Một câu hỏi được đặt ra là liệu tình yêu và trách nhiệm của ông bầu xứ Ninh Bình này có thực mặn nồng như phát biểu “phát triển bền vững” được đưa ra?
Trùm của các trùm
Ngay từ lúc mới bước vào bóng đá, bầu Thụy lập tức gây tiếng vang lớn. Khi ấy ông gắn bó với Hà Tĩnh và lập tức biến đội hạng nhì này thành một hiện tượng. HLV Nguyễn Văn Sỹ được mời về cùng một loạt hảo thủ như Tân Thịnh, Hoàng Sơn, Thành Dũng, Văn Hương, Công Luận và đặc biệt là sự góp mặt của cựu tuyển thủ vang bóng một thời: Quốc Vượng. Dù không lên hạng thành công, nhưng những thương vụ chi bạo tay của ông bầu trẻ đã gây chú ý mạnh.
|
Bầu Thụy (trái) và cò Đại nhức đầu với vụ áp phe thất bại |
Sau một thời gian đầu tư quá độ cho Quảng Nam, rút cuộc bầu Thụy đã nhắm đến mảnh đất Sài Gòn, nơi ông đánh giá là “đất vượng” để đầu tư bóng đá. Lập tức sự hiện diện của ông bầu người Ninh Bình gây chú ý mạnh mẽ. Dù chỉ là hạng nhất, nhưng Sài Gòn Xuân Thành (SG.XT) dưới thời ông được cả thiên hạ nể trọng.
Đâu phải ai cũng có thể bỏ 22 tỷ đồng để mua bộ 3 tuyển thủ Minh Đức, Đình Luật, Phước Tứ hay gần chục tỷ đồng để mua thủ thành Tấn Trường. Đấy là chưa kể những tên tuổi ngoại binh cực kỳ nặng đô khác như Kesley, Rogerio, Antonio, Nsi… mỗi người giá chuyển nhượng đều không dưới 250.000USD. Những cái tên còn lại, dẫu kém hơn nhưng cũng toàn hảo thủ từng khoác áo ĐTQG như Sỹ Mạnh, Trọng Bình, Minh Chuyên, Minh Nhựt…
Mạnh tay, mỗi mùa không tiếc bỏ cả trăm tỷ đồng, bầu Thụy đã trở thành một trong những ông bầu mạnh chi nhất của làng bóng Việt. Một trong những bước ngoặt trong chiến lược đầu tư của ông Thụy là việc mời về dưới trướng “cò” Trần Tiến Đại. Bằng tài năng biến ảo của mình, “cò” Đại đã tạo lập được danh tiếng như tay trùm môi giới số 1 Việt Nam với những phi vụ tưởng chừng vô kế khả thi. Có Đại, đồng nghĩa bầu Thụy có được người có khả năng hiệu triệu và một mình thao túng cả thị trường.
Sự mạnh tay của bầu Thụy đã giúp thị trường chuyển nhượng Việt Nam có thêm giai đoạn bùng nổ mới sau thời kỳ lũng đoạn của bầu Trường - người anh và cũng là sếp cũ của ông Thụy. Khi ấy, SG.XT là bến đỗ trong mơ của mọi cầu thủ. Giá chuyển nhượng cao chất ngất, tham vọng hừng hực và trên hết là được chơi bóng ở Sài Gòn hoa lệ. SG.XT là cái tên duy nhất đủ lực và dám so kè mãnh liệt với bộ đôi anh em nhà bầu Hiển là Hà Nội T&T và SHB Đà Nẵng đến tận vòng cuối cùng.
Dẫu không thể có được chức vô địch quốc gia (theo cách bầu Thụy mô tả là bị chơi xấu), nhưng chiếc cúp quốc gia đã phần nào khẳng định tiềm lực của giải ngân hà nơi đây. Mới đây, bầu Thụy tiếp tục gây chú ý khi bỏ 21 tỷ đồng mua lại Navibank Sài Gòn (N.SG) và sau đấy làm công văn tặng SG.XT cho TP.HCM cùng thông tin sẽ khai tử N.SG.
|
Tương lai của đội bóng Navibank Sài Gòn là giải thể? |
Một nước cờ sai…
Tại sao lại có chuyện này? Bỏ ra 21 tỷ đồng cứu vớt đội bóng ngân hàng (vốn chịu sự quản lý của lãnh đạo thành phố), trao ngược đứa con mạnh mẽ của mình cho lãnh đạo thành phố nghe qua rất tuyệt khi giúp thành phố tiếp tục giữ được một suất tại V-League, thậm chí đủ khả năng tranh ngôi vô địch. Nhưng thực tế, đấy dường như là động thái cực chẳng đã mà thôi.
Theo những thông tin trong “ngành”, SG.XT đang phải trả giá đắt sau một con tính sai lầm của bầu Thụy, chính xác là từ tư vấn thiếu chu toàn của “cò” Đại. Tập đoàn Xuân Thành sau nhiều mùa vung tiền liên tục đã gặp ngưỡng tới hạn về tài chính, thể hiện qua việc họ chia tay những anh Tây đắt giá như Kesley, Rogerio cùng một loạt nội binh hết hợp đồng như Trọng Bình, Văn Quyến… và tiến hành ép giảm lương với phần còn lại của đội bóng theo các mức từ 10 - 20%. Tuy nhiên, bầu Thụy - theo lời tư vấn của “cò” Đại - đã đột ngột đứng ra mua lại N.SG với giá 21 tỷ đồng.
Đấy là một thương vụ khôn ngoan bởi khi ấy “cò” Đại đã đạt thỏa thuận miệng bán suất V-League của N.SG cho Hải Phòng với giá hơn chục tỷ đồng (có thông tin là 15 tỷ đồng). Nên nhớ, đây chỉ là bán suất còn về con người sẽ hoàn toàn chịu quyền quyết định của SG.XT.
Hãy thử tưởng tượng, trừ 15 tỷ đồng thu lại từ Hải Phòng, việc bỏ ra 6 tỷ đồng để mua 9 cầu thủ sao số của N.SG như Quang Hải, Tài Em, Việt Cường, Long Giang, Được Em, Thế Anh… là quá rẻ. Ý tưởng ấy là hoàn mỹ nếu người ta không phát hiện ra một điều luật: Cấm một CLB chuyển nhượng quá hai lần trong một mùa bóng. Suất V-League của N.SG đã sang tên cho Công ty Xuân Thủy và vì thế không thể bán cái lại một lần nữa cho Hải Phòng!
Kết cục, bầu Thụy phải gánh thêm một cục nợ trị giá hàng chục tỷ đồng mang tên N.SG: 21 tỷ bỏ ra mua + chục tỷ đồng 3 tháng lương, tiền thưởng 10 trận còn thiếu từ mùa trước của N.SG + viễn cảnh nuôi đội cả mùa bóng tới tối thiểu 30-50 tỷ đồng nữa.
… để rồi mắc nghẹn
|
Công văn "trao tặng" đội bóng SG.XT của bầu Thụy gửi UBND TP.HCM |
Sự lạc quan không thấy nhiều tại SG.XT lúc này. Và đấy là nguồn cơn cho hành động cao cả trao tặng đội bóng SG.XT. Trong công văn, bầu Thụy khẳng định trao tặng đội bóng nhằm thực hiện cam kết “không chuyển giao đội bóng cho bất kỳ địa phương nào khác trên lãnh thổ Việt Nam, tạo dựng đứa con tinh thần đích thực cho người hâm mộ bóng đá thành phố căn cứ theo buổi làm việc với lãnh đạo thành phố để phát triển bền vững CLB SG.XT nói riêng và sự phát triển của bóng đá TP.HCM nói chung”.
Nghe rất kêu và đầy tinh thần cách mạng. Nhưng hãy đọc kỹ dòng chữ in nghiêng phía cuối văn bản: “Để tạo sự ổn định và phát triển lâu dài cho bóng đá TP.HCM, Tập đoàn Xuân Thành cam kết: Khi nhận được sự ủng hộ của Thành ủy, HĐND, UBND TP.HCM trong việc kêu gọi tài trợ, đồng hành và chia sẻ về mặt kinh tế với đội bóng, Tập đoàn Xuân Thành sẽ đổi tên thành CLB bóng đá Sài Gòn (SG.FC) hoặc ghép tên doanh nghiệp khác vào tên đội bóng tùy vào gói tài trợ. Rất mong nhận được sự quan tâm, hỗ trợ và chỉ đạo quyết liệt từ Thành ủy, HĐND, UBND TP.HCM…”.
Bầu Thụy đã cạn tiền (hoặc gặp khó trong huy động tiền). Bản thân SG.XT lúc này vẫn còn nợ lương 3 tháng và tiền thưởng vô địch cúp quốc gia. Thương vụ mua lại N.SG, về lý thuyết sẽ giúp họ mạnh hơn rất nhiều khi phủ gần như kín đội hình bằng những nội binh toàn tuyển thủ. Nhưng đấy phải trong hoàn cảnh nuôi được đội bóng. Sự hỗ trợ “quyết liệt” của lãnh đạo thành phố, cụ thể là gói tiền viện trợ hoặc một dạng tài trợ đứng tên một doanh nghiệp khác đang là cứu cánh gần như duy nhất của bầu Thụy lúc này.
Thật tiếc cho tham vọng bá quyền một thuở của ông bầu người Ninh Bình. Rất nhiều tiền đã bỏ ra, cùng công sức gầy dựng. Nhưng, sự cố mang tên N.SG không tự nhiên đến. SG.XT đã hưởng lợi nhiều từ “cò” Đại và đây là mặt trái.
Cơn khủng hoảng kinh tế kéo đến đã ảnh hưởng rất nhiều đến bóng đá chuyên nghiệp. Sẽ không đơn giản có chỗ cho cách làm bóng đá ăn xổi nữa, có thể tin như vậy. Và bài học của bầu Thụy tại SG.XT sẽ là tiếng chuông cảnh tỉnh cho rất nhiều ông bầu đang cân nhắc đầu tư hoặc duy trì đầu tư vào bóng đá. Bóng đá, kiếm tiền không dễ và xài tiền thì cực kỳ nhiều, không cẩn thận “ra đê” ở như chơi!
Theo Thế giới & Hội nhập
Vui lòng nhập nội dung bình luận.