“Râu ông nọ cắm cằm bà kia”
|
Thí sinh dự thi môn văn tại điểm thi Trường Trung học phổ thông Quang Trung (Hà Đông, Hà Nội) năm 2011. |
Không nắm được kiến thức nhưng để “câu giấy” cho bài thi được dài, trong các môn thi tự luận như ngữ văn, địa lý, nhiều thí sinh đã không ngại ngần “chém gió”, cho “râu ông nọ cắm cằm bà kia”.
Ở câu hỏi về tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” của nhà văn Nguyễn Minh Châu, có thí sinh hồn nhiên phân tích: “Người chồng đánh vợ mà không hề nể mặt cụ Mết”, trong khi cụ Mết lại là nhân vật trong tác phẩm “Rừng xà nu” của nhà văn Nguyễn Trung Thành.
Thí sinh nhầm lẫn nhiều nhất là ở câu hỏi về nhân vật Tràng. Một cán bộ chấm thi cho biết, có bài thi dài tới 3 trang giấy, trong đó hai trang đầu thí sinh phân tích nhân vật Tràng, trang cuối lại chuyển sang Tnú (nhân vật trong tác phẩm “Rừng xà nu”). Có thí sinh còn bỏ luôn mục phân tích mà chỉ kể lại nội dung tác phẩm, thậm chí kể đi kể lại nhiều lần. Lỗi này chiếm tỷ lệ khá cao trong các bài thi môn văn. “Điều này cho thấy học sinh đang hiểu nhầm cách làm văn là làm càng dài càng tốt” - cán bộ này cho biết.
Theo các cán bộ chấm thi một điểm khác trong mùa chấm thi năm nay là hầu như không gặp hiện tượng thí sinh đối thoại với người chấm hay chép bài hát trong bài thi.
Theo cô Nguyễn Anh - một giáo viên dạy văn ở Hà Nội, cô đã từng gặp một thí sinh chơi trò gian lận bằng cách giữa bài văn, thí sinh chép nguyên lời bài hát “Kiếp ve sầu”.
“Thí sinh nghĩ cán bộ chấm thi chỉ chấm đo gang nên mới làm thế. Điều này khiến chúng tôi rất buồn. Trong tình huống này, có lẽ chính giáo viên là kiếp ve sầu vì cứ nói khản giọng mà học sinh không để vào đầu được chữ nào” - cô Nguyễn Anh chia sẻ.
Thật thà như… văn học trò
Không chỉ môn văn, ở môn địa, nhiều thí sinh cũng cố nặn chữ để lấp cho đầy trang giấy. Nhưng theo một số giám khảo, thí sinh có thể cứu điểm ở các câu hỏi về vẽ biểu đồ, sử dụng cuốn “Atlat địa lý Việt Nam” nên tỷ lệ thí sinh đạt từ 5 điểm môn địa lý trở lên vẫn khá cao.
Ở câu 2, câu nghị luận xã hội với yêu cầu: “Trước nhiều ngả đường đi đến tương lai, chỉ có chính bạn mới lựa chọn được con đường đúng cho mình. Viết một đoạn văn ngắn (khoảng 400 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến trên”. Đây là một câu hỏi được các thầy cô giáo và các chuyên gia đánh giá là hay, gợi mở, kích thích tính sáng tạo của học sinh.
Tuy nhiên, không phải thí sinh nào cũng biết cách để làm dạng bài này. Không ít em ngồi “tán” cho dài. Có thí sinh phân tích theo kiểu “chẻ sợi tóc làm tư”, đi từ khái niệm “đường là gì?” đến giải thích “đường gồm có cả đường nhựa, đường sắt, đường thủy” rồi chuyển giọng văn rất hùng hồn: “Nhưng ở đây là đường đời. Đường đời khác ở chỗ nào? Tuổi nào lựa chọn đường đời? Chính là tuổi của chúng ta đây”.
Một thí sinh khác cũng cao hứng không kém: “Từ cả trăm năm trước, cụ Lỗ Tấn đã nói đường do người ta đi mãi mà thành. Thanh niên của thế kỷ XXI phải tự biết khẳng định vị trí bản thân mình bằng một con đường riêng, không thể để người khác dắt”.
Trong khi đó, nhiều thí sinh lại rất thật thà: “Tự chọn, nhưng tuổi này thì chưa chọn được, nên em nghĩ vẫn phải dựa vào thầy cô, bố mẹ vì họ cũng chỉ muốn tốt cho chúng ta thôi”.
Theo ông Bùi Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GDĐT, chậm nhất đến ngày 18.6, các sở sẽ hoàn tất công tác chấm thi và công bố điểm cho thí sinh.
Hoàng Tuấn
Vui lòng nhập nội dung bình luận.