụt có đường kính 5m, sâu 5m; ngay sau đó, chính quyền địa phương đã cho chăng dây, rào chắn và cắm biển cảnh báo. Tại xóm Khi, xã Ân Nghĩa, huyện Lạc Sơn, lúc 6h ngày 12.3, xuất hiện một hố có đường kính 8m, sâu khoảng 10m. Hai ngày sau, cách hố sụt đầu tiên khoảng 5m lại xuất hiện hố có đường kính 4m, sâu 6m. Hiện nay, những hố sụt này đều chứa đầy nước, bà con gọi là những… "giếng tử thần".

Hiện trường “giếng tử thần” ở xóm Thịnh Phú, xã Lạc Thịnh, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình.
Hiện trường “giếng tử thần” ở xóm Thịnh Phú, xã Lạc Thịnh, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình.

Có mặt tại xóm Khi, chúng tôi thấy ngay sát mép đường liên thôn có hai hố sụt không có rào chắn hay biển cảnh báo. Khi được hỏi vì sao không ngăn cấm người, phương tiện đi qua khu vực “giếng tử thần”, ông Bùi Văn Bẳn, Bí thư Chi bộ xóm Khi cho hay: "Khi xảy ra những hố sụt, chính quyền địa phương đã lập rào chắn, nhưng được mấy ngày, thấy yên tĩnh, người dân đã tự ý tháo bỏ. Hằng ngày, người dân, nhất là học sinh và xe ô tô chở vật liệu xây dựng vẫn... vô tư qua lại".

Được biết, xóm Khi có 75 hộ dân với 350 nhân khẩu, trong đó có 11 hộ dân nằm trong diện phải di dời khẩn cấp ra khỏi khu vực nguy hiểm. Tuy nhiên, hiện nay chỉ mới có 1 hộ dân tiến hành di dời. Bà Bùi Thị Chi - một người dân ở xóm Khi vẫn chưa hết bàng hoàng cho biết: “Đang đêm, người dân chúng tôi nghe rầm một tiếng, cứ nghĩ là tiếng mìn nổ của mỏ than đang khai thác, nên không ai để ý. Sáng ra nhìn thấy tình trạng đất lún sụt, chúng tôi rất hoang mang và lo sợ. Từ xưa tới nay, ở địa phương chúng tôi chưa hề xảy ra tình trạng này…”.

Mong chờ kết luận chính thức

Trước hiện tượng lún sụt trên, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hòa Bình đã phối hợp với Viện Địa chất (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) tiến hành khảo sát, nghiên cứu để tìm nguyên nhân và đưa ra giải pháp phòng, tránh.

Ông Bùi Văn Thắng, Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hòa Bình, cho biết: Theo đánh giá của cơ quan chức năng, hiện tượng sụt, lún, nứt đất xảy ra trên địa bàn xóm Khi là do nền đất yếu, độ dày lớn lại có nhiều đới phá hủy đứt gãy chạy qua, phản ánh tính kém bền vững của môi trường địa chất. Tuy nhiên, đây chưa phải là kết luận chính thức của cơ quan chuyên môn về nguyên nhân hiện tượng sụt, lún đất bất thường này…

Ngày 27.3, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Hòa Bình, Đoàn kiểm tra liên ngành gồm: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Khoa học và Công nghệ; Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Tài chính và UBND huyện Yên Thủy (do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì) cũng đã xuống kiểm tra thực tế tại hiện trường. Trước mắt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị chính quyền địa phương tổ chức khoanh vùng, lập rào chắn, cắm biển cảnh báo và dừng ngay việc triển khai tái định cư tại khu vực sụt, lún đất.

Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần sớm có kết luận chính thức về hiện tượng sụt, lún đất nêu trên để thông báo, tuyên truyền, giải thích giúp người dân an tâm, ổn định cuộc sống... Mặt khác, địa phương cũng cần có những chính sách phù hợp nhằm hỗ trợ các hộ gia đình nằm trong khu vực nguy hiểm kịp thời di dời, không để tình trạng sụt lún đất ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của người dân.
QĐND (Theo QĐND)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem