Trong những ngày la cà thực tế ở nhiều quán nhậu trên địa bàn thành phố, tôi nhận thấy phần lớn tiếp viên đều là người ở các tỉnh, thành khác đến và ít ai học quá lớp 9. Hỏi các cô về nguyên do dẫn đến nghề này thì đều có hoàn cảnh thương tâm na ná như nhau: "Ba em ho lao, má em chơi hụi vỡ nợ, em phải đi làm để kiếm tiền chữa bệnh cho ba, trả nợ cho má", hoặc "ba em bỏ đi lấy vợ khác, má em một mình nuôi mấy chị em em từ đó tới giờ. Nay em làm để báo hiếu má", nghe cảm động hết biết.
1. Ở quán nhậu Đ trên đường Nguyễn Văn Đậu, quận Bình Thạnh có cô tiếp viên tên Kim, da nâu, xinh xắn. Hễ gặp khách "boa" đẹp - nghĩa là từ 200 nghìn trở lên thì ngay lập tức vừa cầm tiền, cô vừa khóc rưng rức, nước mắt nước mũi chèm nhẹp. Khi tôi hỏi vì sao lại khóc thì cô nức nở: "Má em bị tai biến nằm liệt giường. Bây giờ cầm số tiền này, em nghĩ thương má quá. Tối nay em gửi về quê để má mua gạo, uống thuốc". Anh bạn ngồi chung bàn với tôi xem ra mủi lòng, móc túi cho cô 100 nghìn nữa.
Lúc chúng tôi ra về và vừa đến cổng thì một tiếp viên khác cho tôi biết: "Con nhỏ đó đóng kịch thôi anh ơi. Ai lần đầu boa cho nó, nó cũng khóc, cũng kể "má em tai biến", mà nó biết lựa người để "khóc" chứ không khóc lung tung!".
Nghe nói chỉ riêng tiền "boa", mỗi tháng Kim kiếm không dưới 10 triệu đồng. Đi đêm có ngày gặp ma. Một bữa Kim bị tổ trác vì không nhớ hết mặt khách nên vừa thấy cô khóc, ông khách đã chửi thề rồi nói: "Sao lần nào gặp tao mày cũng khóc dzậy?". Rất nhanh trí, cô sụt sùi: "Dạ, tại vì lần nào gặp anh, anh cũng boa cho em nên nhìn thấy anh, em nhớ má, em khóc!".
Cũng có một số cô vào nghề tiếp viên vì gia đình dang dở và theo họ thì họ không còn chọn lựa nào khác. Mai, tiếp viên tại quán M trên đường Vành Đai Trong, quận Bình Tân kể: "Con em lên 5 tuổi thì vợ chồng em chia tay. Nghề nghiệp, vốn liếng không có nên em gửi con cho ngoại, lên trên này đi làm kiếm tiền". Lương tháng 1,5 triệu, bị trừ 300 nghìn tiền "bàn", thuê nhà chung với bạn hết 600 nghìn, ăn uống tối thiểu cũng khoảng 1,5 triệu, chưa kể các chi phí như xe ôm đi lại và những tốn kém riêng tư phụ nữ - nghĩa là âm cả vào lương nhưng Mai vẫn sống khỏe. Theo lời cô, với 6 bàn mà cô phụ trách, hàng ngày trung bình tiền "boa" cô kiếm được là 300 nghìn, tháng 9 triệu!
Mai nói: "Thường thì mỗi bàn, khách cho em 50 nghìn hoặc 100 nghìn. Gặp khách cảm tình với em, họ cho 200, đôi khi 500 nghìn". Cũng không ít những người khách, tiền "boa" là tiền còn thừa trong hóa đơn. Mai nói tiếp: "Có khi chỉ là 10, 15 nghìn nhưng cũng có khi 80-90 nghìn". Góp gió thành bão, hàng tháng Mai gửi về quê ít nhất cũng 4 triệu để vừa nuôi con, vừa phụ giúp gia đình.
"Coi vậy mà hổng phải vậy đâu anh ơi" - Mai nói: "Nhiều người cứ nghĩ làm tiếp viên quán nhậu là sướng vì được ăn, được uống, lại còn được tiền boa nhưng đâu ai biết một tiếp viên phụ trách 3 bàn, ngày 2 ca sáng, chiều là 6 bàn, tụi em đi đi lại lại tổng cộng không dưới 5km".
Chỉ cho tôi xem những mảng tĩnh mạch màu xanh xám, ngoằn ngoèo ở chân, Mai cho biết mấy hôm rồi tê chân quá, cô đi khám thì được bác sĩ cho biết là cô bị suy tĩnh mạch chi dưới. "Sau khi kê đơn thuốc, bác sĩ biểu em phải nghỉ ngơi, hạn chế đi lại và nhất là đừng đứng nhiều. Nhưng làm nghề này mà không đi, không đứng, bữa trước bữa sau quản lý đuổi là cái chắc" - Mai nói.
Có tiền, nhiều tiếp viên sắm được xe gắn máy, điện thoại di động đời mới, thậm chí có cô sắm cả iPad rồi những lúc vắng khách, 5, 6 cô chụm đầu xem tin "đâm - cướp - hiếp - giết". Hà, tiếp viên ở quán B trên đường Trần Não, quận 2 cho biết: "Mỗi khi đi làm, em cho 2 bạn ở chung phòng quá giang, coi như đỡ tiền xăng".
Chỉ cho tôi xem vết sẹo to gần bằng trái chanh ở đầu gối, Hà kể bữa đó một cô trong nhóm bị khách ép uống quá nhiều nên say hết biết. Trên đường về nhà và mặc dù đã có cô ngồi sau đỡ, nhưng cô tiếp viên say xỉn vẫn cứ nghiêng bên này, ngả bên kia. Tới một khúc quanh, do không làm chủ được tay lái nên chiếc xe gắn máy đổ kềnh ra đường, đầu gối Hà chà xuống mặt đường, da lột ra một mảng.
Cũng theo lời Hà, nhiều bữa quán ế khách, chị quản lý rủ mấy cô đánh bài, ai thiếu tiền quản lý cho mượn: "Gọi là đánh chơi cho vui nhưng có đứa thua cả triệu bạc. Mượn quản lý với hy vọng sẽ gỡ lại được, ai dè gỡ đâu chưa thấy, chỉ thấy lãi mẹ đẻ lãi con rồi suốt 3 tháng sau, cả tiền lương lẫn tiền "boa" góp lại trả mới hết".
Để kiếm tiền "boa", nhiều tiếp viên không ngại nói xấu lẫn nhau với khách, hoặc tranh giành khách sộp. Tại quán nhậu K trên đường Phổ Quang, quận Tân Bình, khi thấy 5-6 thanh niên áo quần bảnh bao, đi xe tay ga bước vào, cô tiếp viên tên Thanh đã nhanh nhảu: "Mấy anh ngồi bàn này nè, vừa thoáng vừa mát. Mấy anh uống bia gì?".
Lúc Thanh quay ra lấy ly, lấy đá, một tiếp viên khác mỉa cô: "Khách muốn ngồi đâu là quyền tự do của họ. Sao mày cứ dụ họ ngồi bàn mày?". Chẳng phải tay vừa, Thanh đốp chát: "Mày ngon mày cứ dụ đi. Dụ không được thì đừng có nói". Lời qua tiếng lại, cuộc đấu khẩu mỗi lúc một căng mà nếu quản lý không xua mỗi cô đi một nơi, thì cả hai lao vào "giáp lá cà" là cái chắc!
Mỗi tiếp viên phụ trách 3 hoặc 4 bàn, và chỉ có đứng!
Tại quán nhậu S ở đường số 7 phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân khi thấy tôi có vẻ cảm tình với Phượng, nhất là lúc tính tiền xong, tôi cho Phượng 200 nghìn, kể cả tiền còn thừa trong hóa đơn - một cách cảm ơn kín đáo vì cô đã cung cấp cho tôi khá nhiều thông tin về nghề tiếp viên thì Ngân, bạn đồng nghiệp với Phượng, tranh thủ lúc Phượng qua chào xã giao một bàn khác đã ghé tai tôi nói nhỏ: "Anh quen con đó thì phải cẩn thận. Nghe đồn nó bị Siđa đó". Tôi hỏi "cô sao biết?", Ngân đáp: "Thì bữa trước nó đi thử máu, lúc về nằm liệt hai ngày, bỏ làm luôn".
Sau này hỏi Phượng, tôi biết cô bị sốt siêu vi nên bác sĩ cho đi thử máu: "Con Ngân hễ thấy tiếp viên nào được khách mến là nó đặt điều nói xấu. Anh cứ thử hỏi cả quán này coi, ai mà chẳng rành".
2. Và cũng để kiếm tiền, một số tiếp viên thông đồng với quản lý, với thu ngân, ăn gian khách, nhất là với những người khách khi tính tiền, họ chỉ nhìn vào con số tổng cộng trong hóa đơn chứ không xem xét từng món một. Tại quán nhậu N trên đường Kinh Dương Vương, quận 6, anh Hải bạn tôi, giám đốc một trung tâm ngoại ngữ là khách quen nên mỗi lần trả tiền, anh chỉ hỏi "bao nhiêu vậy em?" rồi móc túi thanh toán.
Bữa đó, tôi cùng anh và một người bạn nữa, khi kết thúc thì được cô tiếp viên cho biết tất cả hết 1.230.000 đồng. Trong lúc anh Hải lấy tiền, tôi tò mò xem tờ hóa đơn thì phát hiện ra một món, giá 250 nghìn đồng mà chúng tôi chẳng ai gọi. Lúc nói với cô tiếp viên, cô ấp úng: “Chắc thu ngân… tính lộn”, nhưng lộn sao được khi chính cô là người viết phiếu, ghi từng món ăn, từng lon bia, từng cái khăn rồi tới hồi tàn cuộc, cô mang phiếu này giao cho thu ngân xuất hóa đơn.
Anh Hải cau mặt: "Như vậy trước đây tôi đã từng bị ăn gian nhiều lần mà không biết vì có bữa về nhà, tỉnh rượu, tôi thắc mắc rằng mình chỉ ăn chừng đó, uống chừng đó nhưng số tiền lại lên đến cả triệu đồng". Ở một quán khác trên đường 26, khu Bình Phú, quận 6, bác sĩ Nguyễn, công tác tại Bệnh viện Chợ Rẫy kể là có lần anh cùng bạn bè tổ chức ăn mừng một bác sĩ đàn em vừa thi đậu nội trú. Anh nói: "Họ ăn gian rất nghệ thuật bằng cách chọn những món gần giống nhau để kê thêm vào, và chỉ ăn gian lúc khách đã ngà ngà say".
Vẫn theo bác sĩ Nguyễn, trong số các thức ăn nhóm anh gọi, có món bồ câu quay thì trong hóa đơn, bên cạnh món bồ câu quay là món "cháo bồ câu". Khi nêu việc này ra, câu trả lời của cô tiếp viên vẫn chỉ là: "Xin lỗi anh, chắc thu ngân tính nhầm!". Nguyễn nói tiếp: "Thoạt đầu tôi cũng nghĩ họ nhầm nhưng chỉ ít phút sau đó, bàn bên cạnh tôi cũng bị tính nhầm 178 nghìn đồng thì đây không còn là… nhầm nữa!".
Trong những ngày đi thực tế, tôi nhận thấy hầu hết tiếp viên đều có những "mối ruột" của mình. Đó là những người khách chịu uống bia, chịu boa, chịu "lên bông" nếu quán có "hát với nhau" và nhất là tuần lễ 7 ngày, họ ghé quán ít nhất 4-5 lần. Phượng nói: "Với những ông khách này, tụi em phải biết cách giữ chân họ. Nhiều đứa xớn xác, mới nghe ra giá 2 triệu là sẵn sàng "đi" với họ ngay, nhưng xin lỗi anh, tụi nó đâu biết đàn ông khi chưa "được" thì còn săn đón, chiều chuộng, nhưng đã "được" rồi, họ chán mình mấy hồi vì thực tế họ chỉ coi mình như một món đồ giải trí".
Tôi hỏi cách giữ chân là sao? Phượng cười: "Thì mỗi khi họ rủ mình "đi", mình trả lời là muốn tìm hiểu về nhau thêm đã chứ vội vã quá thì không hay, hoặc mình nói "em rất có cảm tình với anh nhưng em không phải là gái, anh để cho em thêm thời gian…".
Nửa khuya tan ca, say xỉn, các cô kè nhau về phòng trọ.
Với những "chiêu" như vậy, chả trách có ông say tiếp viên như điếu đổ, cộng với tự ái nên ông quyết tâm "không cho chúng nó thoát". Sự say mê của ông vô hình trung đã mang lại món lợi cho nhà hàng vì bán được bia, được mồi, tiếp viên được boa "đẹp" còn quản lý cũng "có chút cháo" bởi lẽ mỗi khi ông đến, nếu ông muốn cô đó ngồi bàn với ông thì ông phải móc tiền ra. Còn không, quản lý sẽ phán một câu lạnh tanh: "Anh Chín thông cảm, bữa nay em nó kẹt bàn rồi".
Có mối ruột, tiếp viên ngoài tiền boa hậu hĩ, lắm cô không cần lo lắng đến bữa cơm chiều bởi lẽ khi "mối" vào, các cô kêu đồ ăn thoải mái. Ở quán T trên đường số 2, Bình Trị Đông, cô tiếp viên tên Hằng là mối ruột của một ông khách kinh doanh ngành vật liệu xây dựng. Cứ mỗi lần ông vào, Hằng lại được quản lý điều đến ngồi bàn ông. Và thế là bò nướng lụi, mì xào hải sản, bồ câu quay, cá lăng 3 món được Hằng gọi không tiếc tay.
Ăn nhiều, lại ít vận động nên mới chỉ hơn 20 tuổi, cao khoảng 1,55 mét nhưng cô nặng không dưới 60kg! Nhìn tấm thân đầy những mỡ của cô bó chặt trong cái váy ngắn và cái áo thun 3 lỗ, phục phịch đi lại, tôi không biết rồi trong tương lai, cứ với cái đà ăn uống như thế thì cô sẽ còn nặng đến cỡ nào.
Ở quán V trên đường Vành Đai Trong, cô tiếp viên tên Lưu nũng nịu với người bạn tôi: "Em hổng ăn được thịt bò, thịt heo, thịt gà vì ăn vào là bị dị ứng, ngứa dữ lắm. Em chỉ ăn cá thôi". Thế nhưng con cá mà cô gọi lại là con cá chình biển, mỗi kilôgam nhà hàng tính gần 1,5 triệu đồng!
3. Cho đến nay, ngoại trừ những quán nhậu được tổ chức quy mô, bài bản, tiếp viên có hợp đồng, có bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, giờ giấc làm việc, nghỉ ngơi, chế độ lương bổng theo đúng quy định của Bộ luật Lao động, còn thì vẫn chưa ai thống kê được con số tiếp viên nữ phục vụ trong những nhà hàng, quán nhậu - nhất là những quán nhậu bình dân ở Sài Gòn là bao nhiêu vì hầu hết họ đều không có hợp đồng, chưa kể quán này ế quá, khó sống, họ nhảy qua quán kia hoặc mỗi lần về quê, họ rủ thêm bạn bè lên làm với họ.
Ở quán nhậu A trên đường số 7, phường Bình Trị Đông, có hai chị em ruột cùng là tiếp viên. Chiều chiều tối tối, chị ngồi ôm vai khách ở bàn này, em bá cổ khách ở bàn kia. Gặp những lúc bàn cô chị phụ trách đông khách, còn em thì ế, cô chị lại gợi ý khách, mời cô em qua cùng ngồi và ngược lại để vừa kiếm tiền "boa", lại khỏi lỗ tiền "bàn". Ở một quán khác trên đường Quang Trung, Gò Vấp, con ruột bà quản lý cũng là tiếp viên của quán. Và bởi vì quán có 4 phòng VIP - là những phòng riêng biệt, có gắn máy lạnh nên mỗi khi khách yêu cầu, bà lại điều con bà vào. Mặc dù gọi là "quán nhậu" nhưng trong phòng VIP thì nó chẳng khác gì một quán bia ôm.
Có bữa, đứa con gái bước ra, vừa đi vừa cài lại nút áo rồi khoe với bà: "Mấy cha già đó quậy quá, đòi lột hết đồ con nhưng thằng chả boa 500". Bà mẹ nói: "Mày rửa mặt, đánh phấn thoa son lại đi rồi kiếm cớ rút lui. Anh Tám mới vô, ảnh biểu tao gọi mày ngồi với ảnh kìa".
Cứ như thế, con đường từ nghề tiếp viên đến "nghề" mại dâm kín - rồi sau đó là mại dâm công khai hẳn cũng chẳng còn xa lắm…
(Theo An ninh Thế giới)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.