"Phương án con vịt" của thể thao Việt Nam phá sản

Thứ năm, ngày 25/11/2010 15:10 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Bất cứ môn nào, Việt Nam đều tham dự nếu có thể. Đã hình thành thuật ngữ chuyên môn cho việc này là "phương án con vịt".
Bình luận 0

Chiều qua, hai niềm hy vọng mong manh và cuối cùng về chiếc HCV đầu tiên cho Thể thao Việt Nam đã bị dập tắt khi cầu mây thua trước Thái Lan và karate "thúc thủ" khi gặp Trung Quốc. 

Có thể đây là một tổn thất của Thể thao Việt Nam nhưng nó là liều thuốc đúng lúc cho nền thể thao nước nhà. Chỉ có điều liều thuốc ấy quá đắng...

img
Nguyệt Ánh (trái) chỉ giành HCB môn karatedo hạng dưới 50kg.

Thở phào trước thất bại

Môn cầu mây! Thái Lan là đối thủ ta đã gặp quá nhiều lần và sẽ còn gặp rất nhiều lần nữa nếu muốn một chức vô địch Đông Nam Á, châu Á, thế giới. Nhưng hiện tại, có một thực tế mà cầu mây Việt Nam phải chấp nhận: Thái Lan có thể thành lập được 10 đội tuyển và bất cứ đội tuyển nào trong số ấy đều có thể thắng chúng ta. Tỉ số 1 - 2 chung cuộc trong cuộc tranh tài ngày 24 - 11 tại trung tâm thể thao Haizhu, Quảng Châu không phải là kết quả tồi khi ta đối đầu với họ.

Biết là thế nhưng trung tâm Haizhu vẫn đông đặc người quan tâm đến cầu mây Việt Nam, đến thể thao Việt Nam: phóng viên, người hâm mộ và cả các VĐV của các bộ môn khác. Nhiều người trong số ấy đến đây không phải để chờ… chiến thắng. Chiến thắng cầu mây trước Thái Lan là suy nghĩ viển vông của một kẻ thiếu hiểu biết chứ không phải là của những người hiểu Thể thao Việt Nam tại Haizhu chiều qua.

Cuộc chơi mới bắt đầu, những cuộc điện thoại tới tấp từ bên nhà thi đấu Guang Dong báo về một thất bại nữa của Việt Nam trong một trận chung kết: Nguyệt Ánh gặp chấn thương và thất bại trước đối thủ là VĐV chủ nhà ở môn karate hạng 50kg. Những người nhiều năm gắn bó với Thể thao Việt Nam căng mình lên chờ một cái gì đấy.

Thất bại cuối cùng và tất yếu trước Thái Lan, hy vọng vàng cuối cùng của Việt Nam tại Quảng Châu bị dập tắt lúc 17 giờ 45 (16 giờ 45 Hà Nội). Lạ một điều, nhiều người yêu Thể thao Việt Nam lại thở phào như đã cất được một gánh nặng đè nặng họ suốt từ đầu ASIAD đến giờ.

Phóng viên Thanh Tùng (Báo Thể thao 24h) dường như nói hộ cảm nghĩ cho tất cả cánh báo chí Việt Nam: "Thất bại này chính thức thể hiện được bức tranh toàn cảnh của TTVN. Chỉ những lúc mang "trọng bệnh" như lúc này, người ta mới thấy sự cần thiết của một liều thuốc đắng".

Đã đến lúc không để ngành thể thao tự thay đổi nữa mà phải thay đổi ngành thể thao để vực dậy nền thể thao nước nhà.

"Phương án con vịt" phá sản

Đứng thứ 6 trong khu vực Đông Nam Á trong bảng tổng sắp của ASIAD kỳ này, trong khi số lượng VĐV của ta chỉ kém Thái Lan và Malaysia đã cho thấy "lượng không thể bù lại chất".

Bất cứ môn nào, Việt Nam đều tham dự nếu có thể. Đã hình thành thuật ngữ chuyên môn cho việc này là "Phương án con vịt". Con vịt có thể bay, có thể chạy, có thể bơi, có thể kêu… nhưng không một việc nào trong số ấy, chú vịt có thể làm xuất sắc cả.

Đoàn Thể thao Việt Nam là thế! 259 VĐV "dàn đều" cho hàng chục môn thi đấu nhưng hình dáng chiếc HCV thì 259 con người ấy chỉ có thể biết qua ảnh.

Trong số những người quan tâm và gắn bó với thể thao nước nhà tại Haizhu có một người, một điểm sáng duy nhất của Thể thao Việt Nam tại ASIAD kỳ này: Trương Thanh Hằng, HCB ASIAD ở nội dung điền kinh 1.500m nữ. Tôi bất giác nhớ lại câu chuyện với Hằng một năm trước ở Lào hồi SEA Games 25, câu chuyện ấy phần nào lý giải cho sự thất bại của Thể thao Việt Nam lần này…

Tôi và Hằng ngồi cạnh nhau trên xe buýt sau thất bại của đội Olympic Việt Nam trong trận chung kết trước Malaysia. Tôi không biết Hằng là người vừa đoạt được 2HCV điền kinh chiều hôm trước: Một nữ hoàng điền kinh chạy như bay trên sân và cô bé gầy gò như một cô gái quê ngồi nép mình trong góc xe quá khác nhau.

Sau khi biết nhau, nhận định về việc thua khó hiểu của bóng đá VN khi ấy, Hằng chỉ bảo "Được chiều quá mà"… Rồi Hằng kể chuyện về nỗi vất vả của mình khi buộc phải rời bỏ thể thao TP.HCM để đầu quân cho Ninh Bình. Nguyên nhân của mớ rắc rối ấy chỉ là: "Ở TP.Hồ Chí Minh, lương thấp quá, có 2,7 triệu đồng. Chừng đó sống còn hổng nổi nói chi chuyện thi đấu tập luyện".

Một năm sau, chiếc HCB danh giá tại ASIAD 16 của Hằng tại môn thể thao Nữ hoàng có thể liên quan tới quyết định lần ấy. Nếu sống với mức lương 2,7 triệu đồng từ đó đến nay không hiểu Hằng có mang về cho chúng ta có được thành tích đáng ghi nhớ ấy không.

Bài học về việc đầu tư "tử tế" cho những môn thể thao "tử tế" thông qua chuyện của Hằng chỉ là một việc rất nhỏ mà TTVN phải làm ngay sau ASIAD này. Khi đã rệu rã đến mức này rồi, tốt nhất là "đập đi để làm lại".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem