Hồ Duy Hải.
Theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sau quá trình giám sát về tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật, Hồ Duy Hải (Long An) bị kết án tử hình về các tội Giết người, Cướp tài sản.
Trước thời điểm thi hành án tử hình, có đơn của gia đình và luật sư kêu oan cho Hải. Theo yêu cầu của Chủ tịch nước và yêu cầu của Đoàn giám sát, liên ngành VKSND Tối cao, TAND Tối cao và Bộ Công an đã tiến hành xem xét vụ án này.
Sau khi tiến hành các nghiệp vụ cần thiết, Đoàn giám sát khẳng định việc kết án tử hình đối với Hồ Duy Hải về các tội danh trên là “có căn cứ pháp luật, quá trình điều tra còn có một số vi phạm, thiếu sót nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án”.
Qua công tác giám sát cho thấy, việc giải quyết vụ án này có nhiều thiếu sót, vi phạm như quá trình khám nghiệm hiện trường không chú ý xem xét để thu giữ những đồ vật liên quan đến dấu vết trên cơ thể nạn nhân như cái thớt, chiếc ghế inox, con dao nên sau này bị can khai ra đó là hung khí vụ án thì cái thớt, con dao đã bị thất lạc không tìm lại được; chiếc ghế thu giữ sau này được cho là vật chứng không đúng với chiếc ghế phản ánh trong biên bản khám nghiệm và bản ảnh hiện trường; kiểm tra việc sử dụng thời gian của Hải vào ngày xảy ra vụ án thiếu chính xác, chưa chặt chẽ; một số biên bản ghi lời khai, hỏi cung bị tẩy xóa, sửa chữa nhưng không có chữ ký xác nhận của người khai; động cơ, mục đích giết người nêu trong kết luận của các cơ quan tố tụng chưa phù hợp với diễn biến vụ án.
"Đây là những thiếu sót, vi phạm dẫn đến nghi ngờ về tính khách quan của kết quả điều tra, truy tố, xét xử” – báo cáo nêu.
Cũng trong báo cáo giám sát về tình hình oan, sai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, một số vụ án đặc biệt nghiêm trọng mà dư luận quan tâm thì có những vụ án đã xảy ra cách đây từ 7-10 năm, có vụ 16 năm (ngoài kỳ giám sát) nhưng gần đây mới được phát hiện.
Đối với vụ Lê Bá Mai (Bình Phước phải xét xử nhiều lần (7 lần), gần 10 năm mới kết thúc; quá trình điều tra, truy tố, xét xử lại vụ án này đã cơ bản khắc phục được những thiếu sót, vi phạm; bản án phúc thẩm sau cùng năm 2013 có hiệu lực pháp luật kết án Lê Bá Mai tù chung thân về các tội Hiếp dâm trẻ em, Giết người đến nay chưa có căn cứ kết luận Lê Bá Mai bị oan.
Đối với vụ Nguyễn Văn Chưởng (Hải Phòng) cùng 2 đồng phạm khác phạm các tội Giết người, Cướp tài sản, bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm đã kết án Nguyễn Văn Chưởng tử hình, Đỗ Văn Hoàng tù chung thân, Vũ Toàn Trung 23 năm tù. Trong vụ án này, kháng nghị giám đốc thẩm của Viện trưởng VKSND Tối cao yêu cầu xác định lại vai trò của Chưởng trong tội giết người là có căn cứ nhưng Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án phúc thẩm là không đúng với tính chất, hành vi của các bị cáo Chưởng, Hoàng, Trung trong tội Giết người.
Đối với một số vụ án khác được nhiều cử tri quan tâm như vụ Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận) bị kết án chung thân về các tội Giết người, Cướp tài sản; vụ Đỗ Minh Đức (Hải Phòng) bị kết án chung thân về tội Giết người; vụ Hàn Đức Long (Bắc Giang) bị kết án tử hình về các tội Hiếp dâm trẻ em, Giết người, vụ Đỗ Thị Hằng (Bắc Giang) bị kết án 6 năm tù về tội Mua bán phụ nữ chưa có căn cứ xác định bị oan, nhưng qua giám sát đã xác định các vụ án này có những vi phạm nghiêm trọng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Hiện nay các vụ án này đang được điều tra lại.
Kết quả giám sát cho thấy 3 năm còn để xảy ra 71 người bị oan và một số trường hợp khác có dấu hiệu bị oan đang được xem xét, giải quyết. Thực trạng này đã cho thấy tình hình làm oan người vô tội trong hoạt động tố tụng hình sự hiện nay còn nghiêm trọng.
UBTV Quốc hội cũng cho thấy một thực trạng đáng lo ngại hơn là phần lớn các địa phương báo cáo trong nhiều năm chưa phát hiện thấy trường hợp nào làm oan người vô tội. Tuy nhiên, có một số địa phương lại để xảy ra nhiều trường hợp làm oan như các tỉnh Sóc Trăng (7 người), Khánh Hòa (6 người), Thanh Hóa (5 người), Vĩnh Phúc (4 người), Đắk Lắc (4 người), Cần Thơ (4 người), Bến Tre (3 người), Bình Phước (3 người), Quảng Trị (2 người), Cà Mau (2 người), Đà Nẵng (2 người) và một số địa phương khác mỗi tỉnh một người.
"Hầu hết các trường hợp bị oan trong những năm gần đây đều được các cơ quan có thẩm quyền tố tụng qua kiểm tra, phát hiện và cơ bản được khắc phục, xử lý ngay trong giai đoạn điều tra, truy tố, nhưng cũng có trường hợp bị oan chưa được phát hiện, xử lý kịp thời, ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người bị oan", Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận định.
(Theo Nhật Thanh/Pháp luật Việt Nam)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.