Từ "bay" đến "xả"
Những ngày gần đây, tiếng nhạc đã im bặt trong một căn nhà nhỏ ở hẻm 389 Trần Bình Trọng, P.1, Q.10, TP.HCM. Thời gian trước, đây là “bãi đáp” bí mật của một nhóm năm-bảy thanh niên do Nguyễn Văn Tùng (tự Bo “khùng”, SN 1993) cầm đầu. Cứ mỗi khi Tùng và nhóm bạn bè “hội quân”, hàng xóm lại đau đầu vì những tiếng hú, hét bất kể ngày đêm. Một người dân sống gần nhà Tùng cho biết, thoạt tiếp xúc với Tùng, ai cũng có cảm tình với cách nói chuyện nhã nhặn, hài hước.
Tuy nhiên, tiếp xúc nhiều lần, Tùng khiến người đối diện… xanh mặt. Có lần Tùng đi chơi về, khi chạy xe vào hẻm thì gặp bạn cùng xóm đang chạy xe máy đi ra. Đáp lại cái gật đầu thân thiện của bạn, Tùng bất ngờ cho xe lao thẳng vào xe người kia rồi hét lên: “Đi kiểu gì kỳ vậy, giết người hả?”. Anh bạn tội nghiệp chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra thì Tùng phán như người ngoài hành tinh: “Sao mày lái… xe tăng vào hẻm?”. Chưa dừng lại đó, “tài xế xe tăng” còn tiếp tục bị Tùng rút dao rượt chạy lòng vòng.
Tiếng tăm về độ “ngáo” của Tùng, người dân cư ngụ tại hẻm 389 Trần Bình Trọng gần như ai cũng biết. Ngoài vụ “xe tăng vào hẻm”, Tùng còn nổi tiếng với những vụ việc “đau đầu” tương tự khác như thức trắng đêm huýt sáo, lái xe một bánh… Để có tiền mua ma túy “đá”, Tùng gia nhập băng nhóm cướp giật với Cường “chớp”, Lộc “đen”, Hiếu “chùa”. Những đối tượng này “ăn bay” khét tiếng ở Q.10 và thường tụ tập sống bầy đàn sau mỗi phi vụ.
Đến đầu tháng 8.2014, sau hàng chục vụ cướp táo tợn, cả nhóm bị trinh sát hình sự giăng lưới. Riêng Tùng, thời điểm bị bắt giữ vừa mới “đập đá” xong nên “ngáo” nặng, hung hãn đến mức phải bốn trinh sát cùng bao vây mới khống chế được. Một trinh sát hình sự theo dõi băng nhóm này cho biết, nhóm của Tùng trước khi đi cướp giật đều mua ma túy đá về “đập” nhằm tạo cảm giác tự tin, không sợ hãi. Có lần, Lộc “đen” chở Hiếu “chùa” sau khi giật dây chuyền trên đường Hùng Vương đã tẩu thoát bằng cách phóng xe máy lao thẳng qua liên tiếp bốn ngã tư đèn đỏ.
"Ngáo đá" làm người nghiện không còn kiểm soát được hành vi.
Một cán bộ điều tra tội phạm ma túy cho biết, hiện nay, ma túy đá được xem là “bửu bối” của các băng nhóm tội phạm đường phố do đem lại ảo giác “vô địch”. Bên cạnh đó, do công đoạn sử dụng ngắn gọn, không phải pha thuốc, tiêm chích như heroin nên ma túy đá ngày càng được bọn tội phạm ưa chuộng. Tuy nhiên, con đường từ “đập đá” đến “ngáo đá” ngắn hơn nhiều người lầm tưởng.
Ngày 10.10, theo chân một tình nguyện viên vào hẻm 513 Cách Mạng Tháng Tám, PV có dịp gặp lại Lan (23 tuổi, ngụ Q.10) có chồng là dân “ngáo” nặng. Hồi cuối tháng 5.2014, Lan từng bế con đứng khóc nức nở trước sân TAND TP.HCM khi hay tin chồng cô nhận án 7 năm tù về tội “cướp giật tài sản”.
Kể về trường hợp của chồng, Lan cho biết, một hôm bước vào căn phòng chưa đầy 12m2 mà chồng cùng đám bạn “chí cốt” đang ở bên trong, cô tá hỏa khi thấy cả năm tay đàn ông cùng đứng túm tụm trên đầu giường, miệng hét lên hốt hoảng: “Coi chừng cá mập!”. Theo lời Lan, đây là trò chơi tưởng tượng phổ biến mà hầu như dân “đập đá” nào cũng biết. Có chồng chơi “đá”, Lan gần như biết tất cả những trò chơi kỳ quái đó.
Một lần khác đem cơm lên phòng cho chồng, cô lại thấy nhóm bạn bè của chồng cùng búng người lên như tôm. Trong khi đó, anh chồng 24 tuổi của cô đứng chỉ tay lần lượt vào từng người la hét: “Cháy kìa, cháy kìa”. Những lúc như vậy, chồng cô giữ vai trò chỉ huy... cảm xúc. Dân “nghiện đá” cho rằng, cầu là có, ước là thấy và… “bay” đi đâu cũng được. Cho nên, có những lúc mải “bay” bỗng dưng hết thuốc, dân “đập đá” bị tụt cảm xúc và coi đó là bị “gãy”. Dù cảm giác “gãy” của “đá” không đứt đoạn, hụt hẫng như thuốc lắc nhưng bằng mọi giá, người chơi phải tìm “đá” để “đập” tiếp, làm sao “bay” lại cho bằng được đến khi kiệt sức mới ngưng.
Tuy nhiên, tiết mục kinh dị nhất của dân “đập đá” thường không ngưng dễ dàng như vậy mà còn một giai đoạn cuối gọi là… “xả đá” - tiếng lóng để nói về việc quan hệ tình dục (thường là quan hệ tập thể) do ma túy đá tác động. Điều này cũng lý giải vì sao các băng cướp đường phố thường có đối tượng nữ tham gia. Bản thân Lan cũng từng là nạn nhân của chính chồng cô và các bạn trong một lần bị “vây” trong khách sạn.
Tội phạm đồng hành cùng "ngáo đá"
Tâm sự với tình nguyện viên Hồng, người có hoàn cảnh tương tự Lan cho biết, vì có hai con nhỏ và chuẩn bị sinh con thứ ba nên cô gần như sống nhờ vào các phi vụ sau khi chồng đi đá gà, cướp giật mang về. “Hồi chưa bị bắt, có bữa ảnh "ngáo đá", ôm con gà ra trước cửa, ảnh tắm cho nó rồi nói chuyện với nó cả ngày. Không biết ảnh tưởng tượng ra chuyện gì nữa”, Hồng kể, nước mắt chảy dài cùng nụ cười méo xệch. Cho đến đầu năm 2014, chồng của Hồng bị bắt. Đêm trước khi bị bắt, chồng Hồng còn rủ thêm hai người bạn về căn nhà trọ. Phê thuốc, cả ba cùng nhau gọi tên các nữ diễn viên điện ảnh nổi tiếng cho đến khi khàn giọng mới thôi.
Sau khi những thanh niên này phê ma túy đá, chuyện gì sẽ xảy ra?
Trong công bố mới đây của Công an TP.HCM, những trường hợp nghiện ma túy “đá”, trước mỗi lần “cất cánh” bao giờ cũng phải ra đường cướp giật, nếu không thì “nhập nha”, “đá xế”. Hiện toàn thành phố có gần 100 băng nhóm với gần 500 đối tượng có hành vi đan xen giữa tội phạm ma túy và tội phạm cướp giật. Ma túy “đá” là thứ thường gặp nhất mỗi khi cơ quan chức năng thu giữ tang vật hay khám xét.
Sự “quái” bên trong mỗi “con ngáo đá” là điều dễ hiểu và dễ thấy. Tuy nhiên, dấu hiệu nhận biết chính xác người “ngáo đá” hiện nay vẫn là một bài toán chưa có lời giải. Trong hàng loạt vụ án gây rúng động dư luận, gần như các đối tượng “ngáo đá” không có biểu hiện bất thường rõ rệt cho đến khi gây án đầy bất ngờ khiến cả xã hội giật mình. Một điều tra viên thụ lý án ma túy cho chúng tôi biết, thời mới vào nghề, bản thân anh cũng một phen “khó đỡ” khi lần đầu tiếp xúc với dân “ngáo đá”.
Làm việc với điều tra viên này, đối tượng “ngáo đá” bị bắt với hành vi “mua bán trái phép chất ma túy” liên tục đọc “diễn văn” về hoàn cảnh gia đình khó khăn nên đã phải nghỉ học sớm, bị chúng bạn “gài bẫy” dẫn vào con đường tội lỗi. Giữa buổi lấy lời khai, đối tượng còn làm thơ đại ý là ca ngợi các anh công an không ngại hiểm nguy đã lái con thuyền hy vọng đưa đối tượng quay lại bến bờ lương thiện. Buổi lấy lời khai phải tạm dừng đợi cho đến khi đối tượng hết “ngáo”. Trong lúc xung quanh im phăng phắc, đối tượng “ngáo đá” tiếp tục đọc thơ: “Có một mình ngồi ôm cái bình. Nhạc xập xình là lên thiên đình”. Lảm nhảm đến mức khiến mọi người phì cười như vậy, nhưng cũng chính đối tượng này, trước khi bị bắt, đã gọi điện cho một đầu nậu chuyên cung cấp súng để đặt hàng một khẩu K54 với ý đồ sẵn sàng chống trả khi bị bắt.
Một nhóm dân chơi sống bầy đàn sau khi phê ma túy đá.
Mới đây, vụ án giết người chặt xác ở phường Cầu Kho, Q.1 do đối tượng Đặng Văn Tuấn (SN 1974) thực hiện sau khi “đập đá” một lần nữa cho thấy, sự tàn bạo không thể tưởng tượng nổi của những kẻ “ngáo đá”. Trước đó, là vụ “ngáo đá” Tô Minh Nhật Hải (SN 1981, ngụ P.4, Q.10, TP.HCM) dùng dao đâm chết mẹ ruột là bà P.T.H. (SN 1951) tại nhà số 100 Nhật Tảo và đâm trọng thương nhiều người trong gia đình. Tàn bạo một cách bất ngờ là vậy, nhưng khi tiếp xúc với Hải tại cơ quan cảnh sát điều tra, chúng tôi chỉ thấy một thanh niên dáng vẻ hiền lành, mặt cúi gằm như biết lỗi. Trước khi bị chuyển từ nhà tạm giữ Công an Q.10 về Phòng Cảnh sát hình sự, Hải cho biết, anh ta gây án là vì tưởng có người cầm dao muốn giết mình. Hình ảnh đó xuất hiện trong đầu Hải cùng với nhiều âm thanh sống động như thật.
Trước cả hai vụ án mạng do “ngáo đá” thực hiện như đã kể trên, còn vô số những vụ việc khác không chỉ xảy ra ở TP.HCM mà còn nhiều tỉnh thành trên cả nước. Một nữ sinh khỏa thân lao ra đường, một thanh niên giết người yêu, một người đàn ông chui vào ống cống... tất cả đều là “tác phẩm” của thứ độc dược mà giá thị trường chỉ vài trăm ngàn đã đủ cho bốn-năm người chơi.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy, Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng và cai nghiện ma túy Thanh Đa cho biết: “Số thanh niên sử dụng ma túy “đá” đang tăng theo cấp số nhân. Nếu năm 2005 chỉ có bốn ca đến Trung tâm cai nghiện thì từ năm 2012 đến nay, mỗi năm chúng tôi tiếp nhận khoảng 360 ca. Nhìn những con số này tôi không khỏi giật mình. Trước đây, số học viên cai nghiện “hàng đá” chiếm chưa tới 1% tổng số học viên thì hiện đã là 25%. Đáng nói, số học viên nghiện nặng ngày càng nhiều hơn. Số học viên điều trị theo yêu cầu của Bệnh viện Tâm thần chiếm trên 30%, tăng gấp đôi so với những năm 2012 trở về trước. Đây chỉ là những ca điều trị tự nguyện, và còn không ít trường hợp người nghiện bỏ nhà đi bụi, sống lang thang”.
(Theo Phụ nữ)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.